Những hạn chế

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại sau ma ở việt nam theo các tiêu chí camels (Trang 119 - 122)

Mặc dù số vốn của các ngân hàng được hình thành sau M&A tăng, có sự kế thừa và phát huy được năng lực trong quản trị điều hành của các ngân hàng, kế thừa được các thế mạnh của các hoạt động dịch vụ của các ngân hàng, nhưng năng lực tài chính không phải ngân hàng nào cũng đạt được chuẩn mực quốc tế theo các tiêu chí Camels mà có những ngân hàng đạt được nhưng có ngân hàng chưa đạt bởi vì điểm khác biệt của các NHTM hình thành sau M&A so với các NHTM khác là đa số các

NHTM này đang phải gánh chịu hậu quả của các ngân hàng được sáp nhập với số dư nợ xấu lớn, lãi dự thu phải thoái cao, lỗ lũy kế cũng không nhỏ… Các hạn chế về năng lực tài chính của các NHTM sau M&A theo tiêu chí Camels như sau:

(1) Mức độ an toàn vốn:

Quy mô vốn chủ sở hữu: đa số các ngân hàng chưa đạt thậm chí có ngân hàng còn chưa đạt được 50% so với chuẩn mực quốc tế theo các tiêu chí Camels. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng huy động vốn, đầu tư tài chính, công nghệ, phát triển dịch vụ của ngân hàng.

Hệ số đòn bẩy tài chính: đa số các ngân hàng có hệ số đòn bẩy tài chính chưa phù hợp, có ngân hàng có hệ số thấp hơn nhiều so với chuẩn mực quốc tế theo các tiêu chí Camelsnhư Maritimebank nhưng có ngân hàng có hệ số cao hơn nhiều như BIDV, SHB, SCB. Hệ số này quá cao sẽ gây mất khả năng thanh toán còn nếu thấp quá thì hiệu quả ngân hàng thấp.

(2) Chất lượng tài sản:

Danh mục cho vay trên tài sản: BIDV, SHB trong năm gần đây có tỷ lệ dư nợ cho vay trên tài sản vượt quá lớn so với tiêu chí Camels trong khi đó Maritimebank có tỷ lệ này khá thấp < 40%. Tỷ lệ này quá lớn một mặt thể hiện khả năng cho vay tốt, thu nhập tăng mặt khác là nguy cơ dẫn tới rủi ro thanh khoản của ngân hàng nhưng ngược lại tỷ này thấp cho thấy khả năng cho vay thấp thu nhập của ngân hàng giảm.

Tỷ lệ nợ xấu: theo tiêu chí Camels thì đa số các NHTM hoạt động sau M&A đều chưa đạt chuẩn mực quốc tế (1%) nhưng nếu theo quy định của NHNN Việt Nam (3%) đều đảm bảo quy định. Tỷ lệ nợ xấu cao chứng tỏ công tác quản trị tín dụng của ngân hàng chưa tốt, nguy cơ xảy ra rủi ro tín dụng.

Tỷ lệ chi phí dự phòng: đa số các ngân hàng tỷ lệ chi phí dự phòng không cao, thậm chí có ngân hàng còn có tỷ lệ này thấp hơn nhiều mức tiêu chuẩn Camels như HDBank, SCB. Tỷ lệ này thấp là nguy cơ dẫn tới khả năng ngân hàng bị mất vốn, ngân hàng không bù đắp được khoản cho vay không còn khả năng thu hồi. Một số ngân hàng nếu trích đủ dự phòng theo quy định thì sẽ bị lỗ, thậm chí lỗ rất lớn (số lỗ vượt quá số dư vốn chủ sở hữu). Một số ngân hàng nếu phải thoái hết ngay số lãi dự thu theo quy định thì cũng bị lỗ.

(3) Năng lực quản lý:

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận: Lợi nhuận của các ngân hàng giai đoạn hoạt động sau M&A có sự biến động, tăng trưởng không đều, đa số có sụt giảm ở những

năm đầu sau khi M&A và sau lợi nhuận tăng trưởng ổn định ở những năm gần đây. Điều này cho thấy các ngân hàng năng lực quản trị chưa được tốt, hoạt động không ổn định khi mới tiến hành M&A và sau đó đã có chính sách phát triển tốt hơn cùng với sự ổn định của nền kinh tế nên lợi nhuận tăng mạnh hơn năm 2019.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng: các ngân hàng thương mại sau M&A có tốc độ tăng trưởng tín dụng không đều, có ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng không cao như PVcombank, SCB… chứng tỏ rằng năng lực quản trị điều hành của các ngân hàng chưa tốt, hoạt động tín dụng ngân hàng thiếu sự ổn định và phát triển.

(4) Khả năng sinh lời:

Chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA): Trong các năm hoạt động của các ngân hàng thương mại sau M&A, các ngân hàng đều có ROA ở mức thấp dưới tiêu chí Camels thậm chí còn nhỏ hơn nhiều so với chuẩn mực quốc tế. Điều này chứng tỏ rằng năng lực quản lý điều hành quản trị của các ngân hàng đều thấp, việc chuyển tài sản thành lãi ròng chưa tốt.

Chỉ tiêu tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE): Các NHTM sau M&A có tỷ lệ này ở mức thấp hơn so với tiêu chí Camels nhất là ngân hàng PVcombank, SCB. Điều này cho thấy năng lực quản lý điều hành của các NHTM sau M&A chưa tốt, hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng cho đầu tư, cho vay chưa hiệu quả.

Tỷ lệ lãi cận biên (NIM): các NHTM sau M&A có NIM thấp hơn nhiều so với chí Camels thậm chí có ngân hàng tỷ lệ này còn nhỏ hơn 1% như PVcombank, SCB. Kết quả này cho thấy năng lực quản trị điều hành của các ngân hàng chưa được tốt, sử dụng tài sản chưa hiệu quả.

Tỷ lệ ngoài lãi cận biên (NNIM): Hầu hết là sau M&A các ngân hàng mới hình thành có NNIM thấp hơn nhiều so với tiêu chí Camels. Năm 2017 chỉ có Maritimebank đạt chuẩn Camels nhưng ở mức khá khiêm tốn (1,6%). Điều này cho thấy các NHTM sau M&A năng lực quản trị điều hành đều chưa tốt chưa chú trọng tới các hoạt động dịch vụ nên thu nhập ngoài lãi thấp.

(5) Khả năng thanh khoản:

Tỷ lệ tổng tiền gửi trên tổng tài sản: tỷ lệ này có sự biến động qua các năm hoạt động của các NHTM sau M&A, nhiều ngân hàng có tỷ lệ này thấp hơn mức tiêu chuẩn. Năm 2019, Maritimebank, HDBank có tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với theo tiêu chí Camels (> 75%).

Tỷ lệ tổng dư nợ trên tổng tiền gửi: tỷ lệ này có sự biến động qua các năm hoạt động sau M&A của các ngân hàng. Năm 2017-2019, ngân hàng tỷ lệ này thấp như PVcombank, Maritimebank nhưng có ngân hàng tỷ lệ khá cao vượt khung an toàn như SHB, HDBank, BIDV, LPB. Tỷ lệ này cao quá hoặc thấp quá đều không tốt, đều ảnh hưởng tới khả năng sinh lời của ngân hàng.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại sau ma ở việt nam theo các tiêu chí camels (Trang 119 - 122)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)