0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (126 trang)

Văn hóa ứng xử trong một số mối quan hệ xã hội tiêu biểu 1 Văn hóa ứng xử trong mối quan hệ bạn bè

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) TRUYỆN CỔ TÍCH SINH HOẠT NGƯỜI VIỆT DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA (Trang 87 -91 )

3.2.2.1. Văn hóa ứng xử trong mối quan hệ bạn bè

Bên cạnh những mối quan hệ phổ biến trong gia đình người Việt, truyện cổ tích sinh hoạt còn phản ánh những mối quan hệ xã hội khá đa dạng. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy chủ đề văn hóa ứng xử trong các mối quan hệ bạn bè xuất hiện trong 9 truyện [Bảng phụ lục 3.2.2.1 – trang 118].

Trong mối quan hệ này, truyện cổ tích sinh hoạt người Việt chủ yếu xây dựng những câu chuyện về người bạn trọng tình, trọng nghĩa. Nhưng bên cạnh đó cũng thấp thoáng bóng dáng của những người bạn bất lương, bất nghĩa. Sự đa dạng trong mối quan hệ này cho thấy muôn mặt của đời sống sinh hoạt trong xã hội xưa.

Các truyện Sự tích chim quốc, Bán tóc đãi bạn, Trọng nghĩa khinh tài, Lưu Bình – Dương Lễ, Bốn người bạn đều ca ngợi những tình bạn đáng quý trọng bởi những người dám sống hết mình vì bạn.

Truyện Sự tích chim quốc ca ngợi tình bạn đẹp của hai anh học trò nghèo, mồ côi cha mẹ: Quắc và Nhân. Quắc làm thầy đồ dạy trẻ, tuy bổng lộc chẳng có là bao nhưng vẫn thường giúp đỡ Nhân. Đối lại, Nhân cũng luôn hết lòng hết dạ với bạn. Sau này, vì kế mưu sinh hai người mỗi ngả, Nhân đi làm thuê làm mướn và may mắn được một người phú thương gả con gái cho. Trở nên giàu có, Nhân không quên tình bầu bạn mà vẫn nhớ tới lời thề "sống chết sướng khổ có nhau" với Quắc. Anh đi tìm bạn về nhà mình sống và tiếp đãi bạn rất tử tế. Mỗi lần thấy vợ có ý xúc phạm bạn thì Nhân lại càng chu đáo với bạn hơn. Về phần Quắc, mặc dù rất coi trọng bạn nhưng anh không thể chịu được cảnh bị vợ Nhân khinh rẻ, coi thường nên anh đã bỏ đi. Thấy bạn đi mất, Nhân đau đớn, hối hận tự nhủ “Ta nuôi bạn thành hại bạn” và bổ đi tìm. Nhân đã băng qua chông gai bụi rậm để tìm bạn. Nhân cứ đi mãi, gọi mãi cho đến hơi thở cuối cùng con người chí tình ấy vẫn không quên gọi: - "Quắc!Quắc!".

Truyện Bán tóc đãi bạn lại khiến ta vô cùng cảm động về một đôi vợ chồng nghèo, mà để đãi bạn chồng một bữa cơm người vợ đã phải bán đi mái tóc dài của mình. Truyện ca ngợi những con người trọng tình, trọng nghĩa như Tùng và Mai. Vợ Mai để tiếp bạn chồng đã không ngần ngại bán tóc lấy tiền làm cơm đãi khách.Việc làm ấy của vợ bạn đã khiến Tùng hết sức xúc động và giúp cho vợ chồng Mai thoát khỏi nghèo khó.

