Tăng quy mô vốn chủ sở hữu và nâng cao hệ số an toàn vốn

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại sau ma ở việt nam theo các tiêu chí camels (Trang 144 - 148)

* Mục tiêu của giải pháp: Giải pháp này xuất phát từ lý luận cũng như thực tiễn trong hoạt động kinh doanh Ngân hàng. Về lý thuyết, vốn chủ sở hữu được coi là tấm nệm chống đỡ rủi ro của NHTM. Việc tăng vốn chủ sở hữu sẽ giúp các NHTM sau M&A mở rộng thêm được quy mô hoạt động và gia tăng khả năng tìm kiếm lợi nhuận. Trước những áp lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế cũng như tiến trình tự do hóa tài chính trong hoạt động ngân hàng, việc tăng quy mô vốn chủ sở hữu và đảm bảo hệ số an toàn vốn luôn là yếu tố cần thiết để mỗi NHTM Việt Nam sau M&A củng cố vị thế cạnh tranh trên thị trường.

* Nội dung của giải pháp: Trong bối cảnh tới đây, để tăng vốn chủ sở hữu, các NHTM sau M&A cần xem xét một số những nội dung sau đây:

Một là, cần phải có nhận thức đúng đắn trong quan điểm tăng vốn chủ sở hữu: thực tế phân tích cho thấy không thể phủ nhận sự cần thiết của việc tăng quy mô vốn chủ sở hữu trong quá trình phát triển của các NHTM. Tuy nhiên, mỗi một ngân hàng có phân khúc thị trường khác nhau nên yêu cầu về quy mô vốn chủ sở hữu cũng sẽ khác nhau. Không phải các NHTM có quy mô vốn lớn đều hoạt động tốt và những ngân hàng quy mô nhỏ là kém an toàn. Có những ngân hàng quy mô nhỏ nhưng vẫn được đánh giá là ngân hàng hoạt động có hiệu quả hơn so với những ngân hàng quy mô vốn lớn. Bởi yếu tố hàng đầu có tính quyết định đối với kết quả hoạt động của các NHTM Việt Nam hiện nay là năng lực quản trị của ngân hàng chứ không phải chỉ phụ thuộc vào quy mô vốn chủ sở hữu. Mặt khác, việc đảm bảo hệ số an toàn vốn không chỉ là tăng quy mô vốn chủ sở hữu mà còn tùy thuộc vào việc điều chỉnh quy mô tài sản có rủi ro của ngân hàng. Vì vậy, tăng vốn chủ sở hữu và điều chỉnh quy mô, mức độ rủi ro của tài sản có luôn là hai vấn đề cần được cân nhắc với các nhà điều hành ngân hàng trong mỗi thời kỳ.

Hai là, việc tăng vốn chủ sở hữu ngân hàng cần phải thực hiện theo lộ trình, tránh tình trạng tăng vốn một cách đột biến như thực tế tại nhiều ngân hàng trong thời gian trước đây. Nếu tăng vốn một cách đột biến khiến các ngân hàng chịu nhiều áp lực trong việc tăng quy mô tài sản Có cũng như đòi hỏi về năng lực quản trị rủi ro. Mỗi ngân hàng có lộ trình tăng vốn riêng của mình, khi xây dựng lộ trình tăng vốn hợp lý cần được xem xét trên các căn cứ sau: (i) Việc tăng vốn phải phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng. Trong ngắn hạn cũng như dài hạn, chiến lược hoạt động được coi là nền tảng cho việc ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn. (ii) Việc tăng vốn của ngân hàng phải phù hợp với phân khúc thị trường mục tiêu và năng lực quản trị của ngân hàng. (iii) Lộ trình tăng vốn phải phù hợp yêu cầu tuân thủ quy định pháp lý về an toàn hoạt động ngân hàng. Do tính chất kinh doanh rủi ro nên các NHTM sau M&A luôn phải chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của quy định pháp luật. Vì vậy, việc đảm bảo mức vốn pháp định và hệ số an toàn vốn tối thiểu là những yêu cầu bắt buộc mà các NHTM sau M&A phải tuân thủ. (iv) Việc tăng vốn phải cân xứng giữa chi phí tăng vốn và hiệu quả sử dụng vốn sau khi tăng. Bởi việc tăng vốn luôn đi đôi với chính sách chi trả cổ tức cho cổ đông, nên nếu hiệu quả sử dụng vốn thấp thì chính sách tăng vốn không đem lại sự gia tăng sức mạnh tài chính cho ngân hàng mà nó chỉ tăng gánh nặng rủi ro cho ngân hàng mà thôi.

