Với các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững cho giai đoạn 2018-2020 mà Ban lãnh đạo Ngân hàng ACB hướng tới, trong phạm vi nghiên cứu của Luận văn, tác giả xin đưa ra các ý kiến khái quát để đóng góp cho việc hoàn thiện định hướng trên để nâng cao chất lượng Hệ thống KSNB nói chung và KSNB nghiệp vụ huy đóng
vốn nói riêng tại Ngân hàng TMCP Á Châu:
1. HĐQT và Ban điều hành cần xây dựng và thiết lập văn hóa kiểm soát cẩn trọng trong hoạt động ngân hàng: tách biệt kiểm soát nội bộ với hoạt động kinh doanh trực tiếp. Ban điều hành cần thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình liên quan đến công tác nhân sự, có những hình thức kỷ luật, xử phạt công bằng, đảm bảo thực
hiện nghiêm túc đối với những cán bộ, nhân viên cố tình vi phạm nội quy lao động hoặc nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn không thực hiện nghiêm túc
2. Nâng cao năng lực quản trị và áp dụng các vấn đề cốt lõi trong quản trị ngân
hàng, trong đó tăng cường vai trò, hiệu quả của Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ, các ủy ban thuộc HĐQT; Thành lập Ủy ban Kiểm toán thuộc HĐQT làm nhiệm vụ chỉ định và xem xét công việc của công ty kiểm toán độc lập, đồng thời giám sát kiểm toán nội bộ và tuân thủ sổ sách chứng từ kế toán.
3. Ngoài ra, ACB cũng cần xây dựng môi trường cho sự phát triển của nhân viên làm công tác kiểm soát rủi ro thanh toán: phát triển phong cách làm việc, các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, làm việc nhóm; tạo cơ hội đào tạo, lựa chọn và tuyển chọn dựa trên năng lực; xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với trình độ nhân sự và tình hình thực tế của công việc,...
Hàng năm, đội ngũ kiểm soát nội bộ (bao gồm mọi nhân viên và cấp quản lý tham gia quy trình nghiệp vụ) phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật về
nghiệp vụ, giới thiệu sản phẩm mới, tình hình rủi ro mới.
Đối với các nhân sự cấp quản lý, từ cấp Trưởng đơn vị tại KPP, Phó giám đốc Chi nhánh chủ quản đến HDQT nhất thiết phải qua lớp kiểm soát nội bộ cho cấp quản lý, hoặc quản lý rủi ro ngân hàng.
4. Ngân hàng cần đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động theo quy định, đặc biệt là đảm bảo an toàn và thanh khoản của toàn hệ thống.
5. Ngân hàng cần hoàn thiện mô hình tổ chức với việc phân định rõ chức năng,
nhiệm vụ của các phòng, bộ phận liên quan đến hoạt động huy động vốn được thành lập mới, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các phòng, bộ phận tại Hội sở chính và chi nhánh trong công tác kiểm soát rủi ro nâng cao hiệu quả huy động vốn.
6. Xây dựng và hoàn thiện danh mục rủi ro, gian lận; dựa trên danh mục đó, Ngân hàng cần xây dựng chương trình kiểm soát rủi ro gian lận để phổ biến, đào tạo tới các cấp nhân viên; ACB cần rà soát lại các thủ tục kiểm soát rủi ro trong huy động vốn, loại bỏ những thủ tục kiểm soát không có hiệu quả, xây dựng các thủ tục kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ, phù hợp để đảm bảo cho hoạt động huy động vốn của ngân hàng an toàn và hiệu quả.
7. Ngân hàng cần phải dựa vào mô hình hoạt động, chiến lược phát triển của mình để tổ chức KSNB cho phù hợp. KSNB cần có chức năng kiểm toán để kiểm tra, giám sát việc quản lý và điều hành ngân hàng.
8. Cần từng bước hoàn thiện và ban hành Quy chế kiểm soát nội bộ, Điều lệ kiểm toán nội bộ trong đó chỉ rõ mục tiêu và phương pháp tiến hành kiểm toán nội bộ,
nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ và nguyên tắc tiến hành kiểm toán để áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống.
9. Ngân hàng cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kiểm soát nội bộ, chuẩn mực kiểm toán để các đơn vị có điều kiện học hỏi, giao lưu kinh nghiệm;Tạo điều kiện cho KPP được gửi các nhân sự có năng lực, có phẩm chất đạo đức đi học các
khoá đào tạo bên ngoài nhằm học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ để chuẩn bị cho quá trình hội nhập.
10. Ngân hàng cần tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào
các khâu xử lý công việc của công tác kiểm soát rủi ro trong huy động vốn. Các dự án CNTT cần hướng đến việc tăng cường quản trị điều hành và hoạt động của ACB, chú trọng quản lý rủi ro, tăng cường an ninh bảo mật.