Quy trình thực hiện chính sách thuhút FDI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh vĩnh phúc (Trang 34 - 40)

1.2. Thực hiện chính sách thuhút FDI

1.2.4. Quy trình thực hiện chính sách thuhút FDI

Chính sách thu hút FDI là một trong những chính sách công của Nhà nước. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện chính sách thu hút FDI cũng cần phải tuân thủ theo các bước tổ chức thực thi chính sách công nói chung. Các bước tổ chức thực hiện chính sách thu hút FDI bao gồm các bước sau:

Bước 1: Ban hành văn bản,xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện

Đây là bước cần thiết quan trọng vì tổ chức thực thi chính sách thu hút FDI diễn ra trong thời gian dài do đó phải có kế hoạch. Kế hoạch triển khai thực hiện phải được xây dựng trước khi chính sách được áp dụng. Các cơ quan triển khai thực hiện chính sách thu hút FDI từ trung ương đến địa phương đều phải xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện. Kế hoạch triển khai thực thi chính sách thu hút FDI bao gồm những nội dung cơ bản sau: Kế hoạch về tổ chức, điều hành như hệ thống các cơ quan tham gia, đội ngũ nhân sự, cơ chế thực thi; kế hoạch cung cấp nguồn vật lực như tài chính, trang thiết bị; kế hoạch thời gian triển khai thực hiện; kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thực thi chính sách; dự kiến về quy chế, nội quy về tổ chức và điều hành thực thi chính sách.

Đối với các chính sách về đảm bảo đầu tư, chính sách tài chính, chính sách tiền tệ thì ở cấp Trung ương Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan liên quan và địa phương thực hiện chính sách bằng cách xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản dưới luật. Đồng thời, Bộ Tài chính căn cứ vào quy mô đầu tư để cân đối các nguồn lực tài chính, trang thiết bị để thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chính sách này. Ở cấp địa phương, Sở Tài chính là cơ quan chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ, đảm bảo đầu tư ở địa phương. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch của Trung ương, dự toán kinh phí của các cơ quan liên quan, Sở Tài chính cân đối nguồn lực tài chính cho việc thực hiện chính sách báo cáo UBND tỉnh quyết định. Bên cạnh đó, hàng năm Sở Tài chính cũng chủ trì xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính đối với các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Đối với các chính sách khác, việc xây dựng kế hoạch thực hiện cũng tương tự như chính sách tài chính. Ví dụ: chính sách về cơ cấu đầu tư thì ở cấp trung ương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở cấp địa phương thì do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai; Chính sách đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì; Chính sách lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì…,

Có thể nói, bước xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong quy trình thực hiện. Nếu việc xây dựng kế hoạch không cụ thể, không rõ ràng thì quá trình thực hiện sẽ khó khăn.

Bước2: Phổ biến, tuyên truyền chính sách

Đây là công đoạn tiếp theo sau khi chính sách đã được thông qua. Nó giúp cho nhân dân, các cấp chính quyền hiểu được về chính sách và giúp cho

chính sách được triển khai thuận lợi và có hiệu quả.Phổ biến, tuyên truyền chính sách tốt giúp cho các đối tượng chính sách và mọi người dân tham gia thực thi hiểu rõ về mục đích, yêu cầu của chính sách; về tính đúng đắn của chính sách trong điều kiện hoàn cảnh nhất định; và về tính khả thi của chính sách...để họ tự giác thực hiện theo yêu cầu của quản lý của nhà nước. Đồng thời còn giúp cho mỗi cán bộ, công chức có trách nhiệm tổ chức thực thi nhận thức được đầy đủ tính chất, trình độ, quy mô của chính sách với đời sống xã hội để chủ động tích cực tìm kiếm các giải pháp thích hợp cho việc thực hiện mục tiêu chính sách và triển khai thực thi có hiệu quả kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách được giao. Việc tuyên truyền này cần phải được thực hiện thường xuyên liên tục, ngay cả khi chính sách đang được thực thi và với mọi đối tượng.

Phổ biến, tuyên truyền chính sách thu hút FDI có thể thông qua nhiều hình thức như Sở Tư pháp tổ chức hội nghị phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh về các văn bản của cấp trên, của tỉnh; Ban Quản lý các KCN, Ban xúc tiến hỗ trợ đầu tư có trách nhiệm phổ biến đến các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các cuộc XTĐT, tiếp xúc doanh nghiệp về những nội dung của chính sách, những ưu đãi mà nhà đầu tư được nhận khi đầu tư tại địa phương. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền phổ biến chính sách qua hệ thống phát thanh truyền hình từ tỉnh đến xã sẽ giúp người dân nhanh chóng nắm được nội dung chính sách, hiểu được những quyền lợi mà người dân được hưởng khi thực hiện chính sách.

Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách nếu được thực hiện thường xuyên, liên tục sẽ giúp cho nhà đầu tư, cán bộ công chức, viên chức và người dân hiểu được vai trò của chính sách từ đó ủng hộ việc thực hiện chính sách.

Bước 3: Phân công phối hợp thực hiện chính sách

Chính sách thu hút FDI được thực thi trên phạm vi rộng, tối thiểu cũng là một địa phương – vì thế số lượng cá nhân và tổ chức tham gia thực thi chính

sách là rất lớn. Số lượng tham gia bao gồm các đối tượng tác động của chính sách, nhân dân thực hiện và bộ máy tổ chức thực thi của nhà nước. Bởi vậy, muốn tổ chức thực thi chính sách thu hút FDI có hiệu quả cần phải tiến hành phân công cơ quan chủ trì, phối hợp giữa các cơ quan quản lý ngành, các cấp chính quyền địa phương, các yếu tố tham gia thực thi chính sách và các quá trình ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu chính sách. Hoạt động phân công, phối hợp diễn ra theo tiến trình thực hiện một cách chủ động, sáng tạo để luôn duy trình chính sách được ổn định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chính sách.

