Căn cứ theo các tiêu chí khác nhau mà ngân hàng phân loại hình thức cho vay đối với DNNVV thành các đối tượng như sau:
• Căn cứ theo theo thời hạn cho vay
Phân loại theo thời gian cho vay có các hình thức cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Theo đó:
- Cho vay ngắn hạn là thời hạn cho vay đến 1 năm và được sử dụng để bổ sung, bù đắp thiếu hụt vốn huy động của các doanh nghiệp và các nhu cầu tiêu dùng ngắn hạn của các cá nhân.
- Cho vay trung và dài hạn: cho vay trung hạn có thời gian từ 1 đến 5 năm, cho vay dài hạn có khoảng thời gian trên 5 năm. Cho vay trung, dài hạn cho doanh nghiệp chủ yếu phục vụ cho việc thực hiện các dự án đổi mới, mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng cơ bản mới. Vì thời hạn dài nên loại cho vay này chứa đựng mức rủi ro cao, kể cả rủi ro cá biệt và rủi ro hệ thống. Các hình thức cho vay trung, dài hạn bao gồm: cho vay dự án đầu tư, cho vay hợp vốn, cho vay theo hạn mức dự phòng, cho thuê tài chính,...
Đây là cách phân loại khá phổ biến vì phân chia theo thời gian có ý nghĩa quan trọng liên quan đến tính an toàn, khả năng sinh lời của món vay và khả năng trả nợ của khách hàng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng.
• Căn cứ theo phương thức cho vay
Theo phương thức cho vay có các hình thức: cho vay thấu chi, cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức tín dụng, cho vay theo dự án đầu tư,...
- Cho vay thấu chi: đây là hình thức cho vay mà ngân hàng thỏa thuận cho khác hàng chi vượt quá số số dư trên tài khoản thanh toán của mình trong một giới hạn nhất định và khoảng thời gian nhất định đã được thỏa thuận trước. Giới hạn này được gọi là hạn mức thấu chi. Khách hàng có thể sử dụng
ngay số tiền của hạn mức thấu chi để thực hiện các giao dịch mà không phải mất thời gian chuẩn bị hồ sơ vay, chờ đợi ngân hàng làm thủ tục thẩm định và giải ngân. Trong quá trình sử dụng hạn mức thấu chi khách hàng phải chịu phí cấp hạn mức thấu chi và lãi suất tính trên số tiền thấu chi và thời gian vay thấu chi. Hạn mức thấu chi được hình thành trên cơ sở có sự chênh lệch về thời gian giữa dòng tiền vào và dòng tiền ra của khách hàng do kế hoạch ngân quỹ của khách hàng thường không thể chính xác tuyệt đối. Hình thức cho vay thấu chi sẽ giúp được khách hàng vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn, tuy nhiên, so với các hình thức vay khác thì hạn mức thấu chi thường nhỏ và mang tính chất tạm thời. Hạn mức thấu chi thường chỉ cấp cho các khách hàng quen thuộc, uy tín.
- Cho vay từng lần: đây là hình thức cho vay đơn giản, xuất hiện từ rất sớm tại các NHTM, theo đó khách hàng mỗi lần vay vốn đều có phương án kinh doanh riêng và thực hiện đầy đủ các thủ tục vay vốn cần thiết đối với ngân hàng. Đối với phương thức cho vay từng lần ngân hàng có thể kiểm soát từng món vay riêng biệt. Phương thức vay từng lần được sử dụng đối với những khách hàng không có nhu cầu vay vốn thường xuyên, việc sử dụng vốn vay ngân hàng chỉ xuất hiện tại một hoặc một số thời điểm trong năm theo thời vụ. Ngoài ra, các ngân hàng cũng thường xuyên sử dụng hình thức vay từng lần đối với khách hàng mới quan hệ, qua những món vay từng lần để từ đó đánh giá chính xác, chi tiết hơn về tình hình sản xuất kinh doanh cũng như tư cách của khách hàng.
- Cho vay theo hạn mức tín dụng: là dư nợ tối đa ngân hàng cấp cho một khách hàng trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. Trong suốt quá trình duy trì hạn mức tín dụng, khách hàng có thể vay vốn và trả nhiều lần với doanh số giải ngân, thu nợ lớn gấp nhiều lần hạn mức được cấp nhưng số dư tại mọi thời điểm không vượt quá hạn mức tín dụng cho phép.
