Thực trạng tổ chức của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân cấp tỉnh thực tiễn tại tòa án nhân dân tỉnh đắk lắk (Trang 47 - 53)

7. Kết cấu của Luận văn

2.1. Phân tích thực trạng tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk

2.1.1. Thực trạng tổ chức của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

- Về lịch sử hình thành Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk:

TAND tỉnh Đắk Lắk (TAND tỉnh) được thành lập ngay sau khi giải phóng tỉnh Đắk Lắk vào tháng 03 năm 1975 để xét xử các vụ án chống đối chính quyền cách mạng, các vụ án về kinh tế, trật tự và an toàn xã hội góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 1976, TAND tỉnh chính thức thành lập [62]. Ngày 01/01/2004 tỉnh Đắk Lắk được chia tách thành 02 tỉnh là Đắk Lắk và Đắk Nông theo Nghị Quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI - kỳ họp thứ 4. Hiện nay, hệ thống TAND của tỉnh Đắk Lắk có TAND cấp tỉnh và 15 TAND cấp huyện.

Căn cứ Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức TAND năm 2014, TANDTC đã ban hành một số văn bản liên quan đến tổ chức và hoạt động của TAND tỉnh Đăk Lắk như: Quyết định số 345/QĐ-CA, ngày 07/4/2016 Chánh án TAND tối cao [38] ban hành về việc tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (QĐ 345/QĐ- CA); Quyết định số 1865/QĐ-TANDTC ngày 15/10/2018 của TAND tối cao về việc tổ chức Tòa chuyên trách tại TAND các cấp tỉnh Đắk Lắk [48] ; Quyết định số 2228/QĐ-TCCB ngày 27/12/2018 của TAND tối cao về tổng biên chế và số lượng Thẩm phán TAND các cấp tỉnh Đắk Lắk với tổng biên

chế của TAND tỉnh Đắk Lắk [49] gồm 82 người, trong đó có 01 Thẩm phán cao cấp và 28 Thẩm phán trung cấp. Biên chế hiện có tính đến ngày 01/02/2019 TAND tỉnh Đắk Lắk có 78 biên chế, trong đó có 01 Thẩm phán cao cấp; 20 Thẩm phán trung cấp; 38 Thư ký Tòa án; 01 Thẩm tra viên chính; 08 Thẩm tra viên; 02 Kế toán, 01 Chuyên viên và 03 Lái xe, 02 Nhân viên phục vụ, 02 Nhân viên bảo vệ. So sánh biên chế được giao với số biên chế hiện có thì TAND tỉnh Đắk Lắk thiếu 08 Thẩm phán trung cấp, do đó trong quá trình xét xử, giải quyết các vụ việc vẫn còn nhiều khó khăn trở ngại khi số lượng án ngày càng nhiều, vụ việc có tính chất phức tạp ngày càng tăng. Tuy nhiên, với tinh thần là Thẩm phán nhân dân mẫu mực, các cán bộ, công chức TAND tỉnh Đắk Lắk luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hạn chế tình trạng án bị hủy sửa, không để xảy ra tình trạng oan sai.

Về trình độ chuyên môn: Có 01 Tiến sĩ đồng thời là Chánh án; 16 Thạc sĩ gồm các Thẩm phán, Thư ký Tòa án và Thẩm tra viên; 53 Cử nhân Luật và Cử nhân Kinh tế, trong đó có có 19 trường hợp đã và đang bảo vệ luận văn Thạc sỹ tại các trường Đại học Kinh tế luật, Học viện Hành chính Quốc gia; 01 Cao đẳng. Nhìn chung, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức TAND tỉnh Đắk Lắk đều đạt Cử nhân Luật trở lên, đáp ứng các điều kiện về vị trí việc làm, không có tình trạng cán bộ, công chức được bố trí sắp xếp công việc không đúng với vị trí việc làm.

Cơ cấu Tổ chức TAND tỉnh Đắk Lắk hiện có: Ủy ban Thẩm phán, Chánh án, các Phó Chánh án, các Tòa chuyên trách và bộ máy giúp việc. Các công việc tại TAND tỉnh Đắk Lắk do Chánh án trực tiếp điều hành. Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ chịu trách nhiệm cá nhân về lĩnh vực công tác được phân công.

