Quan điểm 1: Nâng cao năng lực tài chính luôn là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hoạt động của các NHTM Việt Nam sau M&A: Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, áp lực cạnh tranh đối với các ngân hàng ngày càng gay gắt, nâng cao năng lực tài chính là yếu tố sống còn của các NHTM nói chung. Với mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận, các NHTM nói chung và NHTM sau M&A nói riêng phải tăng sức chống đỡ đối với rủi ro. Đồng thời, các ngân hàng này cần được áp dụng một số cơ chế đặc thù về giảm trích lập dự phòng, giảm thời gian trái phiếu VAMC từ 5 năm lên 10 năm (nếu cần thiết); phân bổ lãi dự thu thành nhiều năm theo năng lực tài chính của ngân hàng tránh trường hợp phải hạch toán lỗ.
Quan điểm 2: Nâng cao năng lực tài chính luôn phải gắn liền với chiến lược, mục tiêu hoạt động của các Ngân hàng thương mại sau M&A trong từng giai đoạn: Mỗi một NHTM đều có những mục tiêu hoạt động của mình, có thể là những mục tiêu trong ngắn hạn hay mục tiêu chiến lược dài hạn. Do đó, năng lực tài chính phải đảm bảo để NHTM có thể thực hiện tốt nhất những mục tiêu đặt ra của mình. Như vậy có thể nói, một NHTM được coi là có năng lực tài chính tốt thì trước tiên phải đảm bảo yêu cầu thực hiện mục tiêu của NHTM. Mặc dù xét về bản chất kinh doanh, cái đích cuối cùng mà NHTM hướng tới là lợi nhuận, nhưng con đường tìm kiếm lợi nhuận không phải NHTM nào cũng giống nhau nên yêu cầu về năng lực tài chính cũng khác nhau. Nếu một NHTM xác định thị trường mục tiêu ở khu vực nông thôn thì mức độ đòi hỏi những yêu cầu về năng lực tài chính không như những NHTM theo đuổi thị trường thành thị với những lĩnh vực kinh doanh đa năng hơn. Hơn nữa, năng lực tài chính của mỗi một NHTM không phải là vô hạn do các điều kiện tác động nên mục tiêu đặt ra cũng phải phù hợp với khả năng về năng lực tài chính. Với những ngân hàng có năng lực tài chính hạn chế mà trong khi lại theo đuổi những mục tiêu quá cao có thể làm gia tăng nguy cơ mất an toàn cho các NHTM đó. Trong điều kiện phát triển của nền kinh tế thị trường, áp lực cạnh tranh đối với NHTM ngày càng gia tăng. Mục tiêu của các NHTM là phải “thắng”được các đối thủ cạnh tranh, điều đó không cho
phép các NHTM “dừng chân”mà luôn phải phát triển các điều kiện chủ quan để làm tăng thêm khả năng thực hiện các hoạt động của mình.
Quan điểm 3: Nâng cao năng lực tài chính phải đảm bảo tính bền vững, an toàn hoạt động của hệ thống NHTM: Do tính chất kinh doanh đặc biệt của NHTM, nên NHTM không thể kinh doanh bất chấp rủi ro để đạt được mục đích lợi nhuận. Nâng cao năng lực tài chính của NHTM phải đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững, không xảy ra những đổ vỡ hay phá sản ngân hàng. Tình trạng phát triển “nóng” của NHTM như tăng trường cho vay quá mức, hay mở rộng quá nhiều lĩnh vực đầu tư vượt quá khả năng kiểm soát rủi ro của NHTM có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho các NHTM. Nâng cao năng lực tài chính của NHTM, không chỉ là tăng sức mạnh tài chính của NHTM hiện tại mà sức mạnh tài chính này phải được duy trì một cách bền vững. Điều này đòi hỏi các NHTM sau M&A phải có một lộ trình với những bước đi thận trọng chứ không phải chỉ “cuốn theo thị trường”. Đã có nhiều cuộc khủng hoảng ngân hàng trên thế giới xuất phát từ sự gia tăng quá mức năng lực tài chính của các NHTM. Để mở rộng quy mô, tăng bức đêm chống đỡ rủi ro việc gia tăng mạnh quy mô vốn chủ sở hữu ngân hàng đã tạo nên sức ép với các NHTM về việc mở rộng qui mô cho vay hay đầu tư. Chính điều này đã làm cho việc tăng năng lực tài chính trở thành phản tác dụng. Để đảm bảo sự phát triển an toàn của các NHTM nói chung và NHTM sau M&A nói riêng đòi hỏi vai trò “giám sát” của các cơ quan lý, định hướng và điều tiết hoạt động của các NHTM theo yêu cầu chung về an toàn hệ thống.
Quan điểm 4: Nâng cao năng lực tài chính phải đáp ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế: Khi thị trường dịch vụ tài chính đã dần mở cửa, các cam kết quốc tế đã được ký kết và thực hiện như hiệp định thương mại Việt Mỹ, AFTA, WTO và tới đây là hiệp định TTP đòi hỏi các NHTM phải đủ sức “chiến đấu” không chỉ với các NHTM trong nước, mà còn phải đối mặt với những ngân hàng “hùng mạnh” có tầm cỡ quốc tế. Điều đó cho thấy nâng cao năng lực tài chính phải đáp ứng được những yêu cầu chuẩn mực quốc tế. Nói một cách khác, nếu ví chặng đường phát triển của các NHTM như những bậc thang phải bước lên, thì bậc thang mà các NHTM buộc phải bước tới là điểm mà tiếp cận được các yêu cầu theo chuẩn mực quốc tế.
Quan điểm 5: Nâng cao năng lực tài chính đòi hỏi NHTM sau M&A luôn phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng về vốn và các dịch vụ ngân hàng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong nước: Khả năng tạo lập và sử dụng vốn không chỉ xuất phát từ mục tiêu riêng của mỗi NHTM. Là một trung gian tài chính, hệ thống các NHTM phải khẳng định vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế. Hoạt động của NHTM bao trùm lên tất cả các hoạt động kinh tế xã hội, sứ mệnh của các NHTM là
đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của các chủ thể trong nền kinh tế. Vì vậy, việc nâng cao năng lực tài chính phải phù hợp với những yêu cầu về vốn cũng như các dịch vụ ngân hàng khác mà nền kinh tế đòi hỏi. Mặt khác, việc nâng cao năng lực tài chính của NHTM cũng phải đảm bảo yêu cầu tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Không phải trong mọi trường hợp, việc gia tăng mạnh mẽ lượng vốn đáp ứng cho nền kinh tế cũng hoàn toàn được coi là đúng đắn khi nó có thể tạo ra những bất ổn của nền kinh tế như lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế do khai thác quá nhanh nguồn lực của nền kinh tế.
4.2. Giải pháp nâng cao năng lực tài chính cho các Ngân hàng thương mại sau M&A ở Việt Nam