Các truyện Trọng nghĩa khinh tàiLưu Bình – Dương Lễ cũng đều ca ngợi những tình bạn đẹp. Các nhân vật trong truyện đã lựa chọn những cách ứng xử khác nhau để giúp bạn nhưng chúng ta đều thấy được phẩm chất đáng quý trọng ở họ. Nguyễn Đình Phương (trong Trọng nghĩa khinh tài) là một người có tấm lòng nghĩa hiệp. Khi thấy Trần Bính Cung buôn bán thua lỗ, đau ốm và nợ nần chồng chất ông đã nhiệt tình giúp đỡ gia đình bạn thoát khỏi cảnh vô gia cư. Đặc biệt, sau khi Bính Cung mất, Đình Phương âm thầm chịu mang tiếng xấu về

vào người khác thì nghèo vẫn cứ hoàn nghèo. Ông giấu mặt bỏ tiền ra nhờ một người truyền dạy cho vợ con Bính Cung nghề dệt sồi. Để rồi chẳng mấy chốc gia đình họ trở nên khá giả. Hay Dương Lễ (truyện Lưu Bình – Dương Lễ) khi đã đỗ cao làm quan, lại lạnh nhạt không chịu tiếp người bạn thân Lưu Bình khi bạn đến nhờ vả. Lưu Bình giận bỏ ra về, Dương Lễ kín đáo sai Châu Long, người vợ thứ ba, mang vàng đi nuôi bạn, dặn khi nào bạn học thành tài hãy trở về. Ngày Lưu Bình vinh quy trở về đến chơi nhà Dương Lễ thấy Dương Lễ cho Châu Long mang trầu ra chào. Lưu Bình mới vỡ lẽ ra là bạn đã chí tình với mình. Từ đó tình bạn lại thắm thiết như xưa.

Truyện Bốn người bạn lại cho ta thấy mối quan hệ của bốn người nối khố Giáp, Ất, Bính, Đinh. Trong bốn người, Giáp giàu có nhất nhưng là một người thâm hiểm. Ganh tỵ vì thấy vợ Ất dễ coi, Giáp lập mưu chờ Ất đi làm ăn xa, ở nhà bắt vợ Ất và giết chết vợ mình ném vào nhà bạn. Ất về lập tức bị khép vào tội giết vợ chờ ngày ra pháp trường. Bính và Đinh thấy bạn gặp nạn đã ngược xuôi tìm mọi cách giúp Ất. Họ gặp Giáp mong Giáp chung tay giúp bạn nhưng Giáp dửng dưng từ chối. Đường cùng, Bính và Đinh quyết hy sinh thân mình để cứu bạn. Trước giờ phút khai đao, tội ác của Giáp đã được vạch trần, hắn lập tức bị điệu vào nhà lao nhận lấy án tử hình thay cho Bính và Đinh. Thương bạn, Bính và Đinh nộp một ngàn quan để Giáp được giảm tội. Thế nhưng tội ác của hắn trời không dung, đất không tha, ngay khi vừa được tháo gông bước ra khỏi công đường thì Giáp bị thần sét đánh chết tươi…Như vậy trong truyện này, ta thấy dân gian đã khắc họa mối quan hệ đa chiều giữa bốn người bạn. Tấm lòng của Bính, Đinh và việc làm của họ đối với bạn thật đáng ngợi ca. Ngược lại, những hành động của Giáp lại thật đáng chê trách. Cái chết của Giáp ở cuối truyện chính là sự trừng phạt đích đáng đối với những kẻ bạc tình, bạc nghĩa.

Bên cạnh đó các truyện Của Thiên trả Địa, Sinh con rồi mới sinh cha sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông, Giết chó khuyên chồng, Ngậm ngải tìm trầm hay là sự tích núi Mẫu tử lại phản ánh một khía cạnh khác trong quan hệ bạn bè. Cách ứng xử của những người bạn trong các truyện này thật đáng phê phán. Ở

người trong số họ luôn luôn vì lợi ích trước mắt mà sẵn sàng phản bạn hoặc cướp đi công lao của bạn.