Phương án tăng vốn đối với các NHTM sau M&A có thể lựa chọn là:

Tăng vốn dựa vào nguồn lợi nhuận tích lũy: để thực hiện được phương án này thì lợi nhuận ở đây phải là lãi thực chứ không phải lãi chỉ dừng trên sổ sách của ngân

hàng và phải được sự chấp thuận của các cổ đông. Việc giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức ít đi tất yếu sẽ không làm hài lòng các cổ đông. Tuy vậy, họ cũng phải hiểu rằng, việc Ngân hàng tăng vốn lên cũng chính là sức khỏe của họ được tăng lên, cổ đông được hưởng giá trị gia tăng mà cổ phiếu của họ mang lại. Nên mặc dù các cổ đông có thể sẽ nhận ít tiền mặt hơn, nhưng tài sản của họ sẽ tăng lên do việc các NHTM sau M&A có thể tăng vốn chủ sở hữu thông qua việc giữ lại lợi nhuận. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, việc tăng vốn của các NHTM sau M&A từ việc trích lập lợi nhuận sẽ có những hạn chế nhất định do mới thực hiện xong việc M&A nên lợi nhuận của các NHTM này chưa ổn định và tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, vì sau khi thực hiện M&A thì các NHTM sau M&A thường là các NHTM có quy mô vốn lớn hơn so với trước khi thực hiện M&A và khả năng cạnh tranh sẽ vượt trội hơn so với các NHTM khác nên cũng hồi phục nhanh khi kinh tế Việt Nam được khởi sắc. Do vậy, các NHTM sau M&A cần phải cân nhắc phân chia tỷ lệ hợp lý giữa lợi nhuận để lại và chính sách cổ tức cho cổ đông.

Tăng vốn từ các cổ đông hiện hữu: sau khi thực hiện M&A thì các NHTM sẽ có quy mô vốn lớn hơn, những cổ đông hiện hữu thường có xu hướng muốn nắm giữ cổ phiếu ngân hàng để giữ tỷ lệ sở hữu cổ phiếu hay không bị loãng quyền sở hữu cổ phiếu của mình cũng như chiến lược đầu tư dài hạn. Do vậy, việc thu hút vốn của các cổ đông hiện hữu sẽ dễ được các cổ đông đón nhận.Trong bối cảnh hiện nay, phương thức tăng vốn này được coi là có tính khả thi nhất. Cho dù, tại thời điểm hiện tại việc tăng vốn này sẽ bị hạn chế bởi tiềm lực tài chính của các cổ đông hiện hữu trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều yếu tố bất lợi, nhất là với những cổ đông pháp nhân trong xu hướng thoái vốn ở những lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành. Theo lộ trình tái cấu trúc nền kinh tế và hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020, nếu quá trình tái cấu trúc thành công theo dự kiến, tình hình tài chính của các doanh nghiệp hay tập đoàn kinh tế được cải thiện thì việc tăng vốn của các NHTM sau M&A bằng con đường này sẽ có tính khả thi cao hơn. Mặt khác, các NHTM sau M&A cần tăng vốn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hiện nay một số NHTM sau M&A nếu trích đủ dự phòng và thoái lãi dự thu thì không có lợi nhuận. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cổ đông và uy tín của ngân hàng thì cần có cơ chế đặc thù về trích dự phòng vả lãi dự thu, từ đó có lợi nhuận hàng năm để chia cổ tức. Đối với những trường hợp này thì NHTM phải chia cổ tức bằng cổ phiếu để dòng tiền không ra khỏi ngân hàng tăng được vốn chủ sở hữu, dẫn đến tăng năng lực tài chính cho ngân hàng.

Tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu rộng rãi ra công chúng: Để tăng mạnh quy mô vốn chủ sở hữu thì phương án tăng vốn thông qua việc chào bán cổ

