0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (126 trang)

Tín ngưỡng thờ tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) TRUYỆN CỔ TÍCH SINH HOẠT NGƯỜI VIỆT DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA (Trang 40 -47 )

Cơ sở quan trọng đầu tiên cho việc hình thành bất cứ tôn giáo tín ngưỡng nào cũng là quan niệm tâm linh của con người về thế giới. Cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, người Việt xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh” – mọi vật đều có linh hồn, và bắt đầu từ thế giới tự nhiên xung quanh mình. Vì thế tín ngưỡng dân gian Việt Nam về tự nhiên khá phong phú, đó là sự tôn sùng các lực lượng vũ trụ và tự nhiên như trời, đất, mặt trời, mặt trăng, nước, mưa, gió, sấm, chớp,.. Tôn sùng các loại cây trồng, vật nuôi như lúa, bò, lợn, gà... Tôn sùng vật tổ như chim, cá, cây, trâu... Từ tín ngưỡng chuyển di vào văn học dân gian sẽ thành các hình tượng, các mô típ với diện mạo hình hài rõ nét và sinh động hơn.

Trong truyện cổ tích sinh hoạt của người Việt các vị nhiên thần này phần nào đã mang dáng dấp, khuôn mặt, tâm lí con người. Tín ngưỡng thờ tự nhiên được phản ánh trong các truyện như tín ngưỡng thờ đá, tín ngưỡng thờ lửa, tín ngưỡng thờ thần sét, tín ngưỡng thờ cây. Tổng số truyện được khảo sát ở đây là 9 truyện [Bảng phụ lục 2.1.2.2 – trang 109].

* Tín ngưỡng thờ đá: xuất hiện trong 4 truyện: Sự tích đá vọng phu

[truyện số 32, tập 1], Tô thị vọng phu [khảo dị truyện số 32, tập 1]), Sự tích đá Bà rầu [truyện số 33, tập 1], Ngậm ngải tìm trầm hay là sự tích núi Mẫu – tử

[truyện số 187, tập 5]

Trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, thời đại đồ đá là thời kì trải dài nhất trong lịch sử (khoảng vài triệu đến tám vạn năm trước công nguyên). Do đó có thế hình dung rằng, đá là chất liệu đầu tiên gắn với bước chân chập chững của con người từ xã hội nguyên thủy sang xã hội văn minh. Trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại, con người từ khi sinh ra đến khi chết đi đều gắn với hang (đá), đá tạo nên công cụ sản xuất, đá tạo ra lửa… Nói chung, đá tham gia vào mọi hoạt động sinh hoạt, lao động của con người. Sự gắn bó của con người với đá trong xã hội nguyên thủy, khi thuyết vật linh tồn tại phổ biến thì người ta thấy rằng: giữa đá và linh hồn con người có mối liên quan chặt chẽ. Đá cũng là sự sống, cũng có phần hồn, phần xác như con người và đá có thể là nơi trú ngụ cho linh hồn con người.

Trong kho tàng truyện cổ tích sinh hoạt của người Việt, tín ngưỡng thờ đá được phản ánh khá phong phú với những hình tượng tiêu biểu như: hòn Vọng phu, đá Trông chồng, đá Bà- rầu, ông Mốc, núi Mẫu tử,…

Các hiện tượng đá thiêng như hòn đá Trông chồng (Vọng – phu) ở bên cửa biển Đề Di, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, hay đá Tô thị vọng phu ở Lạng Sơn vốn đi vào truyện cổ tích như là hình ảnh người vợ bồng con đứng trên núi cao nhìn ra biển chờ chồng hóa đá. Sự tích đá vọng Tô thị vọng phu

(khảo dị) đều là những truyện có đề tài anh em ruột lấy nhầm phải nhau. Cốt truyện được tóm tắt như sau: Người anh đánh em gái rồi sợ hãi bỏ nhà ra đi, khi lấy vợ lại lấy đúng người em gái năm xưa, nay đã lưu lạc làm con nhà khác; biết chuyện người chồng im lặng bỏ nhà ra đi, người vợ ở nhà ngày ngày bồng con ra biển (lên núi) ngóng chồng, đến lúc kiệt quệ hơi sức nàng gục xuống chết; thân nàng biến thành tượng đá mãi mãi đứng trên núi chờ chồng.

