2.2.1. Các Ngân hàng thương mại
Từ giữa năm 1987, hệ thống ngân hàng Việt Nam mới bắt đầu có những đổi mới về tổ chức và hoạt động, mô hình ngân hàng hai cấp dần được hình thành, thay thế cho mô hình ngân hàng một cấp trước kia. Bên cạnh Ngân hàng nhà nước, các loại hình ngân hàng chuyên doanh, ngân hàng cổ phần cũng dần dần xuất hiện. Năm 1990, hai Pháp lệnh ngân hàng ra đời, góp phần khẳng định thêm mô hình ngân hàng hai cấp với Ngân hàng nhà nước đóng vai trò ngân hàng trung ương, nằm trong cơ cấu Chính phủ; các Ngân hàng thương mại là các doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu. Qua hơn mười năm hoạt động, mô hình ngân hàng hai cấp đã dần thích nghi với nền kinh tế thị trường và đã có những đóng góp đáng kể cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động ngân hàng cũng đã bộc lộ những nhược điểm cần khắc phục, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ hai đã thông qua hai luật: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các Tổ chức tín dụng, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Với việc ban hành hai luật này, Ngân hàng nhà nước đã được tăng cường quyền lực và sức mạnh để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và đảm nhiệm vai trò ngân hàng của các ngân hàng; các Tổ chức tín dụng cũng có được môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển cả về số lượng và chất lượng cũng như đa dạng hoá về loại hình.
Tính đến nay, hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam gồm có: 5 tổ chức tín dụng Nhà nước: Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long và Ngân hàng phát triển Việt
Nam; 39 ngân hàng thương mại cổ phần đô thị; 40 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 5 ngân hàng liên doanh; 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài...
Như vậy, hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam đã có bước phát triển đột biến cả về nội dung cũng như số lượng, loại hình và khuôn khổ pháp lý cho hoạt động.
Ngoài ra, trên lãnh thổ Việt Nam còn có rất nhiều văn phòng đại diện nước ngoài và tổ chức quốc tế, gồm văn phòng đại diện thuộc ngân hàng và công ty tài chính của hơn 21 quốc gia, 3 văn phòng đại diện của các tổ chức tài chính thế giới (Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, Ngân hàng Thế giới - WB, Ngân hàng phát triển châu Á - ADB). Các Ngân hàng thương mại Việt Nam mới được hình thành, trong đó nhóm Ngân hàng thương mại nhà nước chiếm vị trí chủ đạo. Các Ngân hàng thương mại nhà nước trước đây là những ngân hàng chuyên doanh mới được tách khỏi Ngân hàng Nhà nước từ hơn 10 nă m nay, chủ yếu vẫn kinh doanh theo từng lĩnh vực, chưa thực sự trở thành những ngân hàng đa năng; Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu long và ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thực chất là hai ngân hàng chính sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Nhóm các Ngân hàng thương mại cổ phần tuy nhiều về số lượng nhưng phần lớn là các ngân hàng nhỏ, hiệu quả kinh doanh chưa cao lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các Ngân hàng thương mại nước ngoài và liên doanh tuy đang có xu hướng tăng nhưng hiện còn hạn chế về số lượng và phạm vi kinh doanh.