Nội dung hoàn thiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Đánh giá thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Trang 27 - 31)

5. Kết cấu của luận văn

1.3.2.Nội dung hoàn thiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam

1.3.2.1. Hoàn thiện những quy định về đối tượng nộp thuế

Một chủ thể tham gia vào quan hệ thuế TNDN với tư cách là ĐTNT khi họ tiến hành một hoặc nhiều hoạt động kinh doanh, vì thế việc quy định ĐTNT theo cách liệt kê như hiện nay là không cần thiết vì làm mất đi tính linh hoạt của một chính sách thuế, đặc biệt là trong trường hợp xuất hiện nhiều những loại hình kinh doanh mới. Khi có một loại hình kinh doanh mới xuất hiện có thể dẫn đến bất cập trong quy định của chính sách thuế TNDN, do vậy điều quan trọng nhất của chính sách thuế TNDN phải ghi nhận và chỉ rõ thế nào là hoạt động SXKD để làm tiêu chí xác định ĐTNT.

Các quy định về quyền đánh thuế của nước ta đối với các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam hiện hành đang được quy định tại các văn bản dưới luật nay cũng cần có những điều chỉnh để nâng cao cơ sở pháp lý trong thực hiện.

1.3.2.2. Hoàn thiện những quy định về thu nhập chịu thuế

Luật thuế TNDN hiện hành quy định TNCT là phù hợp với thực tiễn tại thời điểm ban hành nhưng trước diễn biến thực tế của đời sống xã hội thì một số quy định không còn phù hợp, cần phải sửa đổi như sau:

+ Về thu nhập chịu thuế: trước đây, các doanh nghiệp được giao đất để kinh doanh nhà, cơ sở hạ tầng theo giá thấp nhưng giá bán nhà, cơ sở hạ tầng cùng với việc chuyển quyền sử dụng đất theo giá thị trường nên có thu nhập siêu ngạch. Vì vậy Luật có quy định thu thuế TNDN bổ sung. Tuy nhiên, theo quy định của Luật đất đai, các trường hợp được giao đất để kinh doanh bất động sản phải thực hiện đấu giá đất, nộp theo giá đất sát giá thị trường nên không còn lợi nhuận siêu ngạch để thu bổ sung. Mặt khác, hoạt động kinh doanh bất động sản bao gồm cả việc bán nhà, tài sản gắn với việc chuyển quyền sử dụng đất nên khó có thể xác định riêng thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất với thu nhập từ bán tài sản trên đất. Vì vậy, để phù hợp với thực tế, nay đề nghị bỏ quy định thu bổ sung đối với chuyển quyền sử dụng đất mà áp dụng chính sách riêng đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm cả chuyển nhượng đất và tài sản trên đất. Thu nhập này không được áp dụng ưu đãi thuế.

+ Luật thuế TNDN quy định cả chi phí được trừ và chi phí không được trừ khi xác định TNCT. Cách quy định này là phù hợp với thực tiễn khi ban hành vì có thể giúp cho doanh nghiệp đối chiếu để tự kê khai.

Tuy nhiên, do thực tế nền kinh tế luôn vận động và phát triển theo cơ chế thị trường, hoạt động của doanh nghiệp theo xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, … nên đã phát sinh nhiều khoản chi mới mà quy định hiện hành chưa bao quát được hết dẫn đến việc hiểu và vận dụng khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước (kiểm toán, thanh tra, thuế), tạo cơ hội để sinh ra cơ chế “xin - cho”.

Để khắc phục hạn chế này, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho cho doanh nghiệp chủ động trong hạch toán kinh doanh, thực hiện tốt cơ chế tự khai, tự nộp, tự xác định nghĩa vụ thuế theo quy định của Luật quản lý thuế một cách có hiệu quả, luật cũng cần sửa đổi theo hướng: quy định điều kiện để xác định khoản chi được trừ, liệt kê cụ thể các khoản không được trừ; những khoản không được liệt kê thì đương nhiên doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập.

