Giải pháp chung về hoàn thiện tổ chức và bảo đảm hoạt động của Tòa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân cấp tỉnh thực tiễn tại tòa án nhân dân tỉnh đắk lắk (Trang 85 - 95)

7. Kết cấu của Luận văn

3.2.1.Giải pháp chung về hoàn thiện tổ chức và bảo đảm hoạt động của Tòa

của Tòa án nhân dân cấp tỉnh

a) Giải pháp chung về hoàn thiện tổ chức Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Các giải pháp chung về hoàn thiện tổ chức TAND cấp tỉnh là:

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu [9] vì vai trò của người đứng đầu rất quan trọng trong việc chỉ đạo, lãnh đạo đơn vị. Do đó người đứng đầu phải nâng cao năng lực, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương. Mặt khác, cần phân định rõ thẩm quyền giữa Chánh án và Thẩm phán ở giai đoạn trước khi mở phiên tòa: Thẩm phán được tiến hành hầu hết các biện pháp có tính chất phát hiện hoặc làm sáng tỏ sự thật vụ án; Chánh án có các thẩm quyền liên quan đến tính chất quyết định việc “đóng mở” tố tụng và các thẩm quyền liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Việc thành lập các tòa chuyên trách nhằm đảm bảo tính chuyên môn hóa cao trong công tác xét xử, do đó cần tổ chức lại các tòa chuyên trách tại các TAND cấp tỉnh: Hiện nay, tại các TAND cấp tỉnh đều có các Tòa chuyên trách là Tòa Dân sư, Tòa Hình sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Tuy nhiên, việc phân bổ các tòa chuyên trách, tỉnh nào cũng giống tỉnh nào là chưa phù hợp vì có những đơn vị mỗi năm chỉ thụ lý từ 04 đến 05 vụ án kinh tế/năm hoặc 09 đến 10 vụ án lao động/năm nhưng vẫn có những tòa chuyên trách này. Trong khi có những địa phương có loại án và số lượng lớn vụ việc giải quyết nhưng không có tòa chuyên trách, ví dụ án hôn nhân gia đình. Vì vậy, cần tổ chức các tòa chuyên trách cấp tỉnh dựa trên số lượng án giải quyết (tổng số và từng lĩnh vực) và biên chế Thẩm phán từng đơn vị sẽ giải quyết được những bất cập tồn tại nêu trên.

Cần mở rộng thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho TAND tỉnh: Luật tổ chức TAND năm 2014 [21] quy định TAND cấp tỉnh không có thẩm quyền tái thẩm, giám đốc thẩm bản án, quyết định có hiệu lực của TAND cấp huyện mà thẩm quyền đó giao cho TAND cấp cao. Quy định này làm giảm

đầu mối Tòa án giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm tăng cường tính thống nhất và nâng cao chất lượng giám đốc thẩm, tái thẩm theo định hướng cải cách tư pháp. Tuy nhiên, TAND tỉnh trực tiếp thực hiện kiểm tra nghiệp vụ của TAND cấp huyện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ của TAND cấp huyện, mặt khác TAND tỉnh có Ủy ban Thẩm phán, khi phát hiện có căn cứ cần phải kháng nghị thì TAND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền kiến nghị dẫn đến không bảo đảm kịp thời. Việc bỏ chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp tỉnh đã tạo thêm khối lượng công việc cho TAND cấp cao. Hiện nay, giải pháp biệt phái cán bộ TAND cấp tỉnh lên TAND cấp cao phối hợp nghiên cứu, giải khuyết đơn kiến nghị giám đốc thẩm còn tồn đọng chưa phải là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này. Vì vậy, cần đề nghị thay đổi theo hướng giao thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm một số loại vụ việc, quyết định của TAND cấp huyện có hiệu lực cho TAND cấp tỉnh để giảm bớt tình trạng tồn đọng và giải quyết nhanh chóng đơn kiến nghị giám đốc thẩm tại TAND cấp cao. Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia tố tụng và giảm tải cho TAND cấp cao.

Nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên [33], [35], [44], [50] [51] như: TAND cấp tỉnh phải thường xuyên rà soát đội ngũ cán bộ, công chức phân loại để kịp thời đào tạo, đào tạo lại theo kế hoạch hàng năm hoặc tự tổ chức đào tạo tại cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác đào tạo lại qua hoạt động thực tiễn như tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, các buổi tập huấn, hội thảo, tọa đàm về những vẫn đề còn vướng mắc có nhiều cách hiểu khác nhau hoặc thường sai sót trong áp dụng pháp luật. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán lý, giám sát đội ngũ cán bộ, Thẩm phán và công chức Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ đó là mỗi Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên phải là tấm gương trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, là biểu tượng công lý. Nếu Thẩm phán do

nhận thức, năng lực yếu ra bản án, quyết định oan sai thì cần đào tạo, bồi dưỡng lại, Thẩm phán phải tự kiểm điểm, nhìn ra sai lầm để khắc phục, nâng cao trình độ. Nếu Thẩm phán cố ý ra bản án, quyết định trái pháp luật, không có căn cứ không đem lại công bằng công lý thì phải xử lý nghiêm minh.

Bảo đảm chế độ, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức nhất là Thẩm phán theo chế độ đặc thù của Tòa án. Bởi chế độ, chính sách, tiền lương là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo tính độc lập của đội ngũ cán bộ, công chức và Thẩm phán trong khi thực thi công vụ. Nếu chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ phù hợp thì sẽ bảo đảm cho cán bộ, công chức, Thẩm phán không lo mưu sinh vì họ và gia đình có thể sống đủ bằng chính đồng lương của mình từ đó sẽ không bị chi phối bởi giá trị vật chất từ các cá nhân, tổ chức liên quan đảm bảo được sự độc lập trong xét xử. Chế độ tiền lương hiện nay của Thẩm phán còn nhiều bất cập, chưa tính toán đầy đủ tới đặc thù hoạt động, phức tạp của Tòa án. Có thể thấy khối lượng công việc trong tình trạng quá tải, môi trường công tác của Thẩm phán phải chịu trách nhiệm rất cao trước hành vi tố tụng của mình. Ngoài ra, pháp luật quy định cán bộ, công chức trong ngành Tòa án không được tham gia kinh doanh, làm thêm trong lĩnh vực pháp luật nên đời sống cán bộ, công chức gặp nhiều khó khăn. Tình trạng cán bộ, Thẩm phán xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác ngày càng gia tăng. Nếu không có chính sách phù hợp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút cán bộ có năng lực vào làm việc trong cơ quan Tòa án nói chung và TAND cấp tỉnh nói riêng. Do đó, Nhà nước cần sớm có bảng lương mới đối với các chức danh tư pháp Tòa án, xây dựng bảng lương theo hướng các chức danh Thẩm phán các cấp cao hơn các ngạch công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp với khoảng cách hệ số chênh lệch phù hợp dựa trên đặc thù hoạt động của Tòa án. Giải quyết vấn đề tiền lương cho cán bộ, công chức, Thẩm phán Tòa án là một trong những giải pháp mang tính tiên quyết, quyết định sự thành công của các giải pháp khác nhằm nâng cao năng lực cán bộ, công chức và Thẩm phán trong TAND cấp

tỉnh. Ngoài ra, cần có các chính sách bản đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng, danh dự cho Thẩm phán và các thành viên trong gia đình của họ vì những năm gần đây càng gia tăng tình trạng Thẩm phán bị đe dọa tính mạng, bị tạt axit, bị gây thương tích. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Tòa án. Do đó, cần có các chính sách đãi ngộ, chế độ tiền lương và các cơ chế bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự cho Thẩm phán thì những con người làm công tác xét xử mới an tâm công tác.

