Thứ nhất, về quy mô cho vay vân chưa tương xứng với tiềm năng của địa bàn.
Mặc dù đề ra nhiều chương trình khuyến khích phát triển khách hàng DNNVV mới, tuy nhiên số lượng khách hàng phát sinh nhu cầu tín dụng mới mỗi năm còn chưa nhiều, quy mô dư nợ, tốc độ tăng trưởng còn thấp. Chi nhánh nói chung và từng cán bộ quản lý khách hàng nói riêng cần chú trọng tìm kiếm, chọn lọc, tiếp cận nhiều khách hàng DNNVV có uy tín, có lịch sử hoạt động lâu năm, có kinh nghiệm và khả năng quản lý vững chắc trong lĩnh vực hoạt động để mở rộng thị phần của ngân hàng. Số lượng các DNNVV được tiếp cận chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực tài chính cũng như tài sản đảm bảo mà Chi nhánh đã đề ra.
Nhiều doanh nghiệp đã được cấp tín dụng tại chi nhánh tuy nhiên mức độ sử dụng hạn mức còn thấp do bị các tổ chức tín dụng khác mời chào với chính sách hấp dẫn hơn.
Thứ hai, khả năng sinh lời chưa cao.
Thu nhập từ hoạt động cho vay đối với các DNNVV còn chưa tương xứng với tiềm năng của Chi nhánh.
Mặc dù tại BIDV Thăng Long, số lượng các DNNVV được vay vốn liên tục tăng qua các năm nhưng rõ ràng con số đó chưa phải là lớn, chưa phản ánh được hết tiềm năng vị thế trên địa bàn hoạt động.
Tỷ lệ thu nhập từ hoạt động cho vay đối với các DNNVV vẫn chỉ chiếm một con số khá khiêm tốn trong tổng thu nhập từ hoạt động tín dụng của Chi nhánh. Trong phân khúc DNNVV tại chi nhánh thì phần lớn dư nợ tập trung ở nhóm khách hàng có quy mô vừa. Các doanh nghiệp này thường quan hệ với nhiều TCTD và có sự cạnh tranh lãi suất khá gay gắt. Do đó, các khách hàng này thường được giảm lãi suất cho vay thấp hơn mức thông thường đối với các doanh nghiệp nhỏ, nhưng với quy mô dư nợ lớn hơn thì thu nhập mang lại cho ngân hàng cũng tương đối cao hơn. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất nhiều cũng sẽ dẫn đến tổng thể lợi ích, thu nhập ròng của ngân hàng bị ảnh hưởng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay đối với nhóm KHDNNVV nói chung. Ví dụ như công ty Đại Lợi là doanh nghiệp có quy mô vừa, đang được áp dụng lãi suất vay 6 tháng là 6.5%/năm, NIM mỗi món vay mang lại là 1,5%, thấp hơn so với các doanh nghiệp nhỏ đang được áp dụng lãi suất ở mức 8-9%/năm, với NIM từ 3-4%. Rõ ràng, việc cho vay các doanh nghiệp vừa mang lại khả năng sinh lời thấp hơn so với cho vay các doanh nghiệp nhỏ. Nếu chi nhánh tiếp tục phát triển các khách hàng có quy mô vừa thì có khả năng sẽ làm giảm khả năng sinh lời bình quân của của nhóm KHDN tại chi nhánh xuống.
Thứ ba, công tác phát triển khách hàng mới chưa đạt được hiệu quả đồng đều ở từng cán bộ quản lý khách hàng.
Công tác phát triển khách hàng mới đã được triển khai tới từng cán bộ quản lý khách hàng của chi nhánh. Tuy nhiên, kết quả thu được còn tồn tại nhiều sự chênh lệch giữa các cán bộ, Có cán bộ phát triển được khách hàng DNNVV tốt, khả năng tăng trưởng dư nợ và mức sinh lời mang lại cao cho
chi nhánh như Công ty TC Xanh, Công ty Đức Tín, ngay từ khi tiếp cận, khách hàng đã có thiện chí và hài lòng về chính sách và thái độ, thời gian phục vụ của ngân hàng và từ đó chuyển dịch thị phần lớn về chi nhánh. Ngược lại, cũng có những cán bộ tiếp cận được nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên các doanh nghiệp này có nhu cầu vay vốn ít, ít khi phát sinh nhu cầu, mang lại hiệu quả không cao cho chi nhánh. Thực tế, nếu mỗi cán bộ quản lý khách hàng, một năm có thể phát triển quan hệ với ít nhất 4 KHDNNVV mới, với quy mô từ trung bình từ 5-10 tỷ đồng mỗi khách hàng thì với số lượng cán bộ quản lý khách hàng hiện nay là 30 cán bộ, dư nợ khách hàng mới có thể đạt từ 600-1,200 tỷ đồng mỗi năm. Rõ ràng, công tác phát triển khách hàng mới cần được liên tục triển khai, đẩy mạnh đến từng cán bộ để mang lại hiệu quả cao hơn nữa cho chi nhánh.
Thứ tư, chất lượng tín dụng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nhìn chung chất lượng tín dụng của Chi nhánh tương đối tốt, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn 1 số rủi ro đối với khoản vay lớn, một số khoản vay đổi với các ngành: xây dựng, sản phẩm tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi, thép,... sự biến động về giá là rất khó lường.
Trong cơ cấu nợ quá hạn DNNVV của Chi nhánh, nợ nhóm 2 vẫn chiếm khá cao. Điều này rõ ràng bất lợi cho chi nhánh trong việc quản lý vốn cho vay đối với các khoản vay này. Thực tế, nợ nhóm 2 là những khoản nợ có thể biến động theo xu hướng tốt và chuyển sang nợ trong hạn nếu ngân hàng đôn đốc thu nợ, thu lãi kịp thời. Tuy nhiên, đây cũng là những khoản nợ quá hạn rất dễ bị chuyển thành nợ xấu, nợ khó đòi. Điều này là rất nguy hiểm khi giới hạn giữa tốt và xấu của các khoản nợ là rất mong manh, ngân hàng không sát sao trong khi khách hàng luôn luôn mong muốn chiếm dụng vốn của ngân hàng đặc biệt trong môi trường kinh tế bất ổn, hậu quả của tín dụng đen ngày
càng bộc lộ rõ. Đó chính là điểm khiến cho chất lượng tín dụng DNNVV khó có thể đảm bảo.