1.3.2.3. Hoàn thiện những quy định về thuế suất

Nhìn chung mức thuế suất thông thường hiện đang áp dụng là khá cao, làm giảm khả năng tích lũy để đầu tư đổi mới công nghệ, bắt kịp trình độ sản xuất của các nước trong khu vực, đặc biệt là đối với doanh nghiệp trước đây áp dụng thuế suất thuế lợi tức thấp hơn. Ngoài ra, thuế suất cao còn làm giảm lợi thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Mặt khác so với các nước trong khu vực thuế suất thuế TNDN của họ thấp hơn so với Việt Nam, một số còn bãi bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước lại phải đối diện với cuộc cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó không ít các chi phí đầu vào hiện nay tăng giá. Theo thống kê chi phí đầu vào bình quân tăng 32,43% từ năm 1996 đến nay trong khi giá đầu ra chỉ tăng 22% làm cho tỉ suất lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp giảm từ 16,8% năm 1996 xuống còn 6,2% năm 2000 thấp hơn 2 lần so với các nước trong khu vực. Với thực tế đó thì thuế suất thuế TNDN hiện nay sẽ trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp, làm cho họ không có khả năng nộp thuế, xu hướng nợ thuế và chậm nộp thuế tăng cao, nghiêm trọng hơn là tìm cách trốn thuế, tránh thuế.

Việc quy định khác nhau về thuế suất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài là sự bất bình đẳng. Thực tế cho thấy số thu thuế TNDN từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là rất thấp, trong khi đó các thành phần kinh tế khác giữ vai trò chủ yếu trong đóng góp ngân sách nhà nước lại không được quan tâm. Vậy việc thuế TNDN khuyến khích đầu tư nước ngoài cũng cần phải xem xét lại và không nhất thiết phải quy định quá thoáng như hiện nay. Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, điều họ quan tâm hơn mức thuế suất thuế TNDN là môi trường đầu tư thuận lợi (cơ sở hạ tầng, điều kiện làm việc, cơ chế pháp lý, bộ máy chính quyền…). Có cạnh tranh bình đẳng thì môi trường đầu tư mới thông thoáng và không có tình trạng sách nhiễu, lợi dụng để gây khó dễ cho nhà đầu tư.

1.3.2.4. Hoàn thiện những quy định về ưu đãi và miễn giảm thuế

Để thống nhất không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, giữa đầu tư trong nước với ĐTNN, các quy định về ưu đãi thuế được tổng hợp từ tất cả các văn bản pháp luật ban hành từ lúc nền kinh tế nước ta mới mở cửa, môi trường đầu tư kém hấp hẫn, cơ sở hạ tầng còn khó khăn,... trên nguyên tắc chọn mức ưu đãi cao nhất, thuận lợi nhất.

Các chính sách ưu đãi thuế TNDN nêu trên đã phát huy tác dụng tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư trong những năm đầu mới ban hành. Tuy nhiên, trước thực tế phát triển kinh tế, xã hội thì chính sách ưu đãi ngày càng bộc lộ nhược điểm dàn trải, phức tạp; chưa đáp ứng được yêu cầu là công cụ phân bổ nguồn lực để phát triển kinh tế theo vùng và lãnh thổ, nhất là các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Do ưu đãi dàn trải vừa theo ngành nghề, lĩnh vực, vừa theo địa bàn nên các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà ĐTNN, đều tập trung chủ yếu vào các Khu công nghiệp, Khu chế xuất hoặc những địa bàn thuận lợi tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Vì vậy, để chính sách ưu đãi thuế phát huy tác dụng là công cụ tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, có hiệu quả, nâng cao chất lượng nhà đầu tư,… thời gian tới Luật thuế TNDN cần điều chỉnh theo hướng: vừa đơn giản, vừa tạo khoảng cách đủ lớn giữa các mức ưu đãi, tăng sức hấp dẫn để thu hút đầu tư vào các địa bàn khó khăn, kém phát triển và một số ngành nghề mũi nhọn.