Đổi mới công tác đánh giá phân loại cán bộ, công chức, Thẩm phán vì hiện nay vẫn dùng phương pháp truyền thống là bình bầu [53]. Cách đánh giá này rất dễ bị chi phối bởi sự nể nang, tình cảm cá nhân, thiếu khách quan công bằng gây hậu quả xấu cho công tác lựa chọn, bố trí, sắp xếp Thẩm phán. Dó đó, công tác kiểm tra đánh giá cần dựa trên những nguyên tắc, chuẩn mực nhất định, đồng thời cần căn cứ vào các tiêu chuẩn Thẩm phán đối chiếu với kết quả kiểm tra, tự kiểm điểm của Thẩm phán với ý kiến tập thể, dư luận, quần chúng, bảo đảm thực sự công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác đánh giá. Đánh giá phải lấy hiệu quả công việc và thực tế đóng góp làm thước đo năng lực của từng cán bộ, công chức, Thẩm phán. Để bảo đảm khách quan công bằng trong đánh giá cần tuân thủ nguyên tắc tập trung, dân chủ. Người được đánh giá được trình bày ý kiến của mình và kết luận đánh giá cần phải kết hợp hài hòa giữa ý kiến đánh giá của tập thể, người quản lý trực tiếp và tự đánh giá của chính bản thân người đánh giá. Qua đánh giá mới xác định được phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao cho từng Thẩm phán. Vì vậy, cần phải xây dựng các tiêu chuẩn công thức, nhiệm vụ, mối tương quan của từng ngạch công chức được đánh giá, đặc biệt là ngạch Thẩm phán.

Xây dựng kế hoạch tập hợp, thu hút và đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, những người có khả năng dự báo và tham mưu xử lý tốt những vẫn đề phức tạp nảy sinh qua thực tiễn xét xử. Chú trọng, quan tâm công tác quy hoạch nhằm khắc phục những hụt hẫng về đội ngũ cán bộ kế cận, xây dựng

quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên mộn, đội ngũ chuyên gia. Đặc biệt, phải gắn nội dung này với công tác đào tạo, luân chuyển, bố trí, điều động, sử dụng cán bộ. Xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc luân chuyển, điều động tạo thử thách thực tế cho đội ngũ cán bộ thuộc diện quy hoạch chức vụ lãnh đạo quản lý.

Phải kiện toàn đội ngũ, bộ máy làm công tác tổ chức cán bộ TAND cấp tỉnh. Vì đây là lĩnh vực rất khó và nhảy cảm là khoa học về tổ chức, nhân sự. Do đó, đòi hỏi đội ngũ làm công tác này phải được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ; có khả năng nắm bắt tổng thể những vấn đề của ngành; có tầm nhìn trong xây dựng đội ngũ cán bộ; công tâm; khách quan; tác phong, phương pháp làm việc cụ thể sâu sát, trên cơ sở đó tham mưu cho lãnh đạo bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc, xây dựng bộ máy khoa học, hiệu quả. Trong thời gian tới, đề nghị cần có các chiến lược, giải pháp về việc phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ.

Cần xem xét việc kéo dài nhiệm kỳ Thẩm phán so với hiện nay tiến tới việc bổ nhiệm Thẩm phán suốt đời, để các Thẩm phán độc lập và an tâm trong công tác xét xử. Bởi vì quy định nhiệm kỳ Thẩm phán quá ngắn (Nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì bổ nhiệm 10 năm).

Nâng cao năng lực của Hội thẩm nhân dân. Có nhiều ý kiến về việc bỏ chế độ Hội thẩm hoặc thay chế độ HTND bằng hình thức khác mà vẫn bảo đảm tính nhân dân trong xét xử. Tuy nhiên, với đặc điểm chính trị, xã hội của Việt Nam, cần tiếp tục duy trì chế độ HTND tham gia xét xử nhưng với thành phần ở cấp sơ thẩm không phải đa số như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng việc HĐXX sơ thẩm gồm 02 Thẩm phán và 01 HTND (hoặc 3 Thẩm phán, 2 HTND) sẽ vừa bảo đảm tính chuyên nghiệp, vừa bảo đảm có đại diện của nhân dân tham gia xét xử, thể hiện và đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân; vẫn có thể sử dụng được kinh nghiệm xã hội và khả năng phán quyết các vấn đề của những người xét xử

"không chuyên nghiệp", những người đại diện cho mức hiểu biết pháp luật ở

mức "phổ thông" của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, cải cách tư pháp sẽ

không đi theo hướng "chuyên môn hoá", "Thẩm phán hoá" HTND mà trái lại,

tiếp tục duy trì và củng cố chế định này theo hướng lựa chọn những người có đủ khả năng, kiến thức và kinh nghiệm xã hội cần thiết để tham gia xét xử. HTND cần được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ ở mức độ cơ bản nhất để có thể tham gia có hiệu quả vào hoạt động xét xử.

