5. Kết cấu của luận văn
1.4.3. Kinh nghiệm về chế độ miễn giảm
Thứ nhất, việc lựa chọn đối tượng được hưởng chế độ miễn, giảm thuế không phân biệt theo thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp mà theo lĩnh vực, ngành nghề có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế và phát huy được các lợi thế so sánh của nền kinh tế. Việc quy định đối tượng được hưởng chế độ miễn, giảm như các nước được nghiên cứu đã thực hiện góp phần định hướng sự đầu tư đúng đắn cho các doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở bền vững để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Thứ hai, chế độ miễn, giảm thuế cần quan tâm đặc biệt đến việc thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu triển khai, vì đây là yếu tố then chốt nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm - những nhân tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Điển hình cho sự thành công khi áp dụng miễn, giảm thuế là trường hợp của Nhật Bản và Singapore.
Nhật Bản quy định miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với TSCĐ: hình thức miễn thuế này được áp dụng đối với các loại máy móc thiết bị quan trọng mà Nhật Bản chưa tự sản xuất được. (Đỗ Tiến Sâm - Lê Văn Sang, 2002) Các tài sản cố định dùng cho công tác nghiên cứu triển khai cũng được giảm thuế. Ngoài ra, Nhật Bản còn quy định miễn thuế đối với một số loại hàng hóa quan trọng: một số công ty sản xuất những mặt hàng công nghiệp quan trọng được hưởng chế độ miễn thuế thu nhập công ty. (Đỗ Tiến Sâm - Lê Văn Sang, 2002)
Singapore cũng là một trường hợp điển hình về thành công trong áp dụng chế độ miễn, giảm thuế để khuyến khích phát triển SXKD và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Cụ thể là: một, các nhà đầu tư được miễn thuế thu nhập khi đầu tư vào nghiên cứu khoa học, đào tạo tay nghề và nâng cấp công nghệ;
hai, các nhà đầu tư được miễn, giảm thuế thu nhập khi vay vốn nước ngoài, khi đưa bản quyền và bằng phát minh sáng chế từ bên ngoài vào.
Ngoài các khoản ưu đãi chung nói trên, Chính phủ Singapore còn quy định những ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp mũi nhọn. Chủ đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp này được hưởng quy chế ưu đãi đặc biệt như sau: một, đối với những dự án có vốn đầu tư từ 1 triệu USD trở lên được miễn thuế từ 5 đến 10 năm; hai, đối với những dự án dưới 1 triệu USD, nhưng sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao cũng được miễn thuế trong những thời hạn nhất định. (Phạm Đức Thành, 2001)
Thứ ba, chế độ miễn, giảm thuế cần chú trọng nâng đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điển hình cho loại quy định này là Nhật Bản. Đối với một nền kinh tế mà có tới khoảng trên 90% các doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đây là một kinh nghiệm quý. Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như đồng nghĩa với việc phát triển cả hệ thống kinh tế.