1.2.1.1. Khái niệm về M&A
Theo Damodaran Aswath thì “Sáp nhập được hiểu là sự kết hợp của hai hay nhiều công ty, doanh nghiệp thành một đơn vị công ty. Điều đó có nghĩa là một đơn vị tồn tại và các đơn vị khác mất sự tồn tại của công ty, đơn vị tồn tại sẽ sở hữu các tài sản cũng như trách nhiệm của các công ty bị sáp nhập” (Damodaran Aswath 1997).
Theo Mallikajiunappa, T.và P.Nayak thì “Mua lại là một hành động kiểm soát hiệu quả của một công ty đối với tài sản (mua tài sản, mua cổ phiếu, giành quyền kiểm soát thông qua hội đồng quản trị) của một công ty khác mà không cần sự kết hợp hay thống nhất về mặt tổ chức” (Mallikajiunappa, T.và P.Nayak 2007).
Theo Kishore và Ravi M. thì “Sáp nhập được cho là xảy ra khi hai hay nhiều công ty kết hợp thành một công ty và chỉ có một công ty tồn tại. Khi các cổ đông của
hai hay nhiều công ty quyết định dành nguồn lực dưới một tổ chức bao trùm thì được gọi là sáp nhập, còn nếu như kết quả của một thương vụ sáp nhập mà một công ty mới được hình thành và tồn tại thì được gọi là hợp nhất” (Kishore & Ravi M, 2009).
Theo Ransariya, Shailesh N. thì “Sáp nhập là từ được viết tắt bởi các chữ cấu tạo nên bản thân từ Merger đó là: M - Mixing (pha trộn), E - Entity (thực thể, chủ thể), R- Recourse for (nguồn lực cho), G- Growth (tăng trưởng), E- Enrichment (làm giàu thêm), R-Renovation (đổi mới). Còn một vụ mua lại có thể được định nghĩa như là một hành động có được sự kiểm soát hiệu quả của một công ty đối với tài sản của một công ty khác mà không cần bất kỳ sự kết hợp của các công ty nào khác. Và như vậy, thì trong trường hợp mua lại, hai hoặc nhiều công ty có thể vẫn còn độc lập, riêng biệt trong tính pháp lý về thực thể, nhưng có một sự thay đổi trong kiểm soát của công ty” (Ransariya & Shailesh N 2010).
Theo Nguyễn Thị Diệu Chi thì “Sáp nhập là hai hay một số doanh nghiệp cùng thỏa thuận với nhau nhằm chia sẻ tài sản, thị phần, thương hiệu để hình thành nên một doanh nghiệp mới với tên gọi mới và chấm dứt sự tồn tại của các doanh nghiệp cũ. Còn mua lại chỉ một doanh nghiệp thực hiện việc mua lại hoặc thôn tính một doanh nghiệp khác và không hình thành nên một pháp nhân mới. Mua lại xảy ra khi một doanh nghiệp mua lại giành dược quyền kiểm soát cổ phiếu và quyền kinh doanh hoặc tài sản của doanh nghiệp mục tiêu. Mua lại thường xảy ra ở các thương vụ mang tính chất thù dịch, thâu tóm lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, tổ chức” (Nguyễn Thị Diệu Chi, 2014).
Trong từ điển Oxford, Sáp nhập (Mergers) là sự kết hợp của hai hoặc nhiều công ty để tạo ra một công ty mới duy nhất có quy mô lớn hơn. Sáp nhập thường do sự tự nguyện của các bên tham gia. Còn mua lại (Acquisitions) là việc một công ty mua lại một công ty khác.Thông thường một công ty lớn hơn sẽ mua lại công ty nhỏ hơn (Truy cập Website 2017).
Tóm lại, theo cách hiểu thông lệ quốc tế thì M&A được hiểu như sau:
Sáp nhập (Merger): là hoạt động xảy ra khi hai hay nhiều công ty có cùng quy mô đồng ý tiến tới thành lập một công ty mới hơn mà vẫn duy trì sở hữu và hoạt động của các công ty thành phần. Các công ty bị sáp nhập sẽ chấm dứt hoạt động và chứng khoán của các công ty này sẽ được xóa bỏ và công ty mới sẽ tiến hành phát hành chứng khoán thay thế.
Mua lại (Acquisition): là hoạt động thông quá đó các công ty tìm kiếm lợi thế kinh tế nhờ quy mô, hiệu quả và khả năng chiếm lĩnh thị trường. Khác với sáp nhập, các công ty thâu tóm sẽ mua lại công ty mục tiêu, không có sự thay đổi vè chứng khoán hoặc sự hợp nhất thành một công ty mới. Dưới góc độ pháp lý thì công ty mục tiêu sẽ chấm dứt hoạt động nhưng chứng khoán vẫn tiếp tục được giao dịch, còn công ty thâu tóm sẽ có quyền kiểm soát quản lý và quyết định hoạt động kinh doanh của công ty mục tiêu và chứng khoán của công ty thâu tóm vẫn tiếp tục được giao dịch bình thường.
Ở Việt Nam, xét về phương diện pháp lý thì cách hiểu về mua lại và sáp nhập được thể hiện trong hai bộ luật: Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 và Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11. Cụ thể: trong Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 ngày 3 tháng 12 năm 2004, điều 17 có ghi “Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại” (Quốc hội 2004). Còn trong Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014, điều 195 có ghi “Sáp nhập doanh nghiệp (hợp nhất doanh nghiệp) là hai hay một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất”, nhưng trong Luật doanh nghiệp 2014 lại không có quy định về mua lại doanh nghiệp (Quốc hội 2014).