Đối với các chính sách về tài chính, tiền tệ, ở cấp Trung ương Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan thực hiện. Bộ Tài chính có trách nhiệm tham mưu với Chính phủ các biện pháp, cách thức, cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách; tham mưu cho chính phủ các mức ưu đãi, thời gian miễn thuế, đối tượng chịu thuế... Ở cấp địa phương, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan thực hiện.

Đối với các chính sách về tài nguyên, đất đai thì Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu với Chính phủ về việc thực hiện các nội dung của chính sách đất đai như thời khu vực được phép thuê, thời hạn thuê, vấn đề góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất...Ở địa phương, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu việc thực hiện chính sách đất đai.

Bước 4: Tổ chức thực hiện các nội dung chính sách

Tổ chức thực hiện các nội dung chính sách là bước rất quan trọng trong quá trình thực thi chính sách công nói chung và thực thi chính sách thu hút FDI nói riêng. Nếu việc thực hiện chính sách chỉ dừng ở việc lập kế hoạch, phổ biến, tuyên truyền hay chỉ phân công mà không tổ chức thực hiện thì

chính sách không thể đi vào cuộc sống. Do đó tổ chức thực hiện các nội dung chính sách đòi hỏi mỗi cơ quan, mỗi cán bộ CCVC cần đề cao vai trò trách nhiệm thì chính sách mới được thực hiện có hiệu quả.

Đối với chính sách liên quan đến mảng nào thì cơ quan đó chủ động, chủ trì triển khai tổ chức thực hiện. Cụ thể, với các chính sách tài chính, tiền tệ thì Bộ Tài chính phải chủ động giao nhiệm vụ cho các Cục, Vụ, từng cán bộ, công chức của Bộ trực tiếp phụ trách để lên kế hoạch, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện. Với các chính sách về đầu tư thì Bộ Kế hoạch và đầu tư phải phân công cho cán bộ, công chức ở Bộ mình theo dõi, quản lý hay chính sách về đất đai, tài nguyên thì trách nhiệm triển khai là ở Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Ở cấp địa phương với mỗi chính sách có liên quan tới các ngành thì Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên phải chủ động tham mưu cho UBND tỉnh để giao nhiệm vụ cho các ngành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức tổ chức thực hiện chính sách.

Như vậy, việc tổ chức thực hiện các nội dung của chính sách công nói chung và chính sách thu hút FDI chủ yếu liên quan đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ công chức của cơ quan đó. Nếu năng lực thực hiện chính sách tốt, thì chính sách sẽ được triển khai thuận lợi, hiệu quả và ngược lại.

Bước 5: Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách

Đôn đốc thực hiện chính sách thu hút FDI là hoạt động nhằm làm cho các chủ thể thực thi nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện các biện pháp theo định hướng chính sách. Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, không phải bộ phận nào cũng làm tốt, làm nhanh như nhau, vì thế cần đôn đốc để vừa thúc đẩy các chủ thể nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành nhiệm vụ, vừa phòng, chống những hành vi vi phạm quy định trong thực hiện chính sách.

Nếu cơ quan hay cán bộ công chức không quan tâm, làm tốt công tác này thì chính sách không thực hiện theo đúng kế hoạch đã đặt ra.

Bước 6: Đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm

Việc tổ chức thực hiện chính sách thu hút FDI được tiến hành liên tục trong thời gian duy trì chính sách. Trong quá trình thực hiện, có thể đánh giá từng phần hay toàn bộ kết quả thực hiện chính sách. Đánh giá là quá trình xem xét việc chỉ đạo, điều hành và chấp hành chính sách của các đối tượng thực thi chính sách. Việc đánh giá được tiến hành thường xuyên nhằm tổng kết rút kinh nghiệm và là căn cứ để điều chỉnh chính sách thu hút FDI cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đối tượng được xem xét, đánh giá tổng kết về chỉ đạo điều hành thực thi chính sách là các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.Đối với cấp Trung ương, Chính phủ tổ chức đánh giá việc thực hiện chính sách thu hút FDI của các Bộ, ngành liên quan đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành việc thực hiện chính sách. Đối với cấp địa phương, UBND tỉnh đánh giá việc thực hiện chính sách này đối với các cơ quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Quản lý các KCN, Ban xúc tiến hỗ trợ đầu tư...Ngoài ra, còn xem xét cả vai trò, chức năng của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và xã hội trong việc tham gia thực thi chính sách thu hút FDI. Cơ sở để đánh giá, tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành thực thi chính sách thu hút FDI của các cơ quan nói trên là kế hoạch được giao và những nội quy, quy chế được xây dựng ở bước 1 của phần này. Đồng thời còn kết hợp sử dụng các văn bản liên tịch giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức xã hội và các văn bản quy phạm khác để xem xét tình hình phối hợp chỉ đạo, điều hành thực thi chính sách công của các tổ chức chính trị và xã hội với Nhà nước.

Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá kết quả chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, còn xem xét, đánh giá việc thực thi của các đối tượng tham gia thực hiện chính sách thu hút FDI bao gồm các đối tượng thụ hưởng lợi ích trực tiếp và gián tiếp từ chính sách, nghĩa là tất cả các thành viên xã hội với tư cách là công dân. Thước đo đánh giá kết quả thực thi của các đối tượng này là tinh thần hưởng ứng với mục tiêu chính sách và ý thức chấp hành những quy định về cơ chế, biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để thực hiện mục tiêu chính sách trong từng điều kiện về không gian và thời gian.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh vĩnh phúc (Trang 34 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)