An ninh sinh học phòng xét nghiệm đề cập đến các biện pháp an ninh về nhân sự và thể chế đề ra để ngăn chặn việc thất thoát, lấy cắp, sử dụng sai, chuyển mục đích hoặc cố ý phát tán các tác nhân sinh học được xử lý trong phòng xét nghiệm. Giải quyết các nguy cơ an ninh sinh học phòng xét nghiệm theo nhiều cách song song và kết hợp với quản lý nguy cơ an toàn sinh học. Thực hành an toàn sinh học hiệu quả là nền tảng của an ninh sinh học và việc thực hiện các biện pháp kiểm soát nguy cơ an ninh sinh học là một phần không thể thiếu trong chương trình quản lý an toàn sinh học của cơ sở.
Có rất nhiều thách thức và cảnh báo liên quan đến việc thực thi các chính sách và quy trình an ninh sinh học. Ví dụ: có thể tìm thấy nhiều tác nhân sinh học kháng lại những thứ cần bảo vệ trong môi trường tự nhiên của chúng. Bên cạnh đó, các tác nhân sinh học quan tâm có thể chỉ được sử dụng với số lượng rất nhỏ hoặc có thể có khả năng tự nhân lên, khiến chúng khó phát hiện hoặc định lượng một cách đáng tin cậy. Trong một số trường hợp, bản thân quá trình định lượng có thể phát sinh các nguy cơ về an toàn sinh học và an ninh sinh học. Hơn nữa, trong khi có thể sử dụng các tác nhân sinh học này vào những mục đích xấu thì mặt khác chúng cũng có giá trị cho nhiều ứng dụng hợp pháp và vô hại trong xét nghiệm chẩn đoán, thương mại, y tế và nghiên cứu. Vì lý do này, chúng ta cần thiết phải đánh giá đúng các nguy cơ an ninh sinh học tiềm tàng và thiết lập các biện pháp kiểm soát nguy cơ thích hợp qua đó có thể làm giảm nguy cơ mà không cản trở các quá trình khoa học và tiến độ. Các biện pháp này cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và các quy định quản lý và phải tương xứng với những nguy cơ được đánh giá
Để đạt được điều này, cần tiếp cận tương tự với khung đánh giá nguy cơ an toàn sinh học, tập trung cụ thể vào an ninh sinh học, để xác định xem một cơ sở có sở hữu các tác nhân sinh học có thể thu hút những đối tượng muốn sử dụng chúng vào mục đích có hại hay không. Mức độ của việc đánh giá nguy cơ an ninh sinh học này phải tương xứng với các nguy cơ đã xác định. Đối với hầu hết các phòng xét nghiệm, đánh giá nguy cơ an ninh sinh học thường có thể được kết hợp với đánh giá nguy cơ an toàn sinh học thay vì tiến hành độc lập.
Tương tự an toàn sinh học, quá trình đánh giá nguy cơ an ninh sinh học cũng bao gồm việc xây dựng chiến lược quản lý nguy cơ an ninh sinh học bằng cách lựa chọn và thực hiện các biện pháp kiểm soát nguy cơ an ninh sinh học. Cần phải có một chương trình an ninh sinh học trong phòng xét nghiệm để chuẩn bị, thực hiện, giám sát và xem xét các quá trình này dựa theo yêu cầu của cơ sở. Trong nhiều trường hợp, chương trình này có thể kết hợp với chương trình quản lý an toàn sinh học, mặc dù có thể cần nó là một chương trình độc lập khi các nguy cơ an ninh sinh học được xác định là nghiêm trọng và/hoặc với số lượng lớn.
Phần dưới đây mô tả ngắn gọn một số yếu tố then chốt của chương trình an ninh sinh học phòng xét nghiệm, bao gồm cả khung đánh giá nguy cơ. Thông tin chi tiết về việc thực hiện đánh giá nguy cơ có trong Chuyên đề: đánh giá nguy cơ (18). Tham khảo thêm các thông tin chi tiết về an ninh sinh học phòng xét nghiệm trong ấn phẩm của WHO: Quản lý nguy cơ sinh học. Hướng dẫn an ninh sinh học phòng xét nghiệm (40).
