Khối lượng chất khô là chỉ tiêu phản ánh tốc độ tăng trưởng, phát triển của cay. Vật chất cây tích lũy được một phần sử dụng cho các hoạt động sống một phần làm nguyên liệu để hình thành ra các bộ phận của cây và sự trữ chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ quan dự trữ quả, hạt sau này.
Khả năng tích lũy chất khô là lượng chất khô mà cây trồng tích lũy trong suốt chu kỳ sống của cây, ở từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển, có ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng. Hiệu quả của quá trình quang hợp được thể hiện qua khả năng tích lũy chất khô của cây và nó là cơ sở tạo ra năng suất của cây. Quang hợp tốt và thuận lợi thì khả năng tích lũy chất khô của cây cao và ngược lại. Khả năng sinh trưởng của cây lạc khác nhau qua các thời vụ khác nhau nên khả năng tích lũy chất khô cũng khác nhau. Khả năng tích lũy chất khô tốt và thuận lợi sẽ là cơ sở cho quá trình hình thành năng suất sau này. Trong thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng quá trình hình thành các bộ phận sinh dưỡng mạnh, lượng chất hữu cơ được tổng hợp chủ yếu phục vụ cho việc xây dựng các cơ quan sinh dưỡng của cơ thể. Sang thời kỳ sinh trưởng sinh thực, quá trình tích lũy vật chất mới thực sự tăng nhanh làm tăng khối lượng vật chất khô tăng, trong đó quan trọng nhất là lượng chất khô tích lũy trong các cơ quan kinh tế. Khả năng tích lũy vật chất khô phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giống, điều kiện chăm sóc cũng như yếu tố ngoại cảnh.
36
Kết quả theo dõi khả năng tích lũy chất khô của các giống lạc thí nghiệm được thể hiện ở bảng 3.10:
Bảng 3.10: Khả năng tích lũy chất khô của các giống lạc nghiên cứu
Đơn vị tính: g/cây
Tên giống TK bắt đầu ra hoa TK ra hoa rộ TK quả chắc
Lào Cai 7,95 11,87 33,01
Nghệ An 3,51 8,65 22,01
L27(Đ/c) 3,87 6,99 24,86
LSD0,05 0,66 1,91 1,92
CV% 5,7 9,2 3,2
Dựa vào số liệu bảng 3.10 cho thấy: Ở thời kỳ bắt đầu ra hoa, lượng chất khô tích lũy không lớn, biến động trong khoảng 3,51- 7,95 g/cây, trong đó thấp nhất là giống Nghệ An đạt 3,51g/cây, cao nhất là giống Lào Cai trong khoảng 7,95g/cây. Còn lại giống L27(Đ/c) có lượng chất khô trung bình khoảng 3,87g/cây, ở độ tin cậy là 95% với LSD= 0,66g/cây.
Vào thời kỳ hoa rộ, khi thân lá bắt đầu phát triển mạnh thì khả năng tích lũy chất khô của các giống cũng tăng lên rõ rệt. Lượng chất khô tích lũy được của các giống trong thời kỳ này dao động trong khoảng từ 6,99- 11,87g/cây. Trong đó, giống đối chứng L27(Đ/c) có khả năng tích lũy chất khô thấp nhất (6,99g/cây), giống Lào Cai có khả năng tích lũy chất khô cao nhất (11,87g/cây), ở độ tin cậy là 95% với LSD= 1,91g/cây.
Kết thúc thời gian nở hoa, lạc bước vào thời kỳ đâm tia hình thành quả và quả vào chắc. Lúc này thân lá và trọng lượng hạt tăng lên nhiều vì thế lượng chất khô tích lũy được tăng lên rõ rệt và đạt giá trị cao nhất trong ba thời kỳ, dao động từ 22,01-33,01g/cây. Trong đó đạt cao nhất là giống Lào Cai (33,01g/cây), thấp nhất là giống Nghệ An (22,01g/cây). Giống còn lại là L27(Đ/c) có khả năng tích lũy chất khô cao hơn giống Nghệ An đạt 24,86g/cây, ở độ tin cậy là 95% với LSD=1,92g/cây.
Qua quá trình theo dõi khả năng tích lũy chất khô của các dòng giống tham gia thí nghiệm cho thấy có sự khác nhau giữa các thời kỳ, khả năng tích lũy chất khô đạt cao nhất trong thời kỳ quả chắc.
37