Nam cùng với đó là câu chuyện buồn về bi kịch gia đình bắt nguồn từ sự ghen tuông mù quáng của người chồng. Nguồn gốc sâu xa của chi tiết này là thể hiện một quan niệm hôn nhân trong xã hội cổ, qua đó phản ánh những bi kịch gia đình khi chế độ hôn nhân đã chuyển từ hôn nhân nội tộc sang hôn nhân ngoại tộc và từ chế độ quần hôn sang chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Tình tiết rất cơ bản nữa là việc kể về người vợ đứng ngóng trông chồng, chờ chồng với hi vọng người chồng sau những năm tháng đi xa sẽ trở về để gia đình được đoàn tụ hạnh phúc. Người chồng đã không về và người vợ hóa thành đá vì chờ đợi. Người phụ nữ với sự chung thủy đã âm thầm, đơn lẻ sống mỏi mòn để chờ đợi. Nỗi đau, lòng tuyệt vọng đã khiến nàng hóa đá. Bi kịch này nói lên thân phận của người phụ nữ – người chịu thiệt thòi, hy sinh nhiều nhất trong xã hội.

Truyện Ngậm ngải tìm trầm hay là sự tích núi Mẫu – tử là câu chuyện về một người vì khát vọng trường sinh bất lão mà ngậm ngải vào núi tìm trầm. Thế nhưng hắn vượt trăm núi, ngàn khe mà trầm đâu chẳng thấy, muốn quay về thì khốn nỗi lại quên mất lối. Năm tháng qua đi, cuối cùng người đàn ông tham lam đó biến thành một con hổ xám. Hắn đâu biết rằng vợ con hắn ở nhà trông đợi mỏi mòn, nước mắt họ mỗi ngày chảy một ít đã xói đất thành suối. Ngày hổ xám tìm về đến ngôi nhà xưa thì vợ con hắn cùng đàn gia súc đã hóa đá. Nó đau đớn gầm lên mấy tiếng rồi bỏ đi biệt. Ngày nay ở quận Khánh Dương, tỉnh Khánh Hòa còn có núi đá gọi là núi Mẫu- tử, nổi bật là một hòn đá dựng, bên cạnh có một hòn nhỏ hơn, người ta nói đó là mẹ con. Xung quanh đá còn nhiều hòn khác nằm rải rác: hòn con chó, con gà, cái rổ may, sợi chỉ, cối giã, cái chày,…

Như vậy có thể thấy, tín ngưỡng thờ đá ở đây còn gắn liền với sự dồng cảm sâu sắc của các tác giả dân gian đối với người phụ nữ trong xã hội xưa. Những đau đớn, mất mát, mong chờ của phụ nữ thấu đến tận trời xanh, tạc vào cuộc sống của con người. Nỗi đau ấy lạnh như đá, lâu bền như đá. Bi kịch này thường xuyên xảy ra với phụ nữ nói chung và họ phải cam chịu chỉ vì họ là người phụ nữ. Hòn đá là biểu tượng về sự bền vững, chống chọi lại được với những nghiệt ngã của thời gian. Đá gắn liền với nỗi đau âm thầm, trầm lặng của

người phụ nữ trong xã hội xưa. Hình ảnh người phụ nữ hóa đá đã trở thành “biểu tượng nhân văn cao cả” trường tồn mãi mãi trong văn học và trong nhân dân.

* Tín ngưỡng thờ lửa: Trong văn học dân gian Việt Nam, hầu như thể loại nào cũng mang dấu vết của tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, sự xuất hiện của tín ngưỡng dân gian trong các thể loại ấy lại được phản ánh một cách đậm nhạt khác nhau. Trong truyện cổ tích sinh hoạt của người Việt, thờ lửa cũng là một tín ngưỡng được phản ánh khá rõ nét. Tín ngưỡng này thể hiện trong các truyện: Sự tích ông đầu rau [truyện số 21, tập 1], Sự tích thần Bếp [khảo dị truyện số 21, tập 1] và Sự tích ông đầu rau [khảo dị truyện số 21, tập 1].

Lửa vốn có một vị trí quan trọng trong đời sống con người từ thủa sơ khai cho đến ngày nay. Lửa làm tan giá lạnh buốt, xua đuổi đêm tối hãi hùng, ma quái, ngăn chặn hoặc phủ nhận ươn thối (cá thịt), héo úa (rau cỏ), xóa bỏ mùi hôi tanh, nhằm đem lại sự sống và duy trì sự sống của con người. Cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa biết gì nhiều về nguồn gốc lửa bếp: Làm sao có lửa và giữ lửa. Nhưng một điều có thể khẳng định được là việc tìm ra lửa bếp đó là một chinh phục lớn lao của con người, một tiêu chuẩn cơ bản xác định thế nào là văn minh nhân loại, vì chỉ con người mới biết dùng lửa. Vào thời kỳ sơ khai rất khó làm ra lửa (bằng cách đập, chà, cọ xát mạnh gỗ đá) càng khó hơn giữ lửa được lâu, nên lửa là một cái gì thật quý, hiếm, tạo ra một mối bận tâm lớn lao: giữ lửa. Ở thôn quê Việt Nam thấy có hai cách giữ lửa: Dùng bùi nhùi dài bằng rơm để cháy âm ỉ, hoặc nhấm trấu, đổ mớ trấu bên cạnh bếp, trên đè bằng một hòn đất để cháy âm ỉ suốt ngày hoặc suốt đêm, lúc cần chỉ việc thổi lên là lửa cháy. Chính vì có đống nhấm trấu, mà bếp luôn luôn ấm, nóng, biểu hiện nhà đó, nơi đó có người ở, sinh sống. Trái lại khi không thấy khói bếp bốc lên và tro bếp nguội tanh, lạnh ngắt, phải hiểu nhà đó vắng người, bỏ hoang và không còn sự sống ở đó nữa.