8.1 Đánh giá nguy cơ an ninh sinh học
Đánh giá nguy cơ an ninh sinh học tuân theo cùng khung đánh giá đã đề cập trước đây về an toàn sinh học đã được trình bày ở phần trước.
8.1.1 Thu thập thông tin
Thu thập thông tin về: các loại tác nhân sinh học, vị trí của chúng, nhân sự cần phải tiếp cận cơ sở vật chất phòng xét nghiệm để thao tác với tác nhân hoặc vì các mục đích khác như bảo trì và bảo dưỡng và những người chịu trách nhiệm về các tác nhân
sinh học.
8.1.2 Lượng giá nguy cơ
Đánh giá mối liên hệ giữa thông tin đã thu thập với khả năng ai đó tiếp cận được với các tác nhân sinh học đã xác định và hậu quả của việc cố tình phát tán các tác nhân đó. So sánh hai yếu tố để xác định nguy cơ tổng thể/nguy cơ ban đầu.
8.1.3 Xây dựng chiến lược kiểm soát nguy cơ
Xác định các tiêu chuẩn an ninh tối thiểu cần thiết để cho phép thực hiện công việc với các tác nhân sinh học đã xác định (đó là nguy cơ có thể chấp nhận được).
8.1.4 Lựa chọn và thực hiện các biện pháp kiểm soát nguy cơ
Các biện pháp kiểm soát nguy cơ an ninh sinh học có thể bao gồm cả hệ thống quy trình và an ninh vật lý. Việc đánh giá nguy cơ cần bao gồm định nghĩa rõ ràng về các mối đe dọa mà các biện pháp kiểm soát nguy cơ được thiết lập để bảo vệ và làm rõ các yêu cầu về hoạt động của tất cả các hệ thống an ninh vật lý. Các biện pháp kiểm soát nguy cơ an ninh sinh học sẽ được trình bày chi tiết hơn ở đoạn sau của phần này. Đánh giá sự phù hợp của nhân sự, đào tạo chuyên về an ninh và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình bảo vệ tác nhân gây bệnh là các biện pháp để tăng cường an ninh sinh học phòng xét nghiệm.
8.1.5 Xem xét nguy cơ và các biện pháp kiểm soát nguy cơ
Triển khai thành công chương trình an ninh sinh học cần được xác nhận thông qua các bài tập và diễn tập định kỳ. Tương tự, cơ sở cần thiết lập một quy trình về an ninh sinh học phòng xét nghiệm phải để xác định, báo cáo, điều tra và khắc phục các vi phạm trong an ninh sinh học phòng xét nghiệm. Phải xác định rõ ràng sự tham gia cũng như vai trò và trách nhiệm của các cơ quan an ninh và y tế công cộng trong trường hợp xảy ra vi phạm an ninh.
Tất cả những nỗ lực như vậy phải được thiết lập và duy trì thông qua việc đánh giá mức độ dễ bị tổn thất, mối đe dọa và nguy cơ an ninh sinh học, thường xuyên xem xét và cập nhật các quy trình. Việc kiểm tra sự tuân thủ các quy trình này, với các hướng dẫn rõ ràng về vai trò, trách nhiệm và các hành động khắc phục, nên được tích hợp vào chương trình an ninh sinh học phòng xét nghiệm.
8.2 Kiểm soát danh mục kiểm kê tác nhân
Cần thiết phải có một chương trình toàn diện về phân công người chịu trách nhiệm để kiểm soát đầy đủ các tác nhân sinh học có nguy cơ và để ngăn chặn hành vi trộm cắp và/hoặc sử dụng sai mục đích. Nhằm đạt được mục tiêu đó, cần có các quy trình tổng hợp các danh mục kiểm kê chi tiết, bao gồm thông tin mô tả về (các) tác nhân sinh học, số lượng, vị trí lưu trữ và quá trình sử dụng, người chịu trách nhiệm, hồ sơ về những lần chuyển vật liệu nội bộ và ra bên ngoài, việc bất hoạt và/hoặc thải bỏ vật liệu. Cần định kỳ rà soát, điều tra và giải quyết mọi sai lệch phát hiện được.