Sự khác nhau giữa sáp nhập và mua lại:
Mặc dù thường được dùng chung với nhau trong một thuật ngữ M&A, nhưng sáp nhập và mua lại có sự khác nhau. Khi một công ty thâu tóm một công ty khác và trở thành chủ sở hữu mới thì đó là sự mua lại. Về khía cạnh pháp lý, công ty bị mua lại không còn tồn tại, còn cổ phiếu công ty mua lại tiếp tục được giao dịch. Còn sáp nhập xảy ra khi hai công ty, thường có quy mô tương đương nhau, thỏa thuận để cùng trở thành một công ty mới duy nhất. Cổ phiếu của hai công ty sẽ ngưng giao dịch và thay vào đó là cổ phiếu của công ty mới.
Trong hoạt động M&A có 2 chủ thể tham gia:
- Công ty thu mua (Acquiring company): là công ty tìm mua một công ty khác. - Công ty mục tiêu (Target company): là công ty bị sáp nhập hay mua lại.
a. Phân loại Sáp nhập:
- Căn cứ vào khái niệm của sáp nhập thì bao gồm 2 loại:
Sáp nhập thông thường: tức là trường hợp xảy ra khi tên của doanh nghiệp sau khi thực hiện sáp nhập trùng với tên của doanh nghiệp trước khi tiến hành xong thương vụ sáp nhập.
Sáp nhập đặc biệt: tức là trường hợp xảy ra khi tên của doanh nghiệp sau khi thực hiện sáp nhập không trùng với tên của bất kỳ doanh nghiệp nào trước khi tiến hành xong thương vụ sáp nhập.
- Căn cứ vào mối quan hệ giữa các bên tham gia sáp nhập thì bao gồm 3 loại (Lưu Minh Đức, 2008):
Sáp nhập theo chiều ngang: là sự sáp nhập giữa hai hay nhiều công ty cạnh tranh trực tiếp về cùng lĩnh vực kinh doanh trong đó công ty bị sáp nhập là đối thủ cạnh tranh trước đây. Kết quả từ sự sáp nhập theo dạng này sẽ đem lại cho bên sáp nhập cơ hội mở rộng thị trường, giảm chi phí cố định, tăng cường hiệu quả của hệ thống phân phối và hậu cần. Do vậy, khi hai đối thủ cạnh tranh trên thương trường kết hợp lại với nhau thì họ không những làm giảm bớt cho mình một đối thủ mà còn tạo nên một sức mạnh lớn hơn để đương đầu với các đối thủ còn lại. Đa số các vụ sáp nhập theo chiều ngang diễn ra trong các ngành ôtô, dược, viễn thông, dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…
Sáp nhập theo chiều dọc: là sự sáp nhập giữa hai hay nhiều công ty nằm ở những giai đoạn khác nhau của một quy trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ hay là khách hàng của nhau. Các công ty sáp nhập theo chiều dọc có quan hệ người mua- người bán với nhau. Một công ty có thể sáp nhập với một công ty là nhà cung cấp của nó, gọi là sáp nhập lùi, hoặc một công ty có quan hệ thân cận trong hệ thống phân phối sản phẩm đến nguời tiêu dùng, gọi là sáp nhập tiến.
Sáp nhập tổ hợp: là sự sáp nhập giữa hai hay nhiều công ty hoạt động ở các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh không liên quan tới nhau, không có quan hệ người mua - người bán và cũng chẳng phải là đối thủ cạnh tranh của nhau. Nói cách khác, nếu một cuộc sáp nhập không rơi vào hai trường hợp sáp nhập theo chiều dọc hoặc sáp nhập theo chiều ngang thì đó là sáp nhập tổ hợp.
- Căn cứ vào phạm vi lãnh thổ thì sáp nhập bao gồm 2 loại (Ngô Đức Huyền Ngân, 2009):
Sáp nhập trong nước: là những thương vụ sáp nhập, mua lại giữa các công ty hay tổ chức trong cùng một quốc gia.
Sáp nhập xuyên biên: là những thương vụ sáp nhập, mua lại giữa các công ty hay tổ chức thuộc hai quốc gia khác nhau.
b. Phân loại Mua lại:
- Căn cứ vào khái niệm của mua lại thì bao gồm 2 loại:
Mua lại một phần: tức là doanh nghiệp đi mua sẽ mua lại một phần giá trị tài sản của doanh nghiệp bị mua lại, chỉ đủ để chi phối tác động tới việc ra quyết định trong việc điều hành doanh nghiệp.
Mua lại toàn bộ: tức là doanh nghiệp đi mua sẽ mua lại toàn bộ giá trị tài sản của doanh nghiệp bị mua lại, chiếm lấy toàn bộ quyền sở hữu doanh nghiệp.
- Căn cứ vào thái độ của công ty mục tiêu thì mua lại gồm 2 loại (Patrick A. Gaughan, 2010):
Mua lại hợp tác: là hoạt động mua lại công ty khi được ban điều hành công ty mục tiêu đồng ý và ủng hộ trên cơ sở thương lượng giữa hai bên. Việc mua lại đó có thể bắt nguồn từ lợi ích chung của cả hai bên.
Mua lại bất hợp tác: là hoạt động mua lại công ty mà không có sự ủng hộ của ban điều hành của công ty mục tiêu. Việc mua lại có thể ảnh hưởng xấu đến công ty mục tiêu và đôi khi gây tổn hại đến cả bên mua lại. Hoạt động này diễn ra khi công ty mua lại thực hiện việc mua lại cổ phiếu của công ty mục tiêu thông qua phương thức lôi kéo cổ đông bất mãn, mua gom dần cổ phiếu trên thị trường, và các phương thức khác khi mà không đạt được sự đồng thuận hay biết trước của ban điều hành công ty mục tiêu.