5. Xem xét nguy cơ và các biện pháp kiểm soát nguy cơ
2.1 Thu thập thông tin
Những người thực hiện đánh giá nguy cơ phải thu thập và xem xét nhiều loại thông tin để đánh giá chính xác nguy cơ và lựa chọn thích hợp các biện pháp kiểm soát nguy cơ cần thiết để giảm thiểu nguy cơ tới mức có thể chấp nhận được trong phòng xét nghiệm. Thông tin này không chỉ dừng ở việc xác định các mối nguy hiểm - các tác nhân sinh học được sử dụng - và xem xét các quy trình và bối cảnh thực tế góp phần vào nguy cơ tổng thể (26). Thông tin chính cần thu thập nên bao gồm:
các hoạt động trong phòng xét nghiệm đã lên kế hoạch (ví dụ, quy trình, thiết bị, thao tác với động vật, siêu âm, sóng âm và ly tâm),
năng lực của nhân viên thực hiện công việc,
nồng độ và thể tích của tác nhân sinh học và khả năng lây nhiễm của vật liệu được thao tác,
đường lây nhiễm tiềm tàng,
liều lây nhiễm của các tác nhân sinh học,
khả năng lây nhiễm của các tác nhân sinh học,
mức độ nghiêm trọng của việc phơi nhiễm với tác nhân sinh học,
sự sẵn có các biện pháp dự phòng hoặc can thiệp điều trị hiệu quả ở địa phương,
mức độ ổn định của tác nhân sinh học trong phòng xét nghiệm và môi trường bên ngoài,
tính nhạy cảm của nhân sự phòng xét nghiệm (ví dụ, những người có nguy cơ),
phạm vi vật chủ của tác nhân sinh học (tức là khả năng lây nhiễm từ động vật),
tính đặc hữu của tác nhân sinh học trong quần thể địa phương,
tần suất xảy ra lỗi của thiết bị và tòa nhà (ví dụ” nguồn điện, cơ sở hạ tầng và hệ thống tòa nhà).
Tất cả các thông tin được đề cập ở trên sẽ cung cấp sự đánh giá rộng hơn, đa yếu tố hơn với các nguy cơ có thể tồn tại trong phòng xét nghiệm. Thông tin về tất cả các yếu tố này là cần thiết vì sự kết hợp khác nhau của các hoạt động và tác nhân sinh học có thể gây ra nguy cơ lớn hơn trong một số tình huống so với những trường hợp khác. Ví dụ: nuôi cấy tăng sinh một tác nhân sinh học có liều lây nhiễm thấp lây truyền qua đường khí dung lại có thể tạo ra nguy cơ lớn hơn so với nuôi cấy một tác nhân sinh học
khác có liều lây nhiễm cao nhưng chỉ lây truyền qua đường miệng. Hoặc tiến hành nghiên cứu tác nhân sinh học không phổ biến trong cộng đồng địa phương sẽ gây ra nguy cơ lớn hơn so với thực hiện công việc ở chính khu vực mà tác nhân này lưu hành. Điều quan trọng cần nhớ là việc thu thập thông tin cũng phải bao gồm việc xác định các đặc điểm của môi trường phòng xét nghiệm, chẳng hạn như điều kiện của tòa nhà và các khu vực phòng xét nghiệm nơi công việc được tiến hành. Các cấu trúc được bảo trì không đúng cách có thể góp phần làm tăng nguy cơ bằng cách tăng xác suất bị vỡ hoặc hỏng hóc của các tính năng như hệ thống xử lý chất thải hoặc hệ thống thông gió. Các vết nứt trên sàn và mặt bàn làm cho việc khử trùng bề mặt phòng xét nghiệm khó khăn và có thể góp phần gây trơn, trượt, ngã và rơi các vật dụng có chứa tác nhân sinh học.
Cuối cùng, cũng cần xem xét thông tin về yếu tố con người vì năng lực của nhân viên phòng xét nghiệm và khả năng tuân thủ các quy trình và thực hành an toàn sinh học đã xây dựng (đặc biệt là GMPP) có khả năng ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng xảy ra
sự cố. Thậm chí cơ sở được thiết kế và xây dựng tốt nhất hay thiết bị tinh vi nhất chỉ có thể mang lại sự an toàn cho người sử dụng nếu người đó có thể vận hành nó một cách chính xác thông qua đào tạo phù hợp và thực hành thành thạo.