Một trong những điều đầu tiên đảm bảo cho hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh chính là môi trường vĩ mô phải ổn định. Do đó, Chính phủ cần ban hành các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư hướng dẫn, ... để hoàn chỉnh môi trường pháp lý cho hoạt động ngân hàng, từ đó tạo điều kiện để hoạt động thanh tra được hoàn thiện hơn như: Chính phủ cần sớm ban hành nghị định mới để thay thế Nghị định số 91/1999/NĐ-CP ngày 04/09/1999 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Ngân hàng theo quy định tại Khoản 2, Điều 49, Luật NHNN 2010. Trong đó, cần xem xét thêm một số vấn đề sau: nghiên cứu tổ chức mô hình Thanh tra, giám sát ngân hàng ở cả Trung ương và địa phương phù hợp với nguyên tắc, đối tượng, nội dung TTGS ngân hàng và các biện pháp xử lý đối với đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng quy định tại Luật NHNN 2010; đặc biệt là các quy định tại Khoản
2, 3 (Điều 51); Khoản 2 (Điều 55); Khoản 2, 3, 4 (Điều 58); Khoản 2 (Điều 59); quy định xử lý mối quan hệ giữa Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng với Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố về phân cấp trách nhiệm TTGS và quan hệ chỉ đạo, điều hành; xử lý vấn đề thực hiện chức năng thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng theo quy định của Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật về phòng, chống tham nhũng; rà soát lại các quy định tại Quyết định số 83/2009/QĐ- TTg ngày 27/05/2009 của Thủ tướng Chính phủ ...
Ngoài ra, Chính phủ cần sớm thiết lập một cơ chế phối hợp hoạt động và trao đổi thông tin hiệu quả giữa các cơ quan chủ chốt: NHNN, Bộ Tài chính, Bảo hiểm tiền gửi, và Uy ban giám sát tài chính quốc gia. Cơ chế phối hợp này sẽ giúp các Cơ quan TTGS tài chính không bị chồng chéo công việc, đảm bảo giám sát tốt hơn các tổ chức đa ngành.