Yeu tố ảnh hưởng đến mở rộng cho vay tiêu dùng

Một phần của tài liệu 0111 giải pháp mở rộng cho vay tiêu dùng trên địa bàn tỉnh hải dương tại NHTM CP đầu tư và phát triển VN chi nhánh bắc hải dương luận văn thạc sỹ (FILE WORD) (Trang 30 - 35)

1.2. MỞ RỘNG CHO VAY TIÊU DÙNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.2.2. Yeu tố ảnh hưởng đến mở rộng cho vay tiêu dùng

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mở rộng CVTD. Mọi biến động của nền kinh tế, thể chế chính trị, quy định pháp luật đều có tác động nhất định tới hoạt động CVTD thông qua ảnh hưởng tới việc cho vay của Ngân hàng và hành vi đi vay của khách hàng. Do vậy, để phân tích được đầy đủ và chính xác nhất các yếu tố ảnh hưởng đến mở rộng CVTD, tác giả đề xuất chia các nhân tố thành hai nhóm chính: các yếu tố khách quan bên ngoài và các yếu tố thuộc về phía ngân hàng.

a. Yếu tố khách quan bên ngoài

- Thực trạng của nền kinh tế

Lịch sử đã chỉ ra rằng sự phát triển của mọi nền kinh tế đều có tính chu kỳ. Chu kỳ kinh tế, hay còn gọi là chu kỳ kinh doanh, là sự biến động của GDP thực tế theo trình tự ba pha, lần lượt là: suy thoái, phục hồi và hưng thịnh. Cũng có quan điểm coi pha phục hồi là thứ yếu nên chu kỳ kinh tế chỉ gồm 2 pha là suy thoái và hưng thịnh. Khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển hưng thịnh, mức sống người dân được cải thiện đồng thời tâm lý tích cực và lạc quan vào triển vọng thu nhập trong tương lai dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Điều này tất yếu sẽ giúp hoạt động CVTD của ngân hàng được mở rộng. Ngược lại, khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, thu nhập có xu hướng giảm hoặc chỉ tăng rất chậm, tâm lý tiêu cực, bi quan vào thu nhập trong tương lai làm dân cư có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn, hoạt động tiêu dùng và CVTD cũng vì thế mà thu hẹp.

- Nhân tố chính trị - xã hội

Nhân tố chính trị - xã hội bao gồm các phong tục tập quán, quan niệm xã hội, trình độ dân trí, cơ cấu dân số, an ninh trật tự, ổn định chính trị... Mỗi nhân tố đều có ảnh hưởng trực tiếp tới việc mở rộng CVTD. Ví dụ về cơ cấu dân số, Việt Nam hiện là một quốc gia có cơ cấu dân số trẻ. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, thời kỳ dư lợi dân số này sẽ kéo dài khoảng 34 năm và kết thúc vào khoảng năm 2041. Dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh giúp cho thị trường tiêu thụ được mở rộng bởi dân số trong độ tuổi này vừa là lực lượng sản xuất chủ lực vừa là lực lượng tiêu dùng chính. Đối với yếu tố chính trị, Việt Nam luôn là quốc gia được đánh giá có nền chính trị ổn định, lợi thế đó giúp Việt Nam nhận được nhiều sự đầu tư từ nước ngoài nhằm tạo thêm công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế.

- Yếu tố pháp lý

Môi trường pháp lý bao gồm hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước là một nhân tố có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động CVTD của NHTM. Mọi thành phần kinh tế đều có quyền tự do kinh doanh nhưng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Hoạt động CVTD của NHTM phải tuân thủ các quy định của Nhà nước, Luật

Các tổ chức tín dụng, Luật dân sự và các quy định khác. Nếu những văn bản quy định pháp luật không rõ ràng, đầy đủ sẽ tạo những khe hở pháp luật gây rắc rối khi thực thi và có thể tổn hại đến lợi ích cho các bên tham gia quan hệ tín dụng. Ngược lại, sự chặt chẽ và đồng bộ của luật pháp sẽ góp phần tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo sự trật tự và ổn định để phát triển hoạt động cho vay nói chung và CVTD nói riêng.