Tín ngưỡng thờ lửa trong truyện cổ tích sinh hoạt của người Việt cho thấy vai trò quan trọng của lửa trong đời sống con người. Các câu chuyện đều xoay quanh một chủ đề chính: Hai ông – một bà nhưng có nhiều tình tiết khác nhau.

Truyện Sự tích ông đầu rau kể rằng: Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo làm nghề thuê mướn. Tuy nhà nghèo nhưng rất thương yêu nhau... Một năm mất mùa, tình trạng đói kém khắp nơi, người chồng quyết định đi kiếm ăn xa hẹn vợ ba năm sẽ trở về. Thời hạn ba năm trôi qua mau chóng, người vợ vẫn mong ngóng chồng về nhưng bặt vô âm tín. Giữa lúc ấy, người vợ của chủ nhà nơi nàng làm việc chết. Sẵn có cảm tình với nàng, người chủ ngỏ ý muốn nối duyên cùng nàng. Nàng xin để tang chồng trong ba năm nữa. Nhưng chờ mãi chồng cũng không về, một năm sau nàng nối duyên với người chồng mới. Đột nhiên sau đó ba tháng, người chồng cũ trở về. Cả ba người rơi vào tình huống vô cùng khó xử. Người chồng cũ trong lòng đau xót, không còn muốn sống, và đã treo cổ tự tử ở cây đa đầu làng. Người vợ bàng hoàng ân hận, tự cảm thấy chính mình là thủ phạm nên tự vẫn dưới ao bên cạnh nhà. Người chồng mới, sau khi làm ma cho vợ, trở thành người mất trí vì xúc động, ân hận trước hai cái chết. Một hôm, ông ta quyết định đem hết gia sản chia cho họ hàng, đem cúng nhà chùa rồi uống thuốc độc tự tử. Ở bên kia thế giới, Diêm Vương cho ba người hóa thành ba ông đầu rau để cho họ khỏi lìa nhau, và để cho ngọn lửa luôn luôn đốt nóng tình yêu của họ. Đồng thời, Diêm Vương còn phong cho họ chức Táo Quân trông nom từng bếp một, nghĩa là từng gia đình trên trần thế.

Các dị bản khác cũng kể câu chuyện có nội dung tương tự, nhưng nhân vật ở đây là Trọng Cao - Thị Nhi – Phạm Lang, hoặc người chồng đi buôn - vợ ở nhà làm ruộng – người chồng mới làm nghề săn bắn. Và cuối truyện ba người ấy được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người. Táo Quân còn gọi là Táo Công là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp.

Có thể thấy nhìn từ góc độ triết học thì dân gian thờ cúng ông Táo bắt nguồn từ sự sùng bái của con người đối với “lửa”. Bếp lửa mang một ý nghĩa sâu xa, đặc biệt quan trọng với mỗi gia đình người Việt. Ngọn lửa cháy sáng trên mỗi bếp lửa trong các gia đình luôn là biểu tượng của sự sum họp, đầm ấm.

* Tín ngưỡng thờ cây: Thờ cúng cây cối là một loại hình tín ngưỡng đã xuất hiện từ xa xưa, phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới và tồn tại đến ngày nay. Đó là biểu hiện của sự gắn bó mật thiết giữa con người với sinh thái tự nhiên. Ở Việt Nam, phần lớn cư dân sống bằng nghề nông nghiệp nên công việc của họ phải phụ thuộc vào hai yếu tố đất và nước, vì thế, hai yếu tố này được thờ tự dưới nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh thần đất và thần nước là những vị thần của các hiện tượng tự nhiên liên quan đến nông nghiệp, thì cây cối cũng là một dạng thần được thờ tự từ xa xưa ở nhiều làng quê Việt.

Xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh”, người Việt vốn quan niệm không chỉ có con người mà động vật, thực vật cũng có linh hồn. Tín ngưỡng thờ cây trong truyện cổ tích sinh hoạt của người Việt được phản ánh trong hai truyện:

Sự tích con sam [truyện số 14, tập 1] và Kiện ngành đa [truyện số 57, tập 2]. Truyện Sự tích con sam kể về hai vợ chồng một người đánh cá nghèo. Một hôm người chồng ra khơi với bạn nghề. Không may có một trận bão rất lớn nổi lên giữa lúc họ đang thả lưới. Không một người nào thoát khỏi tai nạn.Tin dữ về đến làng, tất cả mọi gia đình đánh cá đều đau khổ. Tiếng khóc lan đi các nhà. Riêng người đàn bà lòng đau như cắt. Như điên như cuồng, bà bỏ nhà ra đi, hy vọng tìm thấy chồng. Bà cứ theo bờ biển đi, đi mãi. Trải qua hai ngày đến một hòn núi lớn. Bà trèo lên rồi vì mệt quá ngủ thiếp dưới một gốc cây. Đang ngủ bỗng có một tiếng nổ dữ dội, bà choàng dậy thấy thần Cây đã đứng trước mặt mình. Thần Cây cảm động trước sự chung tình của người đàn bà nên báo cho bà biết chồng bà còn sống ở ngoài hải đảo và cho bà viên ngọc để bay qua biển tìm chồng. Nhờ có viên ngọc quý mà thần Cây ban tặng, người đàn bà đã đến được nơi chồng gặp nạn để cứu chồng.

Thờ cúng cây cối là tín ngưỡng khá phổ biến trong đời sống tâm linh người Việt từ thủa sơ khai và tiếp biến cho đến ngày nay. Tín ngưỡng này còn

cho thấy niềm tin của dân gian về sự chở che, cứu giúp họ vượt qua những khó

khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Nói như nhà nghiên cứu J. Barrow - người Anh: “Thực vậy, cây cối đã là một loại đền miếu đầu tiên được dành cho các

những đối tượng to lớn nhất hiện ra trước mắt họ tỏ ra là những vật được chú ý đến nhất đáng để thờ phụng. Như vậy là dưới đồng bằng có những cây cổ thụ đáng được tôn thờ, thì trên núi là những tảng đá, rắn chắc trên đỉnh cao”.

Cây đa từ lâu đã đi vào đời sống tâm linh người Việt như một loại cây thiêng. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền các câu như:

Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề; Cây gạo có ma, cây đa có thần;

Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa…

Chẳng biết tự bao giờ cây đa đã trở thành một hình ảnh không thể phai mờ trong tâm tưởng mỗi người con Việt Nam. Trong tiềm thức, cây đa sum suê nơi đầu làng, sừng sững trong gió mát đêm xuân và hiên ngang trong sắc vàng nắng hạ, luôn vươn mình ngạo nghễ với thời gian dù cả dân tộc đã trải qua bao bước thăng trầm của thời cuộc. Cây đa cùng với bến nước và mái đình sớm đã trở thành bộ ba biểu tượng sinh động của văn minh làng xã nước Việt. Cây đa đi vào văn học dân gian, vừa gần gũi, mộc mạc, vừa thoát tục, thanh khiết. Cây đa được coi là cây thiêng – cây trú ngụ của các vị thần.

Trong truyện Kiện ngành đa, người lái buôn hương sau ba năm xa quê trở về đã mang theo tất cả vốn liếng là một gói bạc lớn. Lo sợ ở nhà có sự đổi thay, khi đến cây đa đầu làng, ông ta trèo lên đem số bạc ấy giấu vào hốc cây và khấn: “Tôi là dân làng này, tôi làm ăn dành dụm được có chừng ấy, tôi gửi cho ngài, trăm sự nhờ ngài giữ hộ”. Chẳng ngờ, gói bạc ấy lại bị tên xã trưởng vốn có tư tình với vợ ông cuỗm mất. Xót lòng vì mất của mà chẳng biết kêu cùng ai, cuối cùng ông chặt một cành đa mang đến kiện với quan Trạng. Trạng đến đóng dinh ở gần cây đa rồi trước mặt bàn dân đông đủ, Trạng bắt nguyên cáo và bị cáo ra đối chất. Cây nhận có giữ gói bạc nhưng không biết người nào lấy đi. Hỏi mãi cây vẫn không khai được một điều gì. Quân hầu của Trạng được lệnh khảo đả cây túi bụi. Mọi người đứng trước dinh Trạng đều nghe bị cáo van khóc rối rít.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) TRUYỆN CỔ TÍCH SINH HOẠT NGƯỜI VIỆT DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA (Trang 40 -47 )

×