- Quy mô và phạm vi hoạt động của các DNNVV
Mỗi loại hình doanh nghiệp có đặc trưng riêng, với các DNNVV các đặc trưng riêng này là nhân tố tạo ra sự khác biệt trong hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng lớn tới hiệu quả cho vay của Ngân hàng.
DNNVV có quy mô kinh doanh nhỏ, quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ, trong khi doanh nghiệp lại cần nhiều các loại chi phí khác nhau như đầu tư tài sản cố định cơ bản, chi phí quản lý doanh nghiệp,... nên lượng vốn đưa phục vụ cho việc kinh
doanh càng trở nên nhỏ hơn. Do đó, DNNVV cần phải tính toán kỹ lưỡng việc sử dụng vốn cũng như việc vay vốn ngân hàng một cách hợp lý để tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo việc kinh doanh có thể thu hồi vốn để trả nợ và có lợi nhuận cho mình.
Với quy mô nguồn vốn nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường yếu, các DNNVV thường chịu ít nhiều sức ép từ các bên trong quá trình kinh doanh. Các DNNVV muốn bán được hàng thường phải cho khách hàng trả chậm làm một phần vốn kinh doanh bị đọng lại. Với nguồn vốn mỏng, thời gian từ khi bỏ tiền ra đến khi thu tiền về dài. DNNVV rất khó để có đủ nguồn vốn thực hiện nhiều hợp đồng cùng một lúc hoặc vòng quay vốn lưu động sẽ bị hạn chế, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thường thấp. Trong trường hợp đó, nếu người lãnh đạo doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, thiếu trình độ quản lý, rất có thể sẽ dẫn đến mất khả năng điều tiết dòng tiền, gây ra nguy cơ xảy ra nợ quá hạn đối với ngân hàng.
Việc thu thập và phân tích thông tin thị trường của các DNNVV thường khá hạn chế, dẫn đến việc tính toán và quyết định đầu tư thiếu chính xác, đây là nguyên nhân dẫn đến rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp và rủi ro tín dụng của Ngân hàng. Ví dụ như chủ doanh nghiệp nhận định rằng thị trường sẽ diễn biến theo xu hướng giá nguyên liệu đầu vào có thể tăng trong tương lai và sử dụng phần lớn nguồn vốn của công ty để dự trữ nguyên liệu đầu vào, tuy nhiên khi diễn biến thị trường đi ngược lại với nhận định của chủ doanh nghiệp, công ty sẽ bị thua lỗ. Hay như một công ty muốn phát triển thị trường sản phẩm một cách nhanh chóng, đã sử dụng phần lớn nguồn vốn cho hoạt động marketing, tuy nhiên sự phản ứng của người mua lại đi ngược lại với những gì anh ta mong chờ, người mua vẫn không có nhu cầu đối với sản phẩm, dẫn đến hàng khó bán và công ty không thu hồi được vốn, dẫn đến thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng.
Quy mô kinh doanh nhỏ lẻ và các mặt hàng có sự canh tranh khốc liệt trên thị trường thường dễ gây tổn thương cho các DNNVV. Các DNNVV, nhất là trong lĩnh vực thương mại thường bị cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ khác trên thị trường
bởi sự gia nhập thị trường dễ dàng, hầu như không có rào cản nào đối với các doanh nghiệp mới. Neu các doanh nghiệp cũ không chịu sáng tạo, đổi mới, phát triển hoạt động kinh doanh để bắt kịp xu thế của thị trường thì sẽ dễ dàng bị các doanh nghiệp mới với tư duy kinh doanh mới, sự hiểu biết về khoa học, kỹ thuật chiếm lĩnh thị phần hoạt động và dần lật đổ các doanh nghiệp cũ này.
Bên cạnh những nhân tố gây ảnh hưởng tiêu cực trên, thì với quy mô nhỏ, DNNVV có những lợi thế, đó là:
Với quy mô kinh doanh nhỏ gọn, phạm vi hoạt động hẹp, tình trạng máy móc thiết bị không quá lớn và phức tạp, giúp cho các doanh nghiệp dễ thích nghi với các thay đổi của thị trường. Họ sẽ dễ chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh, thay đổi chủng loại sản phẩm kinh doanh theo nhu cầu của thị trường. Với các phương án kinh doanh mới, khả năng khai thác và sử dụng vốn ngân hàng của các DNNVV sẽ linh hoạt và có hiệu quả hơn, tạo các nguồn thu tốt hơn để trả nợ ngân hàng.
