Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam đến năm 2020

Một phần của tài liệu Đánh giá thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Trang 81 - 83)

5. Kết cấu của luận văn

4.1.1.Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam đến năm 2020

Sự phát triển kinh tế của mỗi nước có nhiều con đường và khả năng khác nhau, song ở mỗi nước, các Đảng cầm quyền phải có đường lối và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp với điều kiện của nước mình.

Đường lối chiến lược phát triển kinh tế của Đảng ta được hình thành trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam, tiếp thu tinh hoa trí tuệ và kinh nghiệm quý báu của nhiều nước phát triển đi trước.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đánh giá: “trong điều kiện nền kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn bởi những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế, do thiên tai, địch họa, song: nhiều mục tiêu chủ yếu của chiến lược 2001 - 2010 đã được thực hiện, đạt bước phát triển mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm. Năm 2010, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người đạt 1.168 USD” đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, công tác xoá đói giảm nghèo đạt được những thành tựu quan trọng.

Đại hội cũng nghiêm túc đáng giá những mặt hạn chế, yếu kém trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 đó là: những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế phát triển chưa bền vững. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Tăng trưởng kinh tế vẫn dưa nhiều vào yếu tố phát triển theo chiều rộng,… Đồng thời chỉ rõ những nguyên nhân của thực trạng và rút ra những bài học quý báu trong thực hiện Chiến lược thời kỳ 2001 - 2010.

Xác định bối cảnh tình hình quốc tế để đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, Đảng ta chỉ rõ: trong những thập niên cuối của thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, bối cảnh thế giới đã có những biến đổi to lớn và sâu sắc, ảnh hưởng toàn diện và mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Về tình hình quốc tế hiện nay cần lưu ý một số điểm: tình hình thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường; Quá trình tái cấu trúc các nền kinh tế và điều chỉnh các thể chế tài chính toàn cầu sẽ diễn ra mạnh mẽ; Khủng hoảng còn để lại hậu quả nặng nề, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy trở thành rào cản lớn cho thương mại quốc tế; Kinh tế thế giới tuy đã bắt đầu hồi phục nhưng đà tăng trưởng còn yếu, sự điều chỉnh chính sách của các nước, nhất là những nước lớn, làm nảy sinh mâu thuẫn mới, độ rủi ro và tính bất định tăng lên; Sau khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, thế giới sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới. Tương quan sức mạnh của các nền kinh tế và cục diện phát triển toàn cầu thay đổi với sự xuất hiện những liên kết mới; Khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, ASEAN và châu Á nói riêng phát triển hết sức năng động, đang hình thành nhiều hình thứ liên kết, hợp tác đa dạng hơn nhưng còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, nhất là tranh giành ảnh hưởng, tranh chấp chủ quyền biển đảo, tài nguyên.

Xuất phát từ các bài học, trên cơ sở thực tế tình hình của đất nước, bối cảnh thế giới và yêu cầu phát triển, kế thừa những quan điểm của chiến lược 2001 - 2010, Chiến lược 2011 - 2020 nêu năm quan điểm phát triển có ý nghĩa chỉ đạo xuyên suốt trong chiến lược và thực hiện chiến lược như sau:

Thứ nhất, phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược.

Thứ hai, đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ ba, mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Thứ tư, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ năm, phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập qốc tế ngày càng sâu rộng.

Đại hội XI của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, chủ yếu đến năm 2020, theo đó mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”. (Đảng cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, tr.103)

Về mục tiêu cụ thể, chủ yếu, Chiến lược đã xác định những mục tiêu này trên các mặt: kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường.

Trên lĩnh vực kinh tế, trong hai mươi năm tới phải tạo nền kinh tế có lực lượng sản xuất tiên tiến và quan hệ sản xuất phù hợp; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tái cấu trúc nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành kinh tế để đảm bảo chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ tăng trưởng theo bề rộng sang tăng trưởng hợp lý giữa tăng trưởng theo bề rộng với tăng trưởng theo chiều sâu; giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đại hội xác định: “Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7-8%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000USD”. (Đảng cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, tr.103)

Một phần của tài liệu Đánh giá thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Trang 81 - 83)