- Hệ thống chính sách và chương trình kinh tế của Nhà nước

Các chủ trương, chính sách của Nhà nước về kích cầu, các biện pháp để khuyến khích đầu tư trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài như: hạ lãi suất trần cho vay, giảm các thủ tục rườm rà, giảm thuế cho các công ty mới thành lập, tạo công ăn việc làm cho người lao động... sẽ có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giúp tăng GDP, giảm thất nghiệp,từ đó làm tăng mức sống của người dân. Đây là tiền đề thuận lợi để mở rộng hoạt động CVTD. Ngoài ra, các chính sách như: giảm thuế thu nhập, áp dụng lãi suất ưu đãi đối với cho vay hộ nông dân, hộ nghèo, các chương trình xoá đói giảm nghèo nhằm thực hiện công bằng xã hội, tạo sự phát triển cân đối giữa khu vực thành thị và nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo... cũng có ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của dân cư.

- Đối thủ cạnh tranh

Một môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt sẽ vừa khiến ngân hàng khó mở rộng quy mô lại vừa làm giảm tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng. Nếu coi thị trường CVTD là một miếng bánh thì miếng bánh đó hiện tại đang có quy mô khoảng 15 tỷ USD và không ngừng gia tăng theo sự phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, tốc độ tăng đó không đuổi kịp tốc độ gia tăng về các nguồn lực mà các tổ chức tín dụng đang sử dụng để hướng tới mục tiêu mở rộng cho vay tiêu dùng. Không chỉ các ngân hàng trước đây chỉ định hướng phát triển bán buôn nay đổi mục tiêu sang bán lẻ, các tổ chức tín dụng nước ngoài hiện cũng tham gia vào thị trường ngày càng nhiều. Cạnh tranh gay gắt tuy không luôn luôn làm quy mô CVTD của các Ngân hàng bị thu hẹp nhưng có thể gây ra tình trạng giảm thị phần. Ngoài ra, cạnh tranh dựa trên lãi suất về lâu dài sẽ làm giảm lãi suất chung trong CVTD dẫn tới giảm hiệu suất sử dụng vốn của Ngân hàng.

b. Các yếu tố thuộc về phía ngân hàng

Không chỉ chịu tác động bởi các yếu tố khách quan, khả năng mở rộng CVTD còn chịu rất nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố chủ quan xuất phát từ chính ngân hàng như: chính sách cho vay, quy trình cấp tín dụng, chất lượng đội ngũ nhân sự...

- Chính sách cấp tín dụng của ngân hàng

Chính sách tín dụng bao gồm các yếu tố giới hạn về mức cho vay đối với khách hàng, kỳ hạn của khoản vay, lãi suất cho vay, mức lệ phí, sự đảm bảo khả năng thanh toán. Một chính sách cấp tín dụng hợp lý, đúng đắn sẽ tạo ra cơ chế đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ tổ chức, tạo cơ sở cho việc điều hành kinh doanh một cách chủ động, đồng thời hướng dẫn cán bộ tín dụng trong việc thực hiện công việc nhanh chóng và hiệu quả. Đặc biệt, yếu tố lãi suất và quy trình cấp tín dụng được cho là ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng mở rộng CVTD của ngân hàng. Để thực hiện một khoản cấp tín dụng cho khách hàng, các cán bộ ngân hàng phải qua rất nhiều quy trình. Tuy nhiên, đối với khách hàng thì họ không cần hiểu hết các quy trình này, điều khách hàng quan tâm nhất là lãi suất (hoặc chi phí nói chung) và quy trình thuận tiện. Do vậy, ngân hàng nào càng đáp ứng tốt những yếu tố này thì càng dễ mở rộng hoạt động cho vay.

