5. Kết cấu của luận văn
1.3.3. Những nhân tố ảnh hưởng đến hoàn thiện chính sách thuế thu nhập doanh
doanh nghiệp ở Việt Nam
Quá trình hoàn thiện chính sách thuế TNDN chịu sự tác động của các nhân tố nhất định thuộc về các điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước. Do vậy, khi nghiên cứu hoàn thiện chính sách cần tính đến các nhân tố ảnh hưởng này để đảm bảo chính sách thuế TNDN phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước. Cụ thể như sau:
- Trình độ phát triển của nền kinh tế. Thuế TNDN điều thiết một phần thu nhập từ hoạt động SXKD của các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong xã hội. Do vậy, quy mô của các hoạt động kinh doanh sẽ tác động đến quy mô có thể điều tiết của thuế TNDN. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng đến mức độ tăng thu từ thuế TNDN. Sự phức tạp và tần số các hoạt động và giao dịch kinh doanh của các doanh nghiệp có tác động đến các quy định cụ thể về người nộp thuế, về cơ sở tính thuế, về ưu đãi thuế, về các chính sách quản lý thuế TNDN… Xét một góc độ khác, trình độ phát triển kinh tế còn tác động đến động cơ thực hiện nộp thuế của các doanh nghiệp. Chẳng hạn như, ở một trình độ phát triển cao, thu nhập tạo ra từ hoạt động kinh doanh lớn thì việc điều tiết của thuế TNDN với một tỷ lệ không lớn vẫn có thể đem về số thu lớn. Mặt khác, ở trình độ phát triển cao, với thu nhập tạo ra từ
hoạt động kinh doanh lớn thì động cơ trốn tránh thuế không cao bằng mức độ phát triển kinh tế thấp. Như vậy, trình độ phát triển kinh tế có tác động đến việc hoàn thiện chính sách thuế TNDN trên nhiều phương diện, bao gồm: lựa chọn thuế suất, lựa chọn các hình thức và mức độ ưu đãi thuế, lựa chọn các phương pháp quản lý…
- Thể chế chính trị của đất nước. Thể chế chính trị của đất nước thể hiện sự lựa chọn chính thống trong đời sống kinh tế - xã hội hiện tại và sự lựa chọn định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai của dân tộc. Thể chế chính trị thể hiện mối quan hệ giữa các giai cấp, giai tầng trong xã hội, thể hiện mối quan hệ của các đảng phái, việc tổ chức nhà nước và tổ chức đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, Nhà nước là biểu hiện tập trung nhất của quyền lực chính trị. Bởi vậy, Nhà nước phải có sứ mệnh thực hiện các đường lối chính trị của đảng cầm quyền. Các chính sách của Nhà nước, trong đó có chính sách thuế TNDN phải góp phần thực hiện các đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của đảng cầm quyền. Chính vì vậy, khi nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế TNDN của Việt Nam phải xuất phát từ đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam phải được tính đến khi hoàn thiện mọi nội dung của chính sách thuế TNDN, bao gồm cả chính sách về ĐTNT, chính sách về thuế suất, về ưu đãi thuế…
- Mức độ hoàn thiện của hệ thống luật pháp và các chính sách có liên quan. Chính sách kinh tế - xã hội của một Nhà nước hay của một đảng cầm quyền, muốn phát huy đầy đủ tác dụng của nó thì phải tạo thành một chỉnh thể thống nhất, vì chỉ khi đó nó mới tạo được sức mạnh tổng hợp, tạo nên những véc - tơ cùng chiều để phát huy thế mạnh, tác dụng của mỗi chính sách; hạn chế và ngăn ngừa được sự triệt tiêu nhau của các chính sách, ngăn ngừa khả năng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Đây chính là cơ sở để khẳng định, mức độ hoàn thiện của hệ thống luật pháp và các chính sách có liên quan là một nhân tố ảnh hưởng đáng kể đến quá trình nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế TNDN. Chẳng hạn như, trong khi Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu công, giảm thu từ nền kinh tế để mở rộng tích lũy cho các doanh nghiệp nên thực hiện chính sách giảm thuế TNDN thì Nhà nước lại thực hiện tăng thuế GTGT thì không hợp lý, vì thuế GTGT tuy là thuế gián thu nên về pháp luật thì do người tiêu dùng chịu, song trong một số trường hợp nhất định, đối với các hàng hóa, dịch vụ mà cầu rất co giãn thì gánh nặng thuế có thể
chuyển phần lớn từ người tiêu dùng sang cho nhà SXKD. Hoặc chẳng hạn như Nhà nước muốn điều tiết cao vào các doanh nghiệp có lợi thế trong sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu khí nên đánh thuế TNDN cao vào các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí. Mặt khác, Nhà nước lại thực hiện miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu cho các máy móc thiết bị nhập khẩu để thăm dò, khai thác dầu khí thì đây chính là sự trái chiều của chính sách.
- Trình độ và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức ngành thuế. Đội ngũ cán bộ, công chức ngành thuế chính là những người trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật thuế TNDN. Bởi vậy, chính sách thuế TNDN phải phù hợp với đội ngũ này. Nếu chính sách thuế TNDN hiện đại mà đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn thấp thì sự hiện đại của chính sách không thể đi vào cuộc sống. Điều đó có nghĩa là việc hoàn thiện chính sách thuế TNDN phải làm từng bước phù hợp với trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức ngành thuế.
- Mức độ hội nhập của nền kinh tế quốc gia vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Mức độ hội nhập của nền kinh tế quốc gia vào nền kinh tế khu vực và thế giới càng sâu thì những ảnh hưởng của các tổ chức khu vực và quốc tế vào nền kinh tế càng lớn, những đòi hỏi về điều chỉnh các chính sách kinh tế và pháp luật với mỗi quốc gia càng lớn. Đây hiển nhiên là một đòi hỏi khách quan và cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện chính sách thuế TNDN. Điều này có nghĩa là quá trình hoàn thiện chính sách thuế TNDN phải đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập của nền kinh tế. Đồng thời, việc hoàn thiện chính sách thuế TNDN cũng phải tính đến những yêu cầu của hội nhập trong thời gian sắp đến của nền kinh tế để đảm bảo sự ổn định trong chính sách thuế TNDN, tránh việc thay đổi, chỉnh sửa vụn vặt, gây khó khăn trong hoạt động SXKD của các doanh nghiệp.
- Ý thức công dân và trách nhiệm cộng đồng của các ĐTNT. Người thực hiện chính sách thuế TNDN chính là đông đảo công dân - những người tham gia vào quá trình tổ chức quản lý SXKD của các doanh nghiệp và cụ thể là những người nộp thuế TNDN. Bởi vậy, chính sách thuế TNDN cũng như những quy định về thuế TNDN phải dựa trên nền tảng ý thức công dân và trách nhiệm cộng đồng của ĐTNT. Trong bối cảnh ý thức công dân chưa cao, trách nhiệm cộng đồng chưa lớn thì bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và giáo dục, việc hoàn thiện chính sách thuế TNDN phải theo hướng nhấn mạnh sự chặt chẽ và các chế tài nghiêm minh.