Quan niệm về năng lực tài chính của Ngân hàng thương mại sau M&A

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực tài chính của các Ngân hàng thương mại sau M&A ở Việt Nam theo các tiêu chí Camels (Trang 42 - 44)

Tài chính là sự vận động của vốn tiền tệ diễn ra ở mọi chủ thể trong xã hội, nó phản ánh tổng hợp các mối quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình phân phối các nguồn tài chính thông qua việc tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ của các chủ thể nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các chủ thể trong nền kinh tế (Đinh Xuân Hạng và Phạm Ngọc Dũng, 2011). Do vậy, năng lực tài chính có thể hiểu là nguồn lực tài chính, là khả năng sử dụng các nguồn lực đó giúp cho tổ chức có thể theo đuổi được mục tiêu và thực hiện được các nghĩa vụ tài chính của mình. Năng lực tài chính là nhân tố nền tảng, là cơ sở cho mọi hoạt động của NHTM và là một trong những nhân tố chủ đạo ảnh hưởng tới năng lực quản trị rủi ro tín dụng trong các NHTM, cụ thể:

- Năng lực tài chính là một tiêu chí đánh giá, phản ánh khả năng ứng phó của Ngân hàng trước rủi ro có thể xảy ra. Điều này được thể hiện qua chỉ tiêu Vốn chủ sở hữu và khả năng thanh toán của NHTM. Thật vậy, khi rủi ro tín dụng xảy ra thì Vốn chủ sở hữu chính là yếu tố bù đắp các tổn thất tài chính có thể xảy ra. Nếu một NHTM có quy mô Vốn chủ sở hữu thấp, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu không cao thì khi có rủi ro tín dụng xảy ra, gây tổn thất về mặt tài chính sẽ khiến NHTM đó khó khăn trong công tác khắc phục các tổn thất tài chính.

- Năng lực tài chính thể hiện phần nào hiệu quả của hoạt động quản trị rủi ro tín dụng hay năng lực quản trị rủi ro tín dụng của NHTM. Điều này được thể hiện qua chỉ tiêu quy mô và chất lượng tài sản cũng như khả năng sinh lời của Ngân hàng. Chỉ tiêu này phản ánh đồng thời tốc độ tăng trưởng của tổng nguồn vốn và tài sản, có nghĩa là phần nào phản ánh về khả năng mở rộng tín dụng, mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như sự tăng trưởng của ngân hàng; đồng thời phản ánh tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu và tình trạng đảm bảo tiền vay. Các chỉ tiêu này cho biết mức độ gia tăng rủi ro của ngân hàng giữa các năm khi so sánh tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu giữa các năm. Qua phân tích chỉ tiêu quy mô và chất lượng tài sản ta có thể thấy được nếu như quy mô nguồn vốn và tài sản tăng tức ngân hàng đang mở rộng hoạt động kinh doanh mà tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu tăng với mức thấp hơn thập chí giảm thì cho thấy năng lực quản trị rủi ro của Ngân hàng có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Cũng đã có nhiều khái niệm khác nhau về “Năng lực tài chính của NHTM”. Trần Đại Bằng cho rằng “Năng lực tài chính của NHTM khác với năng lực tài chính của doanh nghiệp, bởi vì năng lực tài chính của doanh nghiệp là nguồn lực tài chính của bản thân doanh nghiệp; là khả năng tạo tiền, tổ chức lưu chuyển tiền hợp lý, đảm bảo khả năng thanh toán thể hiện ở quy mô vốn, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời… đủ để đảm bảo và duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả. Còn năng lực tài chính của một NHTM là khả năng tạo lập nguồn vốn và sử dụng vốn phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của ngân hàng; thể hiện ở quy mô vốn tự có, chất lượng tài sản, nguồn vốn và khả năng sinh lời… đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng” (Trần Đại Bằng, 2017). Theo Phan Thị Hằng Nga (2013, tr.38) thì “Năng lực tài chính của NHTM là khả năng tài chính để Ngân hàng thực hiện và phát triển hoạt động kinh doanh một cách có hiệu quả. Năng lực tài chính của NHTM không chỉ là nguồn lực tài chính đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng mà còn là khả năng khai thác, quản lý và sử dụng các nguồn lực đó phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng một cách hiệu quả. Năng lực tài chính không chỉ thể hiện sức mạnh hiện tại mà còn thể hiện sức mạnh tài chính tiềm năng, triển vọng và xu hướng phát triển có tính dài hạn bền vững của ngân hàng”. Còn theo Lã Thị Lâm (2015, tr.28) thì “Năng lực tài chính của NHTM là khả năng tạo lập nguồn vốn và sử dụng vốn để đáp ứng tối đa nhu cầu trong quá trình hoạt động kinh doanh của NHTM nhằm thực hiện mục tiêu đặt ra của NHTM”.

Đối với các NHTM được hình thành sau khi hoạt động M&A ngân hàng diễn ra thì năng lực tài chính cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các NHTM sau M&A có năng lực tài chính tốt phải là những NHTM luôn duy trì được hoạt động bình

thường và phát triển một cách ổn định, bền vững trong mọi điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội; có khả năng cung cấp tín dụng hiệu quả và các dịch vụ tài chính cho nền kinh tế. NHTM đó luôn đáp ứng được đầy đủ mọi yêu cầu của khách hàng về vốn và các dịch vụ ngân hàng theo xu hướng phát triển kinh tế xã hội trong nước và thế giới. Không những thế, các NHTM sau M&A còn phải đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mình một cách an toàn, không xảy ra bất cứ rủi ro nào dẫn tới việc phải tiến hành hoạt động M&A một lần nữa.

Từ những phân tích trên, tác giả luận án cho rằng “Năng lực tài chính của NHTM sau M&A là khả năng tài chính để ngân hàng có thể tạo ra lợi nhuận ổn định và đạt được tỷ suất lợi nhuận cao hơn trước đây cao hơn mức trung bình của ngành ngân hàng; để Ngân hàng thực hiện và phát triển hoạt động kinh doanh một cách an toàn, có hiệu quả, đồng thời khẳng định được vị thế của ngân hàng trên thị trường”.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực tài chính của các Ngân hàng thương mại sau M&A ở Việt Nam theo các tiêu chí Camels (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)