-Về Ủy ban Thẩm phán:

Chánh án TAND tối cao quy định, TAND tỉnh Đắk Lắk có 07 thành viên Ủy ban Thẩm phán dựa trên đề nghị của Chánh án TAND tỉnh. Phiên

họp Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh do Chánh án chủ trì. Ủy ban Thẩm phán hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

-Về bộ máy lãnh đạo:

TAND tỉnh đã hoàn thiện về bộ máy lãnh đạo theo Quyết định số 663/QĐ-TANDTC ngày 12/4/2017 của Chánh án TAND tối cao [43] quy định về số lượng lãnh đạo, quản lý cấp phó đối với TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Lãnh đạo TAND tỉnh gồm có Chánh án và 04 Phó Chánh án, theo quy định chung TAND tỉnh có số lượng Phó Chánh án không quá 03 người, tuy nhiên vì Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk đang là đại biểu Quốc hội khóa XIV nên TAND tỉnh có 04 Phó Chánh án.

Nhìn chung, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TAND tỉnh đã đảm bảo cho mọi hoạt động của Tòa án được triển khai thực hiện, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong cơ quan tư pháp. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chánh án trong Bộ luật tố tụng dân sự gần giống với Bộ luật tố tụng hành chính, khác với Bộ luật tố tụng hình sự, việc pháp luật quy định như vậy vì đặc thù tính chất của vụ việc (hình sự gắn với quyền con người phải được đảm bảo).

Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chánh án TAND tỉnh pháp luật đã được quy định đầy đủ. Về bản chất, Phó Chánh án là người giúp việc cho Chánh án trong quá trình thực hiện công vụ về công tác quản lý cũng như công tác chuyên môn, ngoài ra Phó Chánh án còn đóng vai trò thay mặt Chánh án thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Chánh án khi Chánh án đi vắng, trừ một số trường hợp pháp luật quy định Phó Chánh án không được thực hiện thay.

-Lãnh đạo các tòa, phòng:

Gồm có Chánh tòa, các phó Chánh tòa; Chánh Văn phòng, Phó Văn phòng; Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng;

Trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án, Phó trưởng phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án.

Đội ngũ làm công tác lãnh đạo của TAND tỉnh Đắk Lắk là những có tinh thần tổ chức kỷ luật cao, có ý thức tự chủ, năng động và sáng tạo trong công việc, có kiến thức trình độ năng lực thực tiễn, có tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu, tự giác; không quan liêu, tham nhũng, lãng phí; có tinh thần đoàn kết, hợp tác và phong cách làm việc khoa học, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân, dám nghĩ, dám làm; có khả năng quy tụ và đoàn kết. Giữa lãnh đạo với cán bộ, công chức có mối quan hệ công tác tốt, bảo đảm phục vụ tốt các nhiệm vụ của cơ quan. Lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vững vàng, là người đi đầu là tấm gương để mọi công chức noi theo.

-Về Tòa chuyên trách:

Thực hiện theo Quyết định số 1865/QĐ-TANDTC ngày 15/10/2018 của TAND tối cao [48] về việc tổ chức Tòa chuyên trách tại TAND các cấp tỉnh Đắk Lắk, TAND tỉnh Đắk Lắk hiện nay có 05 Tòa chuyên trách gồm:

+ Tòa Hình sự có 09 biên chế gồm: Chánh tòa; 01 Thẩm phán trung cấp và 07 Thư ký (hiện nay đang khuyết 01 Phó Chánh tòa).

+ Tòa Dân sự có 10 biên chế gồm: Chánh tòa; 02 Phó Chánh tòa và 07 Thư ký.

+ Tòa Hành chính có 08 biên chế gồm: Chánh tòa; 01 Phó Chánh tòa; 01 Thẩm phán trung cấp và 05 Thư ký.

+ Tòa Kinh tế có 04 biên chế gồm: Chánh tòa; 01 Phó Chánh tòa và 02 Thư ký.

+ Tòa Gia đình và người chưa thành niên có 07 biên chế gồm: Chánh tòa; 01 Phó Chánh tòa; 01 Thẩm phán trung cấp và 04 Thư ký.

Trước ngày 15/10/2018 TAND tỉnh Đắk Lắk cũng có 05 tòa chuyên trách, trong đó có Tòa Lao động nhưng do số lượng án thụ lý và giải quyết từ năm 2012 đến 2015 trung bình từ 03 đến 04 vụ việc/năm nên TAND tỉnh Đắk

Lắk đã trình, được Chánh án TAND tối cao phê duyệt chuyển sát nhập Tòa Lao động vào Tòa Kinh tế và thành lập thêm Tòa gia đình và người chưa thành niên như hiện nay. Nhìn chung, TAND tối cao thành lập 05 tòa chuyên trách tại TAND tỉnh Đắk Lắk là đã bám sát với tình hình thực tế số lượng vụ án của từng loại vụ việc để thành lập nên các tòa chuyên trách phù hợp với tình hình tại địa phương.