Thiên trong Của Thiên trả Địa đã có những năm tháng cơ hàn cùng Địa. Thế mà ngay sau khi đỗ Trạng Nguyên, Thiên lập tức quên ngay mười năm ròng bạn cày thuê cuốc mướn nuôi mình ăn học và quên luôn cả lời hứa khi đỗ đạt sẽ cùng chung hưởng phú quý. Thiên dửng dưng, phũ phàng khi bạn tìm đến. Tệ hại hơn, lúc thấy bạn có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp Thiên lại tìm mọi cách để đoạt được. Ất trong Sinh con rồi mới sinh cha sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông vì gia cảnh túng bấn nên vẫn thường được người bạn thân là Giáp giúp đỡ. Ất vay của Giáp mười nén bạc làm vốn sinh nhai. Mười năm sau, khi gia đình Ất trở nên khá giả cũng là lúc hắn cố tình quên mất người bạn cũ và số tiền nợ bạn. Ngỡ bạn vẫn còn khó khăn, một ngày nọ, Giáp mang theo mấy nén bạc đi tìm bạn. Ngờ đâu sự xuất hiện của Giáp lại khiến vợ chồng Ất đứng ngồi không yên vì tiếc số bạc đã vay phải trả. Sự tham lam đã khiến vợ chồng Ất nhân lúc bạn ngủ say mà lén cầm dao đâm chết bạn. Về sau, Giáp được đầu thai thành con Ất vạch trần sự việc.

Ở đây, ta thấy lòng tham, sự ích kỉ đã biến những người bạn trở nên không chỉ bất nghĩa mà còn bất nhân. Kết thúc các truyện, nhân vật xấu luôn phải trả giá đắt cho những việc làm của mình. Của cải, tiền bạc, địa vị là những thứ trước đây làm họ mờ mắt thì bây giờ được trả cho người chính trực. Thiên tỉnh dậy sau giấc mộng nhà cao, vợ đẹp thì chỉ thấy mình nằm trong một túp lều rách ven sông. Vợ chồng Ất bị giam vào ngục chờ ngày ra pháp trường.

Truyện Giết chó khuyên chồngNgậm ngải tìm trầm hay là sự tích núi Mẫu tử cũng xây dựng những mối quan hệ bạn bè dựa trên lợi ích đáng phê phán. Anh chồng (truyện Giết chó khuyên chồng) kết thân với một đám bạn nay rượu chè, mai cờ bạc làm vui. Mặc vợ hết lời khuyên can anh ta vẫn bỏ ngoài tai. Chỉ đến khi đám bạn ấy thấy anh ta mắc nạn không những đã không giúp còn kiếm cớ giở mặt dọa nạt, đòi phải cho chúng tiền thì chúng mới im miệng, người chồng mới thấu hiểu những người trước đây mình vẫn gọi là bạn hữu.

Đôi bạn trong truyện Ngậm ngải tìm trầm hay là sự tích núi Mẫu tử tuy ngoài mặt hớn hở vui mừng sau nhiều ngày gặp lại nhưng bụng dạ mỗi người lại toan tính tìm cách chiếm đoạt đồ vật của nhau. Chủ nhà thì khao khát gói ngải của bạn để tìm trầm mong được trường sinh. Khách lại muốn chiếm đoạt con cờ bằng ngọc trong bàn cờ của chủ để dâng Lão tổ… Cuối cùng tuy hai người đều thực hiện được âm mưu của mình nhưng họ đều phải trả giá đắt. Người khách trên đường đi tìm bạn để đòi lại gói ngải đã trượt chân xuống dốc núi, viên ngọc văng ra hóa đá còn hắn hóa thành cây với bộ rễ quắp chặt lấy đá như muốn bảo vệ vật quý. Còn người chủ nhà ngậm ngải tìm mãi chẳng thấy trầm đâu cuối cùng biến thành con hổ xám. Kết thúc không có hậu của truyện như một lời răn đe nghiêm khắc đối với những kẻ tham lam, ích kỉ, tư lợi cá nhân.

Nhìn chung, trong mối quan hệ này dân gian tập trung ca ngợi những tình bạn đẹp, những người luôn hết lòng hết dạ với bạn. Bên cạnh đó những người bạn bất nhân, bất nghĩa luôn phải trả giá cho những hành động sai trái của mình. Như thế, mỗi câu chuyện đều là những bài học ứng xử sâu sắc cho chúng ta hôm nay và mai sau.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) TRUYỆN CỔ TÍCH SINH HOẠT NGƯỜI VIỆT DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA (Trang 87 -91 )

×