YÊU CẦU CỐT LÕ
3.1.2 Quy trình kỹ thuật
Quy trình kỹ thuật là một phần đặc biệt thuộc GMPP liên quan trực tiếp đến việc kiểm soát nguy cơ thông qua việc tiến hành các kỹ thuật phòng xét nghiệm một cách an toàn. Khi thực hiện một cách chính xác các quy trình kỹ thuật này sẽ cho phép công việc được tiến hành theo cách giảm thiểu tối đa khả năng nhiễm chéo (tức là lây nhiễm từ các mẫu khác hoặc các chất đã vô trùng trước đó hoặc các vật dụng, bề mặt bị nhiễm) đồng thời giúp ngăn ngừa sự phơi nhiễm của nhân viên phòng xét nghiệm với các tác nhân sinh học. Các quy trình sau đây giúp tránh xảy ra một số sự cố an toàn sinh học.
Tránh hít phải các tác nhân sinh học
Sử dụng các kỹ thuật tốt để giảm thiểu tối đa việc tạo khí dung và giọt bắn khi thao tác với mẫu. Các kỹ thuật này bao gồm hạn chế đẩy mạnh các chất từ đầu côn pipet vào chất lỏng, khuấy trộn quá mạnh và bất cẩn khi mở tuýp. Khi dùng đầu côn pipet để trộn, phải làm từ từ và cẩn thận. Ly tâm nhanh các tuýp đã trộn trước khi mở để đẩy mọi chất lỏng trên nắp xuống ống.
Tránh đưa que cấy hoặc dụng cụ tương tự trực tiếp vào nguồn nhiệt hở (ngọn lửa) vì có thể làm văng bắn vật liệu lây nhiễm. Nếu có thể, hãy sử dụng que cấy chuyển dùng một lần, không cần phải tiệt trùng lại. Cách khác cũng hiệu quả là có thể sử dụng lò đốt que cấy điện cỡ nhỏ để tiệt trùng các que cấy chuyển bằng kim loại.
Tránh nuốt phải các tác nhân sinh học và tiếp xúc với da, mắt
Luôn đeo găng tay dùng một lần mỗi khi xử lý mẫu đã biết hoặc được cho là có chứa tác nhân sinh học. Không được tái sử dụng găng tay.
Tránh để tay đeo găng tiếp xúc với mặt.
Tháo găng tay tránh để bị nhiễm sau khi sử dụng và rửa tay như đã nêu trong
Chuyên đề: trang bị bảo hộ cá nhân (20).
Che hoặc bảo vệ miệng, mắt và mặt khi thực hiện các thao tác có thể xảy ra văng bắn như trong quá trình trộn các dung dịch khử trùng.
Bảo vệ tóc tránh lây nhiễm.
Che phủ mọi vùng da bị tổn thương bằng trang phục thích hợp.
Cấm hút pipet bằng miệng.
Tránh bị đâm chích có chứa tác nhân sinh học
Khi có thể, thay các vật dụng thủy tinh bằng đồ nhựa.
Nếu bắt buộc, sử dụng kéo có đầu tù hoặc đầu tròn thay vì đầu nhọn.
Nếu phải sử dụng đồ thủy tinh, cần thường xuyên kiểm tra xem còn nguyên vẹn không và loại bỏ nếu bị nứt, vỡ hoặc sứt mẻ.
Sử dụng dụng cụ chuyên dụng để mở các ống thủy tinh hàn kín (ampoule) cho an toàn.
Giảm thiểu nguy cơ khi sử dụng ống tiêm hoặc kim tiêm bằng cách dùng kim tiêm đầu tù, các thiết bị thay thế hoặc kim tiêm an toàn nếu có thể. Tuy nhiên, lưu ý rằng
kể cả kim tiêm an toàn vẫn tiềm ẩn nguy cơ nếu sử dụng sai cách.
Không được sử dụng bơm kim tiêm thay cho pipet.
Không được đậy nắp, gài hoặc rút kim tiêm ra khỏi ống tiêm dùng một lần.
Thải bỏ mọi vật liệu sắc nhọn (như kim tiêm, bơm kim tiêm, lưỡi dao, mảnh thủy tinh vỡ) vào hộp đựng vật sắc nhọn có nắp đậy. Các hộp đựng dùng một lần này phải chống thủng, không được để đầy hộp (tối đa là ba phần tư), không được sử dụng lại và không được vứt ở bãi rác thông thường.
Ngăn chặn phát tán các tác nhân sinh học
Cho mẫu và dịch nuôi cấy thải bỏ vào các hộp chứa dùng một lần không rò rỉ có nắp bảo vệ thích hợp trước khi chuyển đến thùng chứa chất thải chuyên dụng.
Đặt các thùng chứa chất thải, nên là loại khó vỡ (như nhựa, kim loại) tại mỗi khu vực làm việc.
Định kỳ đổ hộp chứa chất thải và thải bỏ chất thải an toàn.
Đảm bảo dán nhãn thích hợp cho tất cả các chất thải.
Cân nhắc sử dụng miếng gạc có tẩm chất khử trùng khi mở tuýp.
Khử trùng bề mặt làm việc bằng chất khử trùng thích hợp khi kết thúc quy trình làm việc và khi xảy ra tràn đổ vật liệu.
Khi sử dụng chất khử trùng, phải đảm bảo nó có hiệu quả với các tác nhân đang làm việc và để chất khử trùng tiếp xúc với chất thải trong khoảng thời gian phù hợp tùy vào chất khử trùng được sử dụng.