Đối với nền kinh tế và an sinh xã hội: Vốn là yếu tố quan trọng và thiết yếu trong quá trình quyết định đến sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Một doanh nghiệp muốn có khả năng trụ vững trên nền kinh tế thì vốn kinh doanh được coi là nền móng, là chân trụ của một doanh nghiệp. Nếu như nguồn vốn kinh doanh không đủ bền vững, thiếu hụt sẽ dẫn đến ngưng trệ về sản xuất, chậm tiến độ về năng suất, không đảm bảo về chất lượng kinh doanh, giảm uy tín trong mắt đối tác, lâu dần có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu tiêu cực cho doanh nghiệp. Trong đó, ảnh hưởng xấu nhất là doanh nghiệp bị giải thể phá sản dẫn đến không đảm bảo về an sinh xã hội cho người lao động, tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Đối với bản thân doanh nghiệp: Vốn là một trong những điều kiện tiên quyết để thành lập doanh nghiệp. Mỗi một doanh nghiệp muốn tham gia vào hoạt động sản xuất và có cơ sở tồn tại trước pháp luật cần phải có một lượng vốn nhất định.
Nguồn vốn kinh doanh không phải chỉ cần duy trì ở mức ổn định mà cần tạo ra một nguồn vốn liên tục và có sự tăng trưởng. Vốn kinh doanh có dấu hiệu tăng trưởng chứng tỏ sức khỏe tài chính của doanh nghiệp có dấu hiệu tốt. Nó giúp cho doanh nghiệp có khả năng đầu tư cải tiến máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất ... nhằm cải tiến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường. Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng có mục tiêu cuối cùng là tối đa hóa lợi nhuận. Nếu sử dụng vốn kinh doanh đúng đắn sẽ giúp cho doanh nghiệp hướng tới mục tiêu gia tăng lợi nhuận, mở rộng thị trường. Như vậy, vốn kinh doanh đóng một vai trò không thể thiếu trong sự tồn tại và phát triển sống còn của một doanh nghiệp.
Nếu như doanh nghiệp có vốn kinh doanh tương đối cao thì điều này là một lợi thế cho doanh nghiệp trong việc triển khai công tác sản xuất kinh doanh cho mình một cách chủ động, đảm bảo không bị ngắt quãng; ngưng trệ trong hoạt động kinh doanh - sản xuất. Đồng thời, nó còn phản ảnh khả năng quản lý tài chính có hiệu quả, dễ dàng hơn trong công tác huy động vốn từ những nguồn lực từ bên ngoài. Doanh nghiệp cũng có khả năng chống đỡ được những khó khăn tạm thời nhờ số vốn ổn định của mình.
Quy mô vốn kinh doanh lớn hay nhỏ sẽ quyết định phạm vi hoạt động của doanh nghiệp. Nếu như quy mô vốn kinh doanh lớn, khả năng sinh lợi từ một đồng vốn mà doanh nghiệp bỏ ra lớn, doanh nghiệp sẽ có những quyết định mở rộng phạm vi thị trường hoặc phát triển nhóm/ ngành hàng mới để thâm nhập vào thi trường tiềm năng khác. Ngược lại, khi quy mô vốn kinh doanh bị hạn chế, hoạt động kinh doanh cũng như đầu tư của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và có xu hướng co cụm lại.
Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp lựa chọn việc mở rộng quy mô vốn kinh doanh bằng cách tiếp nhận nguồn vốn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Với cách làm này, các doanh nghiệp có thể rút ngắn bớt thời gian tích lũy vốn ban đầu, đồng thời, thu được một phần lợi nhuận từ việc góp vốn.
Vốn là cơ sở để doanh nghiệp đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc, cập nhật dây chuyền công nghệ để phục vụ sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao cơ sở hạ tầng... nhờ đó, người lao động có việc làm ổn định, đảm bảo thu nhập cho cán bộ công nhân viên. Bên cạnh đó, khi vốn kinh doanh sử dụng trong quá trình tái sản xuất xã hội sẽ góp phần duy trì tiềm lực sẵn có cho doanh nghiệp và là bước đà giúp cho doanh nghiệp nâng cao vị thế của mình với một nguồn vốn kinh doanh ngày càng lớn mạnh
Đặc trưng của vốn kinh doanh là vận động để sinh lời. Do đó, ngoài mục tiêu gia tăng lợi nhuận, doanh nghiệp cũng có xu hướng tích cực đẩy
mạnh nguồn vốn kinh doanh ngày càng gia tăng, tạo ra một điểm tựa về tài chính cho nội tại doanh nghiệp.