Phương thức cho vay theo hạn mức tín dụng thường được áp dụng đối với những khách hàng có quan hệ vay vốn tại ngân hàng (trên 1 năm) nhu cầu vay vốn phát sinh thường xuyên. Hạn mức tín dụng được ngân hàng và khách hàng thỏa thuận dựa trên phương án kinh doanh trong kỳ tới của doanh nghiệp và kết quả hoạt động kinh doanh trong những năm gần nhất,... Thông thường việc tính toán hạn mức chỉ mang tính tương đối bởi phương án kinh doanh dùng để xây dựng hạn mức tín dụng được dựa trên dự đoán về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ tiếp theo, vì vậy doanh nghiệp có thể thỏa thuận lại với ngân hàng về hạn mức tín dụng (giá trị, thời gian từng kỳ nhận nợ, điều kiện tín dụng,.) khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có sự thay đổi.
- Cho vay theo dự án đầu tư: là việc cho khách hàng vay trong thời gian lớn hơn 1 năm, kỳ hạn trung và dài hạn để thực hiện mua sắm, xây dựng, lắp đặt tài sản cố định, mở rộng quy mô sản xuất,... Đây là lĩnh vực cho vay có mức độ rủi ro cao đối với ngân hàng, tuy nhiên nếu thẩm định dự án và quản lý khoản vay tốt thì cho vay theo dự án sẽ đem lại thu nhập lớn và ổn định do số dư cho vay dự án thường cao.
• Căn cứ theo tài sản bảo đảm
Theo tiêu chí phân loại này có thể chia thành cho vay có tài sản đảm bảo và cho vay không có tài sản đảm bảo.
- Cho vay có tài sản đảm bảo: Là việc khách hàng dùng tài sản của mình hoặc bên thứ ba làm bảo đảm cho nghĩa vụ vay vốn ngân hàng. Cho vay có bảo đảm gồm các hình thức cầm cố, thế chấp hoặc bảo lãnh bằng tài sản của người thứ ba. Việc cho vay có tài sản bảo đảm giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của DNNVV trong việc vay vốn ngân hàng, đồng thời giúp các ngân hàng giảm thiệt hại về vốn khi có rủi ro xảy ra.
Đối với DNNVV, việc cầm cố, thế chấp tài sản là các hình thức tương đối dễ áp dụng trên thực tế và các DNNVV thực hiện thường xuyên. Các tài sản thường được sử dụng làm tài sản bảo đảm như bất động sản, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, sổ tiết kiệm,... Các tài sản được sử dụng thường thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp hoặc người thân như cha, mẹ, anh, chị, em trong gia đình.
- Cho vay không có tài sản đảm bảo: Các ngân hàng hiện nay chỉ áp dụng hình thức cho vay không có tài sản đảm bảo đối với những khách hàng tốt, uy tín, phương án kinh doanh khả thi và dòng tiền được luân chuyển thường xuyên qua ngân hàng. Với những khách hàng có quan hệ lâu năm, đặc biệt trong những dự án, những khoản vay có quy lớn, ngân hàng có thể cho vay kết hợp một phần có tài sản đảm bảo và một phần tín chấp. Đối với thị trường tài chính chưa phát triển, thông tin trên thị trường thiếu tính minh bạch, thì tài sản trong nhiều trường hợp là yếu tố quyết định cho vay của ngân hàng.
• Căn cứ theo đối tượng Khách hàng
Căn cứ theo các thành phần kinh tế, các ngân hàng có thể phân loại đối tượng cho vay thành cho vay doanh nghiệp nhà nước, cho vay doanh nghiệp ngoài nhà nước, cho vay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Dựa trên cách phân loại này, tùy theo đặc điểm của từng đối tượng cho vay, mà ngân hàng có thể đưa ra những chính sách, định hướng phù hợp với mình và sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.
Trên đây là một số cách phân loại hoạt động cho vay thường thấy đối với các DNNVV tại các ngân hàng, trên thực tế các ngân hàng có thể kết hợp nhiều tiêu thức phân loại khác nhau để lọc ra từng đối tượng cho vay sao cho phù hợp với mục đích báo cáo, phân tích đánh giá.