Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội ở tỉnh VĩnhPhúc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh vĩnh phúc (Trang 46 - 52)

2.1.1. Điều kiện tự nhiên và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc từ khi tái lập tỉnh đến nay.

2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên

Vĩnh Phúc được tái lập ngày 01-01-1997, là tỉnh thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, cửa ngõ Tây Bắc của thủ đô Hà Nội và là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với tổng diện tích tự nhiên 1.235,13 km2, dân số 1.054.492 người. Về hành chính Vĩnh Phúc có 9 huyện, thành,thị, 137 xã, phường, thị trấn.

Về vị trí địa lý, Vĩnh Phúc tiếp giáp với 4 tỉnh: phía Bắc giáp Thái Nguyên và Tuyên Quang, phía Tây giáp Phú Thọ và phía Đông, Nam giáp Hà Nội.Vĩnh Phúc nằm trên Quốc lộ số 2, đường sắt Hà Nội – Lào Cai và đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc), là cầu nối giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội; liền kề cảng hàng không quốc tế Nội Bài, qua đường quốc lộ số 5 thông với cảng Hải Phòng và đường 18 thông với cảng nước sâu Cái Lân. Vĩnh Phúc là tỉnh có địa hình đa dạng thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam với ba vùng sinh thái rõ rệt là đồng bằng (chiếm 36,56% diện tích tự nhiên), trung du (19,45%), miền núi (43,98%). Những lợi thế về vị trí địa lý kinh tế đã đưa tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một bộ phận cấu thành của vành đai phát triển công nghiệp các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Về khí hậu, Vĩnh Phúc nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm với 4 mùa rõ rệt, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1500-1700ml, nhiệt độ trung bình 23,2oC, độ ẩm trung bình 84-85%.

Về thủy văn, Vĩnh Phúc có hệ thống sông suối, hồ ao khá phong phú. Tài nguyên nước được cung cấp chủ yếu bởi hai sông chính là sông Hồng và sông Lô cùng các sông nhỏ như sông Phó Đáy, sông Phan - Cà Lồ và các hồ dự trữ lớn như hồ Đại Lải, hồ Xạ Hương, hồ Vân Trục, hồ Liễn Sơn, hồ Đầm Vạc. Ngoài ra Vĩnh Phúc còn có nguồn nước ngầm tuy không lớn nhưng cũng đủ cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất hiện tại. Tuy nhiên, nguồn nước của Vĩnh Phúc phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở đồng bằng, do vậy gây khôngít khó khăn cho phát triển công nghiệp ở các vùng trung du và miền núi.

Tài nguyên đất Vĩnh Phúc bao gồm đất nông nghiệp 86.382,26 ha (chiếm 69,86% tổng diện tích tự nhiên), trong đó đất sản xuất nông nghiệp 50.140,5ha (40,55%); đất phi nông nghiệp 35.108,59 ha (28,39%); đất chưa sử dụng 2.159,2 ha (1,75%) [33].

Tài nguyên rừng của Vĩnh Phúc có diện tích là 28.312,7 ha, độ che phủ rừng đạt 22,4%. Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh là 9.358,8 ha, chiếm 32,81%[28].

Tài nguyên khoáng sản của Vĩnh Phúc nhìn chung nghèo nàn, chủ yếu có thể phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng như sét làm gạch ngói có 10 mỏ với trữ lượng 51,8 triệu m3; cao lanh có 3 mỏ với trữ lượng khoảng 4 triệu tấn, ngoài ra là các m ỏ Fenspat, Puzolan, cát cuội sỏi xây dựng, đá xây dựng và đá ốp lát.

Về tài nguyên du lịch, Vĩnh Phúc có nhiều cảnh quan thiên nhiên và danh thắng kỳ thú như Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải, di tích lịch sử Hai Bà Trưng...

2.1.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội

Kể từ khi tái lập tỉnh, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý có hiệu quả của chính quyền và nỗ lực to lớn của mọi lớp nhân dân, Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế -xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của công nghiệp trong hiện tại cũng như tương lai.

Sau 20 năm tái lập tỉnh, kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao; đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 20% đã góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Bình quân giai đoạn 1997-2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 15,37%/năm, trong đó: ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,67%/năm; ngành công nghiệp – xây dựng tăng 23,89%/năm và ngành dịch vụ tăng 10,39%/năm.

Quy mô giá trị tăng thêm theo giá hiện hành tăng 39,5 lần từ 1,96 nghìn tỷ đồng năm 1997 lên 77,2 nghìn tỷ đồng năm 2016. Giá trị GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) liên tục tăng, năm 1997 mới chỉ đạt 2,18 triệu đồng/người (tương đương khoảng 180 USD/người), đến năm 2007 đã cao hơn so mức bình quân của vùng đồng bằng sông Hồng và mức bình quân cả nước, đến năm 2016 đạt 72,3 triệu đồng/người/năm (tương đương khoảng 3.200 USD).

Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng 43,5 điểm (%) từ 18,4% năm 1997 lên 61,97% vào năm 2016; khu vực dịch vụ có xu hướng giảm từ 36,5% xuống còn 27,78% và tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm liên tục rất nhanh từ 45,1% năm 1997 xuống còn 10,25% năm 2016.

Cơ cấu theo thành phần kinh tế: với chủ trương tập trung thu hút phát triển công nghiệp và đầu tư nước ngoài làm động lực cho phát triển, 20 năm qua cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự tăng nhanh tỷ trọng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời với chủ trương chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được triển khai mạnh mẽ nên tỷ trọng khu vực nhà nước giảm; khu vực ngoài nhà nước được quan tâm và hoạt động ngày càng hiệu quả, tuy nhiên do quy mô nhỏ và khu vực đầu tư nước ngoài tăng nhanh nên tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế giảm; cụ thể khu vực đầu tư nước ngoài tăng từ 8,5% lên 45%, khu vực ngoài nhà nước giảm từ 70,4% xuống 41,5% và khu vực nhà nước giảm từ 21,1% xuống 13,5%.

