1.2.4.1. Tác động đến hoạt động của ngân hàng
Các nhà kinh tế thường gọi ngân hàng là “ngành kinh doanh rủi ro”. Thực tế đã chứng minh không một ngành nào mà có khả năng dẫn đến rủi ro lại lớn như kinh doanh tiền tệ - tín dụng. Ngân hàng phải gánh chịu những rủi ro không những do nguyên nhân chủ quan của mình mà còn phải gánh chịu những rủi ro do khách hàng hay môi trường bên ngoài gây ra. Vì vậy, “rủi ro tín dụng của ngân hàng không những là cấp số cộng mà còn là cấp số nhân rủi ro của nền kinh tế”.
Khi rủi ro xảy ra, trước hết lợi nhuận kinh doanh của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Khi các ngân hàng cho vay xuất hiện những khoản nợ quá hạn, việc đầu tiên là các ngân hàng phải tìm cách thu hồi nợ. Việc thu hồi nợ quá hạn vừa làm mất thời gian của cán bộ cho vay, vừa làm tăng khoản chi phí để thu hồi nợ. Bên cạnh đó, các ngân hàng phải bỏ ra chi phí cơ hội rất lớn cho các khoản nợ quá hạn làm chậm lại vòng quay vốn tín dụng, làm mất đi các khoản đầu tư khác của
mình, đó là chưa kể sự ảnh hưởng lớn của nợ quá hạn với tâm lý của cán bộ tín dụng. Nợ quá hạn phát sinh làm cho cán bộ tín dụng phải mất thời gian xử lý nợ, không tiếp cận được những món vay mới đồng thời còn làm cho cán bộ cho vay ngần ngại mở rộng hoạt động cho vay... Nếu rủi ro xảy ra ở mức độ nhỏ thì ngân hàng có thể bù đắp bằng khoản dự phòng rủi ro và lợi nhuận thu được trong kỳ. Tuy nhiên, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh lời và mở rộng kinh doanh của ngân hàng. Tất cả những vấn đề này làm giảm thu nhập tiềm ẩn và làm tăng chi phí cho ngân hàng, từ đó làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nghiêm trọng hơn khi rủi ro tín dụng xảy ra ở mức độ lớn, dự phòng không đủ bù đắp, vốn khả dụng bị thiếu, lòng tin khách hàng giảm tất nhiên sẽ dẫn đến phá sản ngân hàng. Vì vậy, việc phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng là một việc cần thiết của mọi ngân hàng.
1.2.4.2. Tác động đến nền kinh tế
Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động kinh doanh của ngân hàng liên quan đến nhiều thành phần kinh tế, từ cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức kinh tế cho đến các tổ chức tín dụng khác. Vì vậy, kết quả kinh doanh của ngân hàng phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của các khách hàng cá nhân. Khi rủi ro tín dụng xảy ra không chỉ ngân hàng không thu hồi được vốn, mà mục tiêu sử dụng vốn của khách hàng cũng khó đảm bảo, đồng thời gây khó khăn cho những lần vay vốn tiếp theo. Nếu rủi ro xảy ra ở quy mô lớn, tốc độ phát triển của nền kinh tế, của ngành hay vùng có thể bị chậm lại và suy giảm. Ngân hàng còn đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng lớn chính sách tiền tệ, đến công cụ điều tiết vĩ mô của nhà nước. Nếu có sự thất thoát lớn trong hoạt động tín dụng dù chỉ ở một ngân hàng cho vay trực thuộc, không khắc phục kịp thời thì có thể gây nên phản ứng dây chuyền đe dọa đến sự an toàn và ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng, gây hậu quả rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Hiện nay ở Việt Nam, dư nợ cho vay chiếm phần lớn trong dư nợ tín dụng của ngân hàng thương mại và phi ngân hàng, đây sẽ là hoạt động kinh
doanh chính của ngân hàng thương mại, là điều kiện cần phát triển trong nền kinh tế, việc các ngân hàng thương mại gặp rủi ro, bị tổn thất sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng và gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Do vậy phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng không những là vấn đề sống còn đối với ngân hàng mà còn là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế góp phần vào sự phát triển và ổn định của toàn xã hội.