phiếu ra công chúng là một lựa chọn cho bất cứ một NHTM nào. Với các NHTM sau M&A, việc gọi vốn bằng cách thức này sẽ có nhiều điểm thuận lợi bởi vì các NHTM sau M&A thường là những NHTM có uy tín thương hiệu từ trước trong ngành ngân hàng nên với những nhà đầu tư có tính chiến lược dài hạn thì cổ phiếu của những ngân hàng này luôn được họ sẵn sàng đón nhận. Hơn nữa, với những diễn biến trên thị trường chứng khoán từ 2013 đến nay thì thị trường chứng khoán đang có nhiều khởi sắc, kênh đầu tư chứng khoán có sự hấp dẫn hơn so với việc gửi tiền tiết kiệm hay đầu tư vào vàng, bất động sản do lãi suất tiền gửi giảm thấp, tính kém thanh khoản của thị trường bất động sản và xu hướng giảm của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 2016 - 2020, phương án tăng vốn này vẫn có thể chưa được coi là tối ưu đối với các NHTM sau M&A nói riêng với hai lý do: (i) Việc phát hành cổ phiếu ra công chúng của NHTM hiện tại khó có thể đem lại mức thặng dư vốn cho các NHTM. Bởi mặc dù thị trường chứng khoán đã có nhiều khởi sắc, nhưng nhìn chung với tâm lý dè dặt cũng như những hạn chế về khả năng tài chính của các nhà đầu tư thì giá cổ phiếu ngân hàng không tăng một cách đột biến. Hơn nữa, với tình trạng thoái vốn ngân hàng hàng loạt của các cổ đông chiến lược sẽ đẩy nguồn cung cổ phiếu ngân hàng tăng, do vậy giá cổ phiếu ngân hàng vẫn khó có thể được đẩy mạnh. (ii) Cũng như đã phân tích ở trên, tăng vốn ở thời điểm này sẽ đi đôi với với áp lực tăng quy mô tài sản Có. Trong khi hiệu quả đầu tư của nền kinh tế thấp như hiện nay thì việc việc tăng vốn là không cần thiết, nhất là những áp lực về tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn không quá cấp bách đối với các NHTM sau M&A. Sau giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế và hệ thống ngân hàng 2016-2020 thì tùy vào chiến lược “tăng tốc” để các NHTM nói chung và NHTM sau M&A nói riêng sẽ sử dụng phương án phát hành cổ phiếu rộng rãi ra công chúng để tăng vốn cho mình.

Thu hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài: sau khi thực hiện M&A các NHTM này sẽ là những ngân hàng có nhiều triển vọng phát triển và cũng sẽ là tâm điểm thu hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo tinh thần Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nâng lên 20% (quy định cũ là 15%); tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam. Trong số các NHTM sau M&A thì vẫn có những ngân hàng còn mức “room” lớn như Maritimebank (Mức vốn cổ phần nước ngoài hiện tại là 0%), Sacombank (Tổng mức vốn đầu tư nước ngoài là 5,43%), SHB (Tổng mức vốn đầu tư nước ngoài là 1,76%). Với những ngân hàng này muốn tăng vốn đầu tư nước ngoài phải tìm kiếm các nhà đầu tư mới, mà điều này

không phải dễ dàng khi tìm một đối tác có sự phù hợp về quan điểm và chiến lược kinh doanh. Hơn nữa, xét về lợi ích thì nhóm NHTM sau M&A cũng không mặn mà trong việc hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài ở thời điểm này, bởi tình trạng nợ xấu cũng như điều kiện kinh doanh khó khăn hiện nay nên các NHTM trong nước khó đạt được giá bán như mong muốn. Do vậy, phương án tăng vốn này sẽ không được các NHTM sau M&A đặt lên hàng đầu trong bối cảnh hiện tại. Sau quá trình tái cấu trúc giai đoạn 2016-2020, khi tình hình tài chính của các ngân hàng đã được minh bạch và cải thiện hơn thì đây là phương án sẽ được các NHTM nói chung và NHTM sau M&A nói riêng cân nhắc.

Tiếp tục thực hiện mua lại hoặc sáp nhập (M&A) với các NHTM khác: mặc dù bản thân các NHTM này đã thực hiện M&A rồi nhưng trong giai đoạn tái cấu trúc lần 2 thì đây vẫn được coi là một phương án hợp pháp. Với những NHTM mà sau khi thực hiện M&A có “sức khỏe tốt” thì giải pháp này có thể tạo “cú bật” trong việc mở rộng thị trường để chiếm giữ thêm thị phần. Tuy nhiên, với các NHTM sau M&A mà đang gặp những vấn đề về quản trị, nợ xấu, lợi nhuận giảm sút thì việc tiếp tục lại “cõng thêm” một ngân hàng yếu thì e rằng sẽ làm cho tình hình tài chính của các ngân hàng khó có thể được cải thiện. Do vậy, các NHTM sau M&A này nên nhắm đến việc sáp nhập với một ngân hàng lớn hơn để trở thành một NHTM có quy mô lớn hẳn thuộc tốp 1 còn nếu không thì không nên tiếp tục thực hiện M&A thêm lần nữa.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại sau ma ở việt nam theo các tiêu chí camels (Trang 144 - 148)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)