Thực trạng áp dụng những quy định về đối tượng nộp thuế

Một phần của tài liệu Đánh giá thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Trang 52 - 55)

5. Kết cấu của luận văn

3.2.1.Thực trạng áp dụng những quy định về đối tượng nộp thuế

Áp dụng tốt chính sách về đối tượng nộp thuế là nội dung cơ bản đầu tiên cần thực hiện trong chính sách thuế TNDN. Có áp dụng tốt chính sách về ĐTNT thì mới có thể đảm bảo số thuế TNDN được nộp đầy đủ vào NSNN. Theo luật định, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh, ĐTNT phải chủ động đến cơ quan thuế để đăng ký thuế và sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế. Đồng thời, trong quá trình kinh doanh nếu có sự thay đổi so với nội dung đăng ký thuế, ĐTNT phải chủ động khai báo với cơ quan thuế. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp, hộ kinh doanh nào cũng tự giác thực hiện nghĩa vụ đăng ký thuế đúng thời hạn quy định, cũng như khai báo những biến động trong kinh doanh. Vì vậy, trách nhiệm của cơ quan thuế là phải tuyên truyền, vận động và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để buộc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ đăng ký thuế.

Trong những năm vừa qua, ngành thuế tỉnh Phú Thọ đã làm khá tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giải đáp nội dung pháp luật thuế để các doanh nghiệp và hộ kinh doanh hiểu và thực hiện nghĩa vụ đăng ký thuế. Đặc biệt, trong năm 2003 ngành thuế đã thành lập bộ phận tuyên truyền, hỗ trợ ĐTNT ở Cục Thuế và các Chi cục Thuế. Những thay đổi này đã có tác động nhất định nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý ĐTNT. Thông qua hoạt động hỗ trợ đã góp phần quan trọng, giúp ĐTNT hiểu đầy đủ hơn về nội dung chính sách thuế, nghĩa vụ thuế nói chung và các thủ tục đăng ký, kê khai thuế nói riêng.

Ngành thuế Phú Thọ đã phối hợp cùng Sở kế hoạch & đầu tư tỉnh, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện và thành phố Việt Trì trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh để nắm bắt kịp thời số lượng các doanh nghiệp thành lập, các hộ cá thể và nhóm cá nhân đăng ký kinh doanh và đôn đốc các đối tượng này thực hiện đăng ký nộp thuế theo quy định. Đồng thời, cơ quan thuế các cấp cũng thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình biến động của ĐTNT để có biện pháp quản lý phù hợp.

Bảng 3.1: Tổng hợp ĐTNT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thời điểm 31/12/2011

STT Loại hình Tổng số (DN) Trong đó Đang hoạt động (DN) Đóng MST (DN) năm 2011 Tạm đóng MST (DN) năm 2011 1 DN Nhà nước 172 160 12 2 DN dân doanh 3.484 3.340 142 32 3 DN ĐTNN 86 86 4 HTX 380 366 8 6 5 Hộ cá thể 26.632 25.618 927 87 Tổng cộng 30.754 29.570 1.089 125 (Nguồn: Cục Thuế tỉnh Phú Thọ)

Qua số liệu đăng ký thuế cho thấy, số lượng ĐTNT được ngành thuế tỉnh Phú Thọ cấp mã số thuế do thành lập mới, đóng cửa mã số thuế do giải thể, phá sản, ngừng hoạt động được thực hiện ngày một kịp thời hơn. Hầu hết các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh đều được cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế và cấp mã số thuế kịp thời, nhất là sau khi thực hiện quy định một cửa liên thông trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, do vậy hiện tượng thất thu về ĐTNT do cơ quan thuế không cấp mã số thuế ở khu vực doanh nghiệp không nhiều. Đây có thể coi là một thành công quan trọng của ngành thuế tỉnh Phú Thọ trong công tác áp dụng chính sách về ĐTNT.

Sau nhiều năm tồn tại về đối tượng áp dụng của thuế TNDN bao gồm cả “tổ chức và cá nhân” cho đến khi Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009, theo đó đối tượng là hộ gia đình và cá nhân kinh doanh chuyển sang nộp thuế TNCN, do vậy số lượng đối tượng nộp thuế TNDN trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giảm đi đáng kể (Số liệu đối tượng nộp thuế thời điểm 31/12/2008 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là 26.386 đối tượng, trong đó hộ gia đình và cá nhân kinh doanh là 23.066 đối tượng chiếm 87,4%).

Tuy nhiên, đánh giá một cách nghiêm túc, mặc dù ngành thuế Phú Thọ đã có nhiều biện pháp để nắm bắt kịp thời tình hình biến động của các doanh nghiệp, nhưng vẫn còn hiện tượng có doanh nghiệp đăng ký kinh doanh song không tiến hành đăng ký thuế hoặc đăng ký thuế chậm. Việc không tiến hành đăng ký thuế diễn ra chủ yếu ở khu vực kinh tế tư nhân. Hiện tượng doanh nghiệp tự ý thay đổi địa điểm, thay đổi ngành nghề kinh doanh, song không báo cáo cơ quan thuế diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Thậm chí có trường hợp doanh nghiệp tiến hành đăng ký thuế và được mua hóa đơn, nhiều tháng không kê khai thuế, nhưng cán bộ quản lý vẫn không nắm được. Sau một thời gian dài không nhận được tín hiệu từ doanh nghiệp, cán bộ thuế hoặc các cơ quan hữu quan tiến hành kiểm tra thì doanh nghiệp đã không còn tồn tại ở địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký thuế. Hiện tượng này thời gian qua diễn ra khá phổ biến và được gọi là doanh nghiệp bỏ trốn hoặc ít nhiều có liên quan đến hiện tượng doanh nghiệp “ma” - tức là doanh nghiệp được thành lập nhằm mục đích mua bán hóa đơn hoặc hợp pháp hóa các hóa đơn, chứng từ cho doanh nghiệp khác, sau khi hoàn thành mục tiêu đó thì bỏ trốn khỏi địa điểm đăng ký kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động nhưng không khai báo với cơ quan cấp đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, tình trạng này chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Trước tình hình trên, Cục Thuế đã chỉ đạo các Chi cục Thuế tăng cường kiểm tra, nắm bắt thông tin về doanh nghiệp; trực tiếp tiến hành kiểm tra và phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành kiểm tra ngay sau khi doanh nghiệp có

dấu hiệu không tồn tại ở địa điểm kinh doanh, hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp không kê khai thuế mà không có sự kiểm tra, nắm bắt tình hình, đôn đốc của ngành thuế, do vậy trong thời gian gần đây tình trạng doanh nghiệp không còn tồn tại ở địa điểm kinh doanh đã giảm bớt khá nhiều.

Một phần của tài liệu Đánh giá thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Trang 52 - 55)