Trên đây là những giải pháp chung để hoàn thiện bộ máy tổ chức TAND cấp tỉnh ngày một tinh gọn, có hiệu quả hơn.

b) Giải pháp chung về hoàn thiện hoạt động Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Nhiệm vụ chính của hoạt động TAND cấp tỉnh là hoạt động xét xử, do đó các giải pháp hoàn thiện hoạt động của Tòa án nhân dân cấp tỉnh là nhằm nâng cao chất lượng của công tác xét xử đây là nhiệm vụ trọng tâm của việc cải cách tư pháp. Các giải pháp cụ thể như sau:

Đảm bảo nguyên tắc Tòa án độc lập và có hiệu lực trên thực tế đó là: Thẩm phán với lãnh đạo cơ quan Tòa án phải bảo đảm sự độc lập; độc lập của Tòa án cấp dưới với Tòa án cấp trên; độc lập của Tòa án với Viện kiểm sát và cơ quan điều tra; độc lập giữa Thẩm phán và HTND vv… [3]. Điều này đặt ra yêu cầu: Thẩm phán phải đủ năng lực và điều kiện làm việc; Thẩm phán có lợi ích liên quan tới vụ án thì không được xét xử; Thẩm phán phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình.

Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp [5], [15]: Hiện nay TAND tối cao chưa xây dựng quy trình xử lý công việc của bộ phận Hành chính tư pháp. Do đó cần sớn ban hành quy trình xử lý công việc của bộ phận Hành chính tư pháp bảo đảm đơn giản hóa các bước, thủ tục để đưa hồ sơ vụ việc tới đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng, khách quan đảm bảo được sự tách biệt giữa hoạt động quản lý hành chính và hoạt động nghiệp vụ của Tòa án. Thực hiện việc phân công án cho Thẩm phán đảm bảo ngẫu nhiên và

khách quan khắc phục tình trạng có Thẩm phán giải quyết toàn án khó, phức tạp, có Thẩm phán giải quyết toàn án dễ.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Tòa án [5], [52]: Cần tạo ra các phần mềm hỗ trợ cho hoạt động của Tòa án, như phần mềm phân loại án ngẫu nhiên, thụ lý đơn qua mạng, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án bằng phương tiện điện tử. Xây dựng các phòng xét xử điện tử, thực hiện việc tự động ghi âm, ghi hình, chụp chiếu các tài liệu, chứng cứ trực tiếp tại phiên tòa tiến tới tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến. Số hóa và thực hiện việc quản lý, lưu trữ, khai thác, tiếp cận các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án; trong quá trình thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ án và thực hiện việc chuyển các hồ sơ, tài liệu chủ yếu được thực hiện bằng bản điện tử giữa các Tòa án với nhau. Ứng dụng triệt để các phần mềm quản lý các loại vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính. Đây là những công cụ hỗ trỡ đắc lực trong việc thực hiện cải cách hành chính tư pháp giúp cho lãnh đạo quản lý, theo dõi, điều hành các hoạt động giải quyết xét xử của từng Thẩm phán nhằm đưa ra các chỉ đạo kịp thời đảm bảo đúng tố tụng và báo cáo, thống kê kịp thời, đầy đủ.

Công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao [50]. Việc công khai bản án là một kênh để người dân giám sát hoạt động của Tòa án cấp tỉnh, qua đó đề cao trách nhiệm của Thẩm phán nói riêng và của Tòa án nói chung. Bản án là sản phẩm thể hiện kết quả của suốt quá trình tố tụng, phản ánh sự tuân thủ pháp luật, trách nhiệm và trình độ thẩm phán.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân cấp tỉnh thực tiễn tại tòa án nhân dân tỉnh đắk lắk (Trang 85 - 95)