Các DNNVV hoạt động gắn liền với lợi ích của chính người chủ doanh nghiệp, các tài sản mà doanh nghiệp sử dụng để thế chấp với ngân hàng thường là của chủ doanh nghiệp hoặc những người thân trong gia đình, do đó trách nhiệm sử dụng vốn ngân hàng một cách hiệu quả được chú trọng hơn. Tức là người đi vay quan tâm đến trách nhiệm trả nợ ngân hàng hơn.
- Năng lực tài chính
Năng lực tài chính thể hiện ở khả năng tự tài trợ vốn, quy mô và cơ cấu vốn đầu tư, trình độ quản trị tài chính của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt sẽ tiếp cận dễ dàng hơn đối với nguồn vốn ngân hàng và họ sẽ có điều kiện sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn đó. Ngược lại, các doanh nghiệp có năng lực tài chính không cao, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khó khăn, dẫn đến việc kinh doanh không thuận lợi, sức cạnh tranh trên thị trường thấp.
Một doanh nghiệp có hệ số tự tài trợ lớn thể hiện doanh nghiệp đó khả năng tự chủ, độc lập trong hoạt động kinh doanh của mình. Hệ số tự tài trợ còn là công cụ chống lại sự phá sản doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp có hệ số tài trợ lớn sẽ có độ an toàn về tín dụng lớn hơn đối với các doanh nghiệp có hệ số nhỏ.
Các DNNVV có quy mô kinh doanh nhỏ, dẫn đến việc quản trị tài chính khó khăn, các doanh nghiệp thường phải sử dụng vốn tự có cho các nhu cầu vốn cố định như: Văn phòng, các trang thiết bị, máy móc... nên việc thiếu vốn lưu động trong kinh doanh luôn thường trực với các doanh nghiệp. Khả năng thanh toán nhanh của các doanh nghiệp bị hạn chế. Cơ cấu vốn của doanh nghiệp bất hợp lý, các sức ép về thanh toán dễ dẫn doanh nghiệp đến việc sử dụng vốn ngân hàng sai mục đích và đây chính là nguyên nhân của các rủi ro cho Ngân hàng.
- Hệ thống quản lý
Đa số các DNNVV thiếu định hướng và chiến lược kinh doanh trung dài hạn, họ thích kinh doanh theo kiểu “đánh nhanh, rút gọn”, tiết kiệm tối đa các chi phí để có lợi nhuận trước mắt, do đó họ ít quan tâm tới các chính sách tạo ra một hệ thống quản lý trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp được thành lập chỉ với kinh nghiệm kinh doanh của chủ doanh nghiệp, các kiến thức về quản lý kinh doanh một cách khoa học và có hệ thống đôi khi chưa được đánh giá đúng mức.
Trong nhiều DNNVV việc quản lý hệ thống sổ sách kế toán, tài chính không tuân thủ các quy định của Nhà nước, việc này làm cho công tác thẩm định tình hình tài chính rất khó khăn và đôi khi các thông tin sai sự thật dẫn đến rủi ro cho Ngân hàng.
Do tiết kiệm các chi phí và tâm lý phân biệt thành phần kinh tế còn tồn dư nhiều ở đội ngũ người lao động, nên các DNNVV thiếu cán bộ chuyên trách có trình độ để làm các dự án, phương án kinh doanh phù hợp với yêu cầu của Ngân hàng, do đó họ khó tiếp cận với nguồn vốn vay Ngân hàng.
Hệ thống quản lý tại các doanh nghiệp lỏng lẻo, thiếu khoa học sẽ làm cho hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thấp đi, đôi khi còn chứa đựng các rủi ro không thuộc lĩnh vực kinh doanh. Hệ thống quản lý chặt chẽ, có khoa học sẽ giúp cho các doanh nghiệp có cách nhìn chính xác hơn về thực trạng của chính bản thân, từ đó có những chính sách kinh doanh phù hợp hơn với thị trường, tránh được các rủi ro có thể xảy ra do thiếu hiểu biết về chính khả năng của doanh nghiệp mình.
Hệ thống quản lý của doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng trong đánh giá về mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp với Ngân hàng, nó là một trong những nhân tố gián tiếp ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động cho vay của Ngân hàng.
Có thể nói, bất kỳ nhân tố nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DNNVV, sức khỏe doanh nghiệp, pháp lý doanh nghiệp, dù tích cực hay tiêu cực,... đều ảnh hưởng đến việc vay vốn ngân hàng và khả năng trả nợ ngân hàng, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay của các ngân hàng.