Các tòa chuyên trách đã kiện toàn về tổ chức và hoạt động xét xử. Có đầy đủ các chức danh quản lý và các chức danh tố tụng như: Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thư ký Tòa án. Các tòa chuyên trách thực hiện đầy đủ và đúng các nhiệm vụ, quyền hạn pháp luật quy định, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

-Bộ máy giúp việc gồm có:

Phòng Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án; Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng; Văn phòng là bộ máy giúp việc cho TAND tỉnh Đắk Lắk thực hiện theo quy định Luật tổ chức TAND [21] và Quyết định 345/QĐ-CA [38].

+ Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng có 05 biên chế gồm: Trưởng phòng (Thẩm phán trung cấp); 01 Phó trưởng phòng (Thẩm tra viên); 01 Thẩm tra viên làm công tác Thi đua khen thưởng và 02 Thư ký giúp việc cho phòng.

+ Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án có 08 biên chế gồm: Trưởng phòng (Thẩm phán trung cấp); 02 Phó trưởng phòng (01 Thẩm tra viên chính và 01 Thẩm tra viên); 01 Thẩm phán trung cấp; 01 Thẩm tra viên và 03 Thư ký giúp việc.

+ Văn phòng TAND tỉnh Đắk Lắk có 14 biên chế và 08 Hợp đồng lao động gồm: Chánh Văn phòng (Thẩm phán trung cấp); 01 Phó Chánh Văn phòng (Thẩm tra viên); 02 Thẩm tra viên; 07 Thư ký giúp việc; 02 Kế toán;

01 Lưu trữ viên; 01 Chuyên viên; 03 Lái xe cơ quan, 02 Nhân viên Bảo vệ, 02 Nhân viên Phục vụ.

Về nhiệm vụ của Văn phòng hiện nay có một số điểm khác với chức năng, nhiệm vụ Văn phòng trước kia, cụ thể: Trước tháng 6 năm 2015 việc thụ lý tiếp nhận, thụ lý các đơn khởi kiện, thụ lý hồ sơ vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh do các Tòa chuyên trách đảm nhận thụ lý, giải quyết, đơn khởi kiện, hồ sơ vụ án thuộc về lĩnh vực gì thì tòa chuyên trách đó thụ lý và giải quyết. Đến ngày 11/6/2015 TAND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 125/QĐ-TAND của Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk về việc thành lập Tổ Hành chính Tư pháp và ban hành kèm theo quyết định là Quy chế hoạt động của Tổ Hành chính Tư pháp. Việc TAND tỉnh Đắk Lắk thành lập Tổ Hành chính Tư pháp - bộ phận một cửa là thực hiện theo chủ trương cải cách tư pháp, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại Tòa án, mọi hoạt động hành chính quy về một mối để người dân thuận tiện trong quá trình làm việc tại Tòa án, TAND tỉnh Đắk Lắk là một trong những Tòa án đi đầu trong việc cải cách thủ tục hành chính tại Tòa án, hướng đến cải cách tư pháp.

Tổ Hành chính tư pháp hoạt động như một bộ phân chuyên trách của TAND tỉnh Đắk Lắk, có Tổ trưởng (Thẩm phán) và các Tổ viên (Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, chuyên viên) cơ chế hoạt động do Chánh án trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoặc ủy quyền cho một Phó Chánh án phụ trách quản lý, chỉ đạo.

Nhiệm vụ của Tổ Hành chính tư pháp gồm: 1) Thực hiện tiếp công dân định kỳ và tham mưu cho lãnh đạo trong công tác tiếp công dân định kỳ; 2) Xử lý và giải quyết các loại đơn khởi kiện và công văn hành chính tư pháp trong các lĩnh vực án Dân sự, Hình sự, Hành chính, Kinh tế, Lao động, Hôn nhân gia đình; 3) Nhận và thụ lý hồ sơ các loại vụ việc Dân sự, Kinh tế, Lao động, Hành chính, Hình sự, Hôn nhân gia đình; 4) Đề xuất tham mưu cho lãnh đạo TAND cấp tỉnh trong việc phân công các Thẩm phán giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền và lên lịch xét xử các loại vụ án.

Đến khi Quyết định số 345/QĐ-CA ban hành, thì Tổ Hành chính tư pháp sát nhập vào Văn phòng và thực hiện nhiệm vụ quyền hạn như trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân cấp tỉnh thực tiễn tại tòa án nhân dân tỉnh đắk lắk (Trang 47 - 53)