Hiện nay chúng ta chủ trương xây dựng một nền kinh tế mở, đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ kinh tế đối ngoại, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu những mặt hàng trong nước sản xuất có hiệu quả, tranh thủ vốn, công nghệ và thị trường quốc tế để tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá phát triển nền kinh tế nhiều thành phần không thể tách rời việc xây dựng đồng bộ và vận hành có hiệu quả cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong hoàn cảnh nền kinh tế việt Nam như hiện nay, mục tiêu đặt ra cho hoạt động của thị trường chứng khoán việt Nam là huy động tối đa các nguồn vốn trong và ngoài nước vào công việc phát triển nền kinh tế. Để đạt
được điều đó đòi hỏi phải có hệ thống chính sách đồng bộ cho việc phát triển thị trường vốn và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho các khu vực tài chính liên quan. Đây là một vấn đề khó khăn trong bối cảnh những điều kiện căn bản để làm tiền đề cho việc hình thành và phát triển thị trường vốn ở nước ta còn trong trạng thái sơ khai. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho việc hoạch định một chiến lược phát triển thị trường vốn hiệu quả trước tiên là phải có hệ thống chính sách hoàn chỉnh để thúc đẩy kinh tế phát triển. Các giải pháp cần đạt tới là củng cố, phát triển các thành phần kinh tế trên cơ sở qui hoạch lại khu vực doanh nghiệp nhà nước, thông qua việc sử dụng các công cụ của thị trường vốn để huy động mọi nguồn vốn nhằm khuyến khích phát triển khu vực tài chính liên quan để phân bổ một cách có hiệu quả các nguồn vốn khan hiếm đến những nơi có nhu cầu về vốn. Thông qua việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân tạo ra hệ thống tài chính lành mạnh cho phép các lực lượng tham gia thị trường có sự cạnh tranh tích cực, tạo động lực thúc đẩy phát triển của thị trường, qua đó huy động tối đa các nguồn lực của xã hội vào phát triển kinh tế.
Để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế với mục tiêu xoá bỏ triệt để cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, hình thành tương đối đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa Nhà nước cần phải tiến hành đồng bộ các bước sau:
Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về kinh tế: Ban hành một số luật mới và sửa đổi bổ sung một số luật pháp hiện hành để tiếp tục thể chế hoá cương lĩnh, chiến lược và các chủ trương, chính sách của Đảng, hình thành khuôn khổ pháp lý đồng bộ, cần thiết cho các hoạt động kinh tế.
Đổi mới chính sách tài chính tiền tệ, giá cả: Chính sách tài chính phải nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất phát triển, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tăng tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế để tạo vốn cho đầu tư phát
triển; đáp ứng những nhu cầu chi thường xuyên thật sự cần thiết, cấp bách; bảo đảm quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia; giảm bội chi ngân sách, khống chế và kiểm soát lạm phát. Xử lý đúng đắn các mối liên hệ: tích luỹ, tiêu dùng; tài chính Nhà nước và tài chính doanh nghiệp, tài chính dân cư, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển, huy động vốn trong nước và vốn bên ngoài. Đổi mới chính sách thuế theo hướng đơn giản, ổn định, công bằng, khuyến khích làm ăn hợp pháp; thực hiện chính sách ưu đãi hơn nữa về thuế đối với đầu tư phát triển và đối với những khu vực còn khó khăn.
Có chính sách tỉ giá hối đoái và quản lý ngoại hối thúc đẩy xuất khẩu và điều tiết được nhập khẩu, từng bước làm cho đồng Việt Nam có giá trị chuyển đổi đầy đủ và là phương tiện lưu thông duy nhất trong nước. Đẩy mạnh sự phát triển ổn định của Thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý kinh tế của Nhà nước: Nhà nước thực hiện tốt các chức năng như: định hướng sự phát triển của nền kinh tế; trực tiếp đầu tư vào một số lĩnh vực để dẫn dắt nỗ lực phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thiết lập khuôn khổ luật pháp, có hệ thống chính sách nhất quán để tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho giới kinh doanh; khắc phục hạn chế và kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội. Thực hiện đúng chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế và chức năng chủ sở hữu tài sản công của Nhà nước. Các Bộ và các cấp chính quyền không nên can thiệp sâu vào chức năng quản trị kinh doanh và quyền tự chủ hạch toán của doanh nghiệp.