Đặc điểm cho vay đối với DNNVV

Một phần của tài liệu HIỆU QUẢ CHO VAY DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐẦU Tư VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - CHI NHÁNH THĂNG LONG LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ (Trang 28 - 30)

Việc cho vay đối với các DNNVV luôn gặp khó khăn mang tính quy luật là: rủi ro mất vốn cao, các doanh nghiệp không đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu của ngân hàng. Tuy nhiên, với số lượng áp đảo của các DNNVV thì các ngân hàng cũng phải có định hướng phát triển cho vay ổn định và bền vững đối với đối tượng khách hàng này. Các đặc điểm của việc cho vay đối với đối tượng khách hàng DNNVV như sau:

Thứ nhất, do quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV không lớn nên hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp này cũng có quy mô nhỏ và vừa, các khoản vay này thường có giá trị từ thấp đến mức trung bình. Tuy nhiên, dư nợ của từng doanh nghiệp có thể nhỏ so với số vốn của ngân hàng nhưng với số lượng doanh nghiệp đông đảo, xét trên tổng dư nợ đối với nhóm khách hàng này cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng dư nợ của ngân hàng.

Thứ hai, xuất phát từ đặc điểm quy mô nhỏ nên bộ máy tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh của DNNVV thường rất đơn giản, thiếu chặt chẽ, việc chấp hành các quy định của Nhà nước về chế độ kế toán tài chính còn nhiều bất cập. Do đó, khi cho vay đối với đối tượng này xảy ra các rủi ro: không thu hồi được nợ, mất vốn hoặc không trả nợ đúng hạn, chậm trả gốc và lãi tiền vay,... Việc cho vay các DNNVV có nhiều rủi ro hơn các doanh nghiệp lớn nhưng thường các rủi ro có thể phân tán được và không mang tính hệ thống. Hơn nữa, quy mô một món vay nhỏ khi phát sinh nợ quá hạn thì chỉ ảnh hưởng tới thu nhập của ngân hàng, thường không tạo thành các rủi ro khác như rủi ro thanh khoản, rủi ro phá sản. Mặt khác, ngân hàng luôn yêu

cầu có tài sản thế chấp đối với các khoản vay này nên phần nào giảm bớt rủi ro có thể xảy ra. Kinh nghiệm cho thấy hầu hết các ngân hàng gặp khó khăn về thanh toán cũng như dẫn đến phá sản đều do sự đổ bể trong hoạt động tín dụng đối với các doanh nghiệp lớn tạo nên. Trên một khía cạnh nhất định, cho vay các DNNVV làm giảm bớt rủi ro phá sản cho ngân hàng.

Thứ ba, ngân hàng có nhiều cơ hội thu lợi nhuận từ việc hoạt động tín dụng đối với DNNVV, đặc biệt là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Với nhóm DNNVV, ngân hàng thường áp dụng mức lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp lớn. Giá trị của một món vay tuy không lớn nhưng các ngân hàng có thể lấy số lượng bù quy mô. Với cùng một số tiền cho vay, thu nhập của ngân hàng từ việc cho vay đối tượng DNNVV có thể cao gấp hai đến ba lần so với thu nhập từ việc cho vay đối tượng doanh nghiệp lớn. Bên cạnh các khoản lãi thu được từ hoạt động tín dụng nếu ngân hàng khai thác tốt sẽ phát triển được nhiều các sản phẩm khác như tiền gửi, kinh doanh ngoại tệ, các khoản phí dịch vụ thanh toán, dịch vụ chuyển tiền, bảo lãnh, tài trợ thương mại, bảo hiểm,...

Thứ tư, cho vay đối với DNNVV luôn nhận được hỗ trợ, quan tâm từ Chính phủ. Do lực lượng các DNNVV đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia nên trong từng thời kỳ đều nhận được những chính sách ưu tiên phát triển, trong đó Chính phủ các nước thường tập trung vào việc tạo điều kiện để DNNVV có thể tiếp cận dễ dàng đối với nguồn vốn vay của ngân hàng. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/06/2009 để tạo điều kiện cả cho ngân hàng và các DNNVV có thể đến gần với nhau hơn, các ngân hàng cũng dần chuyển đổi nhận thức của mình từ việc tập trung nguồn vốn vào việc cho vay các doanh nghiệp lớn, dự án lớn sang đối tượng khách hàng DNNVV, tạo động lực phát triển cho toàn nền kinh tế và hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Một phần của tài liệu HIỆU QUẢ CHO VAY DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN ĐẦU Tư VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - CHI NHÁNH THĂNG LONG LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ (Trang 28 - 30)