Mối liên hệ giữa “Chính phủ điện tử” và “Chính phủ số”

Một phần của tài liệu Chính phủ điện tử (e government) – mô hình của thế giới và thực tiễn ở việt nam hiện nay (Trang 28 - 30)

1.1. Chính phủ điện tử

1.1.7. Mối liên hệ giữa “Chính phủ điện tử” và “Chính phủ số”

1.1.7.1. Quan điểm của Liên Hợp quốc

Liên Hợp quốc cho rằng “Chính phủ số” sẽ là giai đoạn phát triển tiếp theo của mô hình Chính phủ điện tử. Mặc dù tổ chức này có đề cập đến khái niệm Chính phủ số nhưng nhìn chung vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng, còn mang tính tương đồng so với Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, tại Báo cáo sơ bộ khảo sát Chính phủ điện tử (chưa chính thức) vào năm 2018 đã đưa ra một khung phương pháp luận mới để đánh giá, yêu cầu các nước phải có các ưu tiên về Chương trình chuyển đổi số (Digiatal Agenda) và các nguyên tắc về Chính phủ số (Digiatal Government Principles). Theo đó, khung phương pháp luận mới phải gắn liền với các mục tiêu trong Chương trình năm 2030 của Liên Hợp quốc, thể hiện qua việc đổi tên bộ phận chịu trách nhiệm đánh giá và xuất bản báo cáo Chính phủ điện tử thành Ban các tổ chức công và Chính phủ số. Đồng thời, qua Báo cáo, Liên Hợp quốc đã đưa ra khái niệm Chính phủ số, bao quát các vấn đề và lĩnh vực khác nhau liên quan đến việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.

1.1.7.2. Quan điểm của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - OECD

OECD đã đưa ra khuyến nghị về việc phát triển Chính phủ số lần đầu tiên vào năm 2014, cùng với đó là sự phân biệt cụ thể giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số trong mối tương quan phát triển lẫn nhau. Theo OECD, Chính phủ điện tử là việc Chính phủ sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là Internet để cải tiến hiệu quả hơn các quá trình hiện hữu. Chính phủ số là việc sử dụng các công nghệ số, như một phần thiết yếu trong các chiến lược hiện đại hóa Chính phủ để tạo ra các giá trị công, nơi mà các dịch vụ được hình thành ý tưởng và cung cấp theo những cách đổi mới và sáng tạo nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.

1.1.7.3. Quan điểm của hãng tư vấn công nghệ thông tin Gartner - Mỹ

Vào năm 2014, hãng Gartner đưa ra khái niệm Chính phủ số như sau: Chính phủ số là Chính phủ được thiết kế và vận hành nhằm tận dụng dữ liệu số để tối ưu hóa, chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ của Chính phủ. Tiếp đó vào năm 2016, hãng này đưa ra sự phân tích Chính phủ số rõ hơn khi đưa ra các giai đoạn phát triển, trưởng thành của mô hình này và hướng đến Chính phủ thông minh. Trong đó, hãng Gartner nhấn mạnh rõ rằng Chính phủ điện tử chỉ là giai đoạn đầu tiên của quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, giai đoạn 02 là dữ liệu mở, giai đoạn 03 là dữ liệu làm

23 http://cchc.mard.gov.vn/Pages/moi-lien-he-giua-chinh-phu-dien-tu-va-chinh-phu-so--phan- 1.aspx,%20http://cchc.mard.gov.vn/Pages/moi-lien-he-giua-chinh-phu-dien-tu-va-chinh-phu-so--phan-2.aspx (truy cập ngày 24/4/2021).

trung tâm, giai đoạn 04 là số hóa hoàn toàn và giai đoạn cuối cùng là Chính phủ thông minh. Hãng này cũng chỉ ra rằng Chính phủ số không phải là đích đến cuối cùng mà là một phương tiện để hiện thực hóa các dịch vụ bền vững và giá thấp của Chính phủ. Chính phủ điện tử truyền thống sẽ dần được thay thế thành Chính phủ số, đòi hỏi các quốc gia phải phát triển và vận dụng một cách hiệu quả các phương án đã đề ra. Tóm lại, Chính phủ số dựa vào việc sử dụng và tái sử dụng các dữ liệu hoạt động, dữ liệu thống kê địa lý, từ đó phân tích nâng cao hơn nhằm đơn giản hóa các dịch vụ cho người dùng. Chính phủ số tạo ra thông tin từ dữ liệu để hỗ trợ và cải thiện quá trình ra quyết định, đồng thời tạo ra các dịch vụ công mới từ các mô hình mới, tăng cường tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí vận hành trong dài hạn.