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, năm 1997 toàn tỉnh xuất khẩu đạt 13,7 triệu USD, đến năm 2016 đạt 1,76 tỷ USD đưa nhịp độ tăng bình quân giai đoạn 1997-2016 đạt 34,9%/năm. Ngoài các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như may mặc, giày da, chè, linh kiện ô tô, xe máy... tỉnh đã có một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao như linh kiện máy tính, đệm ghế ô tô. Kim ngạch nhập khẩu tăng từ 5,8 triệu USD lên 2,55 tỷ USD (bình quân tăng

31,2%/năm) đáp ứng nhu cầu về nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ tạo tài sản cố định cho doanh nghiệp.

Thu chi ngân sách của tỉnh chuyển biến theo chiều hướng rất tích cực, thu luôn vượt chi. từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương đến nay Vĩnh Phúc là một trong số các tỉnh có số thu lớn nhất cả nước và có đóng góp cho ngân sách Trung ương, cụ thể: Năm 1997 kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 114 tỷ đồng, đến năm 2002 vượt mốc 1 nghìn tỷ đồng, đặc biệt từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết cho ngân sách Trung ương; năm 2009 thu ngân sách vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng; đến năm 2014 đạt “mốc son” mới vượt 20 nghìn tỷ đồng; ước thực hiện năm 2016 đạt 28,5 nghìn tỷ đồng (tăng gần 251 lần so với năm 1997).

Kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật đã có sự phát triển vượt bậc. Các tuyến đường vành đai, hướng tâm, đường qua các khu công nghiệp, tuyến đường quan trọng qua các địa phương được cải tạo, nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới; toàn bộ hệ thống đường đô thị đã được cứng hóa; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, một số đường giao thông nội đồng được kiên cố hóa. Cụ thể: năm 1997 toàn tỉnh có 4 tuyến quốc lộ dài 109km, trong đó 99km mặt đường đá dăm nhựa bị hư hỏng nặng và 10km đường đất cấp phối, đến nay 100% các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh đều được cứng hóa, ngoài ra tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua tỉnh có chiều dài 41km với 2 điểm lên xuống đã và đang là điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng Sông Hồng. Các tuyến đường tỉnh khi mới tái lập chất lượng rất kém, các tuyến huyện lộ đều là đường cấp phối xuống cấp nghiêm trọng, đến nay đã có 24 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 353km với tỷ lệ cứng hóa đạt 100% và các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp thành đường đôi với tổng chiều dài là 181km. Hệ thống đường giao thông nông thôn được phát

triển mạnh, năm 1997 tỷ lệ cứng hoá mặt đường mới đạt 2,6% đến nay đã có 4,2 nghìn km đường giao thông nông thôn và hơn 2,1 nghìn km đường giao thông nội đồng được cứng hóa với tỷ lệ là 90,1% và 55%. Ngoài ra, hệ thống giao thông tĩnh như các bến xe, điểm đỗ xe buýt được cải tạo, nâng cấp đáp ứng yêu cầu phát triển.

Về cung cấp điện, Vĩnh Phúc là tỉnh có lưới điện phát triển trong hệ thống điện miền Bắc, 100% xã, phường đã có lưới điện quốc gia. Các trạm biến áp từ 110KV trở xuống cùng hệ thống đường dây dẫn điện đã và đang phục vụ tốt cho sản xuất và sinh hoạt.

- Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển. Các công trình hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa. Một số công trình văn hóa, phúc lợi được tập trung đầu tư xây dựng trong thời gian ngắn đã góp phần thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư.

Hệ thống cung cấp nước sạch đã có bước phát triển song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và cho sản xuất công nghiệp.

Về nguồn lao động, Tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế tỉnh năm 2015 ước đạt 620,1 nghìn người, chiếm 60% tổng dân số toàn tỉnh, tăng 23,4 nghìn người so với năm 2011; nhóm ngành CN-XD có 189,3 nghìn lao động, tăng 45,8 nghìn lao động (tương đương tăng 31,9%) so với năm 2011, chiếm 30,5 % cơ cấu lao động chung; nhóm ngành dịch vụ có 175,3 nghìn lao động, tăng 44,5 nghìn lao động (tương đương tăng 34,1%) so với năm 2011, chiếm 28,3 % cơ cấu lao động; nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp có 255,52 nghìn lao động, giảm 67 nghìn lao động (tương đương giảm 20,8%) so với năm 2011, chiếm 41,2 % cơ cấu lao động.

Với hệ thống các trường chuyên nghiệp, trường và trung tâm dạy nghề, mỗi năm Vĩnh Phúc có khoảng 69.440 người lao động được đào tạo với các

trình độ khác nhau, trong đó đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp đạt mức 37.515 người. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng dần từng bước, trình độ học vấn và chuyên môn kĩ thuật của người lao động được nâng lên, ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động, nề nếp sản xuất ngày càng được cải thiện theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; hầu hết người lao động có trình độ văn hóa từ trung học trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng năm 2015 ước đạt 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 49%, lần lượt tăng 12,7% và tăng 8,9% so với năm 2011.. Số lượng lao động qua đào tạo tăng không ngừng, cùng với sự bổ sung nguồn lao động trẻ đã và đang là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc nói chung và đối với phát triển công nghiệp nói riêng [33].

2.1.2. Ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đến việc thực thi chính sách thu hút FDI ở tỉnh Vĩnh Phúc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh vĩnh phúc (Trang 46 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)