4.3.6.1. Thuận lợi
Trong những năm qua, Huyện ủy Hậu Lộc, UBND huyện đã quan tâm lãnh, chỉ đạo đối với công tác quản lý đất đai, xác định đúng các nhiệm vụ và vấn đề cần ưu tiên giải quyết. UBND huyện thường xuyên và trực tiếp bàn quyết định các vấn đề lớn trong quản lý đất đai như: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch SDĐ; giao đất, cho thuê đất, cấp GCN QSDĐ, thực hiện các quyền sử dụng đất; Hàng năm đều tổ chức Hội nghị kiểm điểm đánh giá kết quả công tác quản lý đất đai trong năm và đề ra nhiệm vụ, biên pháp cho năm tiếp theo. Công tác quản lý đất đai dần dần đi vào nề nếp. Trong số các quyền mà pháp luật đất đai cho phép các chủ sử dụng đất được thực hiện, ở huyện Hậu Lộc các chủ sử dụng là hộ gia đình, cá nhân chủ yếu thực hiện 4 quyền, bao gồm: quyền chuyển nhượng; quyền tặng cho; quyền thừa kế; quyền thế chấp bằng QSDĐ.
Nhìn chung, những tác dụng tích cực của việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối với sự tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội trên địa bàn huyện Hậu Lộc là rất lớn, thể hiện qua các mặt sau đây:
QSDĐ được coi là một hàng hoá đặc biệt, có giá trị và trở thành một nguồn lực tài chính quan trọng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Tình hình thực hiện các QSDĐ của người sử dụng đất diễn ra ở các xã, thị trấn của huyện Hậu Lộc có sự khác biệt. Có địa phương diễn ra sôi động nhưng cũng có địa phương diễn ra trầm lắng. Những địa phương diễn ra sôi động là những xã có tốc độ phát triển kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh sang công nghiệp, thương mại dịch vụ. Những xã mà nền kinh tế chủ yếu nhờ vào nông nghiệp (xã thuần nông) thì các giao dịch về đất đai ít xảy ra. Điều đó cũng phần nào phản ánh sự chênh lệch, không đồng đều trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sử dụng đất
và trong phát triển sản xuất, kinh doanh giữa các địa phương.
Thay đổi cơ cấu sử dụng đất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi cho những cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp có mặt bằng, nhà xưởng. Tỷ lệ thực hiện các quyền của người sử dụng đất ở mức cao, tỉ lệ ở giai đoạn sau cao hơn tỉ lệ ở giai đoạn trước. Đa số người dân đã thực hiện khai báo với cơ quan Nhà nước và hoàn tất các thủ tục. Điều này chứng tỏ nhận thức của người dân về pháp luật đất đai ngày càng tiến bộ hơn.
4.3.6.2. Khó khăn
Pháp luật đất đai còn chưa được phổ biến đến cơ sở thường xuyên, tài liệu cung cấp thông tin về đất đai còn thiếu, thất lạc và chưa kịp thời. Điển hình như thực hiện quyền tặng cho QSDĐ, trong quá trình làm thủ tục còn nhiều giấy tờ, người dân không hiểu hết.
Người dân chưa nắm được các quy trình thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất, các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Cơ sở vật chất, hệ thống bản đồ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính chưa đáp ứng phục vụ tốt nhất cho việc thực hiện công tác này.
Quá trình giải quyết hồ sơ còn chưa có sự phối hợp thống nhất giữa các phòng chuyên môn, Chi cục thuế và các phòng ban khác liên quan dẫn đến việc giải quyết hồ sơ còn chậm, yêu cầu thành phần hồ sơ nhiều hơn so với quy định.
Ngoại trừ việc thế chấp quyền sử dụng đất do yêu cầu bắt buộc người sử dụng đất phải hoàn tất thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện giao dịch, còn lại việc chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất khi giao dịch vẫn còn một số trường hợp không đến đăng ký với cơ quan nhà nước.
* Nguyên nhân của những tồn tại trên:
Quản lý đất đai là một công tác hết sức nhạy cảm, có tính phức tạp cao, mặt khác ý thức của nhân dân nói chung còn hạn chế, chưa gắn trách nhiệm cộng đồng và chưa huy động được sự vào cuộc của cả xã hội trong công tác này.
Sự phát triển kinh tế, trình độ dân trí không đồng đều giữa các xã, thị trấn trong huyện dẫn đến tình hình thực hiện QSD đất của người sử dụng đất diễn ra ở các xã, thị trấn của huyện Hậu Lộc có sự khác biệt.
Người dân chưa có hiểu biết về thủ tục cũng như các văn bản quy định thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Hệ thống cơ sơ dữ liệu đất đai chưa hoàn chỉnh, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với một số loại đất còn đạt thấp.
Công tác quản lý Nhà nước về đất đai của một số xã trong huyện còn lỏng lẻo, chưa thực sự sâu sát với nhân dân, việc phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai còn chậm, địa phương thiếu tài liệu hướng dẫn, cán bộ không thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật.
Sự không ổn định của đội ngũ công chức địa chính cấp xã (do luân chuyển) đã gây khó khăn cho việc quản lý, theo dõi một cách liên tục quá trình sử dụng, nguồn gốc sử dụng đất, thất lạc hồ sơ quản lý.
Quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục còn chưa có sự phối hợp thống nhất giữa các phòng chuyên môn, Chi cục thuế và các phòng ban khác liên quan.