- Chiến lược kinh doanh

Đây là nhân tố cực kỳ quan trọng trong việc mở rộng tín dụng. Chiến lược kinh doanh liên quan đến khả năng cạnh tranh thành công trên thị trường. Nó còn liên quan đến các quyết định chiến lược về lựa chọn sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, giành lợi thế so với các đối thủ, khai thác và tạo ra các cơ hội mới. Dựa trên cơ sở một chiến lược kinh doanh được xác lập, ngân hàng sẽ chuyển nó thành các mục tiêu hành động, lập ra những kế hoạch bộ phận cho từng thời kỳ đảm bảo thực thi thành công những mục tiêu đã đề ra.

- Chất lượng cán bộ tín dụng

Cán bộ tín dụng là người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn khách hàng các thủ tục vay vốn, thực hiện thu thập và xử lý thông tin về khách hàng để đưa ra quyết định cho vay hay không cho vay. Đồng thời, cán bộ tín dụng cũng là người thực hiện giám sát sau khi cho vay và thu nợ. Do đó, mỗi cán bộ

tín dụng phải có trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ, khả năng phân tích, đánh giá; có trách nhiệm trong công việc trên cơ sở lựa chọn được những khách hàng có đủ năng lực pháp lý, có đủ năng lực tài chính, có tư cách đạo đức tốt. Nhờ đó, các khoản cho vay an toàn và hiệu quả hơn, hoạt động cho vay cũng nhanh chóng và thuận tiện hơn. Cán bộ ngân hàng chính là hình ảnh phản chiếu của ngân hàng trong mắt khách hàng.

- Công tác thông tin

Trên cơ sở nguồn thông tin nhận được, ngân hàng thực hiện phân tích để đánh giá khả năng hiện tại và tiềm năng trong tương lai của khách hàng về sử dụng vốn cũng như khả năng hoàn trả vốn vay cho ngân hàng. Ngân hàng sẽ xem xét những tình huống có thể dẫn đến rủi ro và tiên lượng khả năng kiểm soát của ngân hàng về các rủi ro đó, dự kiến các biện pháp phòng ngừa và hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. Từ đó làm cơ sở để ra quyết định tín dụng, chấp thuận hay không chấp thuận cho vay. Các thông tin cần thu thập gồm:

+ Thông tin tài chính của khách hàng: Khả năng tài chính của khách hàng, thu nhập hiện tại, khả năng trả nợ, bảo đảm tiền vay.

+ Thông tin phi tài chính của khách hàng: Tư cách, uy tín, các mối quan hệ xã hội, học vấn, trình độ.

+ Các thông tin gián tiếp khác nhưng ảnh hưởng tới khả năng trả nợ: Triển vọng nghề nghiệp, tình hình kinh tế xã hội.

- Công nghệ của ngân hàng

Công nghệ hiện đại giúp cho ngân hàng cung cấp các dịch vụ hiện đại, phong phú phục vụ nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của khách hàng. Trong khi đó, đặc thù của hoạt động cho vay khách hàng cá nhân là giao dịch với lượng khách hàng lớn và đa dạng, ngân hàng phải thực hiện một số lượng lớn các hợp đồng cho vay. Do đó, hệ thống công nghệ hiện đại vừa giúp tiết kiệm được thời gian công sức của cán bộ tín dụng, vừa nhằm hạn chế tối đa sự nhầm lẫn, sai sót trong quá trình giao dịch với khách hàng. Mặt khác, làn sóng Fintech của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 được dự đoán có thể thay đổi cách các ngân hàng, công ty và người dùng chi tiêu,

quản lý và tiết kiệm tiền bạc. Do vậy, ngân hàng cũng cần nghiên cứu để tận dụng cơ hội này, tránh việc bị tụt hậu lại phía sau.

Một phần của tài liệu 0111 giải pháp mở rộng cho vay tiêu dùng trên địa bàn tỉnh hải dương tại NHTM CP đầu tư và phát triển VN chi nhánh bắc hải dương luận văn thạc sỹ (FILE WORD) (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(112 trang)
w