Với quan điểm của ba tổ chức điển hình đã phân tích trên, có thể rút ra mối liên hệ giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số như sau: cả hai mô hình này đều có hạ tầng phần cứng giống nhau, tuy nhiên có sự khác nhau về phần mềm và dữ liệu. Đây là điều kiện thuận lợi nếu quốc gia nào đã có tiền đề phát triển Chính phủ điện tử vững chắc, ổn định ngay từ đầu. Các giá trị mang lại từ việc xây dựng mô hình Chính phủ điện tử là việc tập trung chủ yếu vào sự tuân thủ theo các quy trình có sẵn, dịch vụ được cung cấp một cách bị động dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, được đánh giá bằng số lượng dịch vụ cung cấp trực tuyến. Trong khi đó, Chính phủ số tập trung vào chia sẻ, khai thác dữ liệu để phục vụ người dùng tốt hơn, đặc biệt là đáp ứng hiệu quả nhu cầu của công dân, doanh nghiệp (từ phục vụ “một cửa” thành “không cửa”), phục vụ công chức tốt hơn dựa trên mô hình kinh doanh thông minh và trí tuệ nhân tạo. Theo đó, Chính phủ điện tử tập trung vào hiệu quả và hiệu suất của các thiết bị công nghệ khi cung cấp các dịch vụ, trong khi đó Chính phủ số tập trung vào điều hành chính quyền, tính công khai, minh bạch, sự đồng hành và tin tưởng vào Chính phủ và cuối cùng là hiệu quả, hiệu suất.

Mặc dù theo quan điểm của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD hay của hãng Gartner, khái niệm Chính phủ số có nội hàm rộng hơn so với Chính phủ điện tử, nhưng vẫn chưa có một định nghĩa chính thức nào được đưa ra. Tuy nhiên, việc phân biệt hai khái niệm này không quan trọng bằng việc chúng ta xác định rõ các chính sách, phương hướng, mục tiêu phát triển, cách vận hành của Chính phủ cho phù hợp với thời đại mới, với thiết bị công nghệ, kỹ thuật mới. Bởi, sự thay đổi của các yếu tố công nghệ, thông tin là rất nhanh chóng, nội hàm các khái niệm cũng vì thế mà sẽ đổi thay cho phù hợp. Do đó, khái niệm Chính phủ điện tử cũng sẽ không bất biến mà chỉ tạo ra những điều kiện mới cho thích ứng với tình hình, xu thế chung với thời đại. Vì vậy, tạm thời có thể hiểu, Chính phủ số là bước phát triển tiếp theo của Chính phủ điện tử, trong đó việc sử dụng công nghệ số mới nhất là cơ sở để Chính

phủ thực hiện việc chuyển đổi và hướng tới nền kinh tế số với mục tiêu “Chính phủ công khai, minh bạch, hiệu quả, bao trùm và trách nhiệm giải trình cao”, phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác.

Như vậy, qua việc phân tích quan điểm của ba tổ chức, chủ thể nghiên cứu, tác giả bài viết nhận thấy mối liên hệ giữa “Chính phủ điện tử” và “Chính phủ số” là một quá trình phát triển thống nhất và chặt chẽ với nhau, trong đó tầm quan trọng của thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông đóng vai trò chủ yếu. Một quốc gia có nền Chính phủ điện tử minh bạch, khách quan sẽ là tiền đề góp phần thúc đẩy sự chuyển giao Chính phủ số hiệu quả, vững chắc và ngược lại, một nền Chính phủ số phát triển sẽ là cơ sở tạo nên một mô hình Chính phủ điện tử lý tưởng, toàn diện. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với bản chất là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các thiết bị, công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất trên mọi lĩnh vực, mọi thiết bị công nghệ trong đời sống xã hội. Sự thay đổi này diễn ra nhanh chóng và đột phá, do đó, mỗi quốc gia nếu chậm trễ trong việc áp dụng và vận hành chúng vào thực tế sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và chậm phát triển.

Một phần của tài liệu Chính phủ điện tử (e government) – mô hình của thế giới và thực tiễn ở việt nam hiện nay (Trang 28 - 30)