Xét về mặt tổng thể, việc thiết kế thuế suất và các ưu đãi thuế nêu trên đảm bảo duy trì được chính sách ưu đãi hiện hành (thậm chí còn ưu đãi cao hơn), tạo được động lực khuyến khích mới cho toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách ưu đãi này khắc phục được các hạn chế, tồn tại của chính sách hiện hành về tính phức tạp, dàn trải và hạn chế trong việc ưu tiên phân bổ nguồn lực cho vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, hệ thống ưu đãi này bảo đảm cải thiện được môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới và trong khu vực, nâng cao tính cạnh tranh cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc điều chỉnh giảm thuế suất và sắp xếp lại ưu đãi thuế như đề xuất ở trên về cơ bản bảo đảm sẽ không ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Tuy có giảm thuế do hạ thuế suất phổ thông nhưng bù lại, với chính sách ưu đãi đồng bộ và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn, cùng với việc tăng trưởng kinh tế sẽ tạo nên sự tăng trưởng nguồn thu một cách bền vững, ổn định trong tương lai. Ngoài ra, việc điều chỉnh nếu bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch trong xác định chi phí được trừ, thu nhập chịu thuế, ưu đãi thuế sẽ khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tính tự giác trong kê khai nộp thuế, trên cơ sở đó bảo đảm tăng thu trong dài hạn.

1.3.2.5. Hoàn thiện những quy định về quản lý thu thuế

Luật quản lý thuế hiện hành quy định thời hạn quyết toán thuế TNDN chậm nhất là ngày 31/3 của năm tiếp theo (90 ngày). Thời hạn 90 ngày là quy định chung cho tất cả các doanh nghiệp bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp lớn như các tập đoàn, tổng công ty. Trên thực tế các doanh nghiệp này phải tổng hợp dữ liệu từ các công ty con vào báo cáo tài chính hợp nhất. Đối với các doanh nghiệp có vốn ĐTNN, báo cáo tài chính nộp kèm theo báo cáo quyết toán thuế còn phải được kiểm toán bởi doanh nghiệp kiểm toán độc lập (theo quy định của pháp luật về kế toán). Do đó, các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp có vốn ĐTNN thường phát sinh việc chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế năm, dẫn đến phải nộp phạt chậm nộp hồ sơ khai quyết toán thuế.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay một bộ phận doanh nghiệp nộp thuế không tương xứng với thực tế SXKD, thậm chí có tình trạng khai lỗ nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng SXKD. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp thực hiện chuyển giá giữa công ty ở nước ngoài và công ty tại Việt Nam hoặc giữa các doanh nghiệp với nhau.

Để kiểm soát vấn đề này theo nguyên tắc giá thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa tuân thủ pháp luật tại nước nhận đầu tư và nước xuất khẩu vốn, nhiều nước đã ban hành cơ chế cho phép cơ quan thuế và các công ty đa quốc gia, các tập đoàn lớn áp dụng cơ chế quyết định trước về phương pháp xác định giá tính thuế (được gọi là “Advance Pricing Arrangement” - APA). APA là một dạng văn bản ràng buộc về nghĩa vụ thuế giữa cơ quan thuế (của một hoặc nhiều nước) và người nộp thuế về phương pháp xác định giá tính thuế được thiết lập trước khi diễn ra giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết (thường là giữa công ty con ở Việt Nam và công ty mẹ ở nước ngoài) và thoả thuận này sẽ được áp dụng cho một khoảng thời gian nhất định (3-5 năm).

Tại Việt Nam, hiện nay nhiều nhà ĐTNN trong quá trình thoả thuận đầu tư vào Việt Nam (như tập đoàn Intel, Samsung, Nokia…) đều có kiến nghị Chính phủ hoặc chính quyền địa phương cam kết về việc áp dụng cơ chế APA đối với các giao dịch trong tập đoàn để xác định việc phân bổ thu nhập chịu thuế tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu Đánh giá thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Trang 27 - 31)