6. Kết cấu của luận án
3.3.3. Kiểm tra, giám sát dòng vốn FPI trên thị trường chứng khoán:
Để quản lý tốt dòng vốn FPI luân chuyển vào và ra trên thị trường chứng khoán, Ngân hàng nhà nước và Bộ tài chính phối hợp để rà soát và kiểm soát chặt chẽ các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn nước ngoài của chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng và danh mục đầu tư gián tiếp, để từ đó căn cứ vào mức dự trữ ngoại tệ để có đối sách thích hợp. Hơn nữa, ngân hàng nhà nước đã xử lý linh hoạt vấn để tỷ giá để tạo nên sự ổn định cho nền kinh tế, ngăn chặn nguy cơ rút vốn nước ngoài của các nhà đầu tư nước ngoài. Tiến hành đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp để tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm thu hút FPI. Việc chú trọng bán cổ phần cho các đối tác chiến lược nước ngoài cũng được chú trọng hơn. Cân đối về tỷ lệ room đối với các nhà đầu tư ngoại để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài nâng
127
cao tỷ lệ sở hữu vốn trong các doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo cân đối được tỷ lệ đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong các lĩnh vực cần bảo hộ. Bộ tài chính và Uỷ ban chứng khoán nhà nước đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp lý quan trọng để hoàn thiện thị trường chứng khoán, xây dựng và sửa đổi Luật chứng khoán, xây dựng đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán, hoàn thiện tổ chức để tăng niềm tin cho các nhà đầu tư và đảm bảo sự an toàn cho thị trường chứng khoán. Từ mô hình 2 Sở giao dịch chứng khoán ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thành lập năm 2000 (TP. Hồ Chí Minh) và 2005 (TP. Hà Nội), hiện nay thị trường đã cơ bản hình thành rõ nét, từ thị trường sơ cấp đến thị trường thứ cấp, thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu. Tính thanh khoản của thị trường chứng khoán tăng mạnh, công tác thanh tra và kiểm tra giám sát được thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài cá nhân và có tổ chức, trong đó nhà đầu tư nước ngoài đang được hưởng các quy định nới room vốn sở hữu rất rộng tại công ty đại chúng và không có quy định hạn chế đầu tư vào trái phiếu chính phủ, quỹ đầu tư chúng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán. Những quy định này có tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán, làm mở rộng số lượng và nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian qua, UBCKNN đã tiến hành kiểm tra tuân thủ đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của hai sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP Hồ CHí Minh, trung tâm lưu ký chứng khoán. UBCKNN đã áp dụng Hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán (MSS) nhằm hỗ trợ giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu ngân hàng, tài chính, phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan thanh tra và giám sát của ngân hàng nhà nước. MSS có khả năng tốt ưu hoá hoạt động kiểm soát, giám sát tình hình giao dịch của thị trường chứng khoán một cách tự động, giúp ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi lạm dụng thị trường, nâng cao tính thuân thủ pháp luật về lĩnh vực chứng khoán và đảm bảo sự lành mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, công tác giám sát giao dịch chứng khoán đang được thực hiện dưới hai hoạt động chính là: giám sát giao dịch định kỳ và giám sát giao dịch bất thường. Việc áp dụng MSS đã tránh được các hành vi thao túng, nhũng nhiễu, bán thông tin và trục lợi thông tin trên thị trường chứng khoán Việt
128
Nam, góp phần minh bạch hoá thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư đồng thời quản lý tốt hơn hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán những năm vừa qua.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đang phát triển rất mạnh, là lực hút đối với đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, so với tiềm năng vốn có, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn nhỏ bé và manh mún. Cơ cấu quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay bao gồm các cơ quan: Bộ tài chính; UBCKNN; các cơ quan quản lý chuyên ngành cấp phép hoặc cho ý kiến về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp thông qua hai sở giao dịch chứng khoán ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Trung tâm lưu ký chứng khoán và các thị trường phi niêm yết là các ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán được bộ tài chính cấp phép trở thành đại lý chuyển nhượng.
Năm 2011 Chính Phủ ban hành Nghị định 90 về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Mục đích là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp và cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Có các loại hình trái phiếu được phát hành là trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu không chuyển đổi. Năm 2018, chính phủ ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thay thế cho Nghị định 90/2011-NĐ-CP trước đó theo hướng nới lỏng hơn điều kiện phát hành và phải lưu ký trái phiếu nhằm tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp phát hành trái phiếu và các nhà đầu tư có nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời nâng cao tính minh bạch, công khai trong huy động vốn trái phiếu, tránh lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Nghị định 163 ra đời đã bãi bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành, đồng thời quy định cụ thể về điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều đợt, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Nghị định 163 cũng tách biệt kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu ra công chúng với mong muốn thu hút các nhà đầu tư mua trái phiếu là các nhà đầu tư chuyên nghiệp chứ không chỉ là các nhà đầu tư chứng khoán.
Để quản lý số lượng nhà đầu tư, Nghị định 163 quy định trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sau khi phát hành phải lưu lý trái phiếu tại tổ chức lưu ký trái phiếu
129
được phép, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm và nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành cho nhà đầu tư và các sở giao dịch chứng khoán, bao gồm cả công bố thông tin trước khi phát hành, thông tin về kết quả phát hành, thông tin định kỳ và thông tin bất thường.
Theo cách thức phát hành và quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam mới chủ yếu được phát hành theo hình thức riêng lẻ, chiếm tới 99% khối lượng phát hành toàn thị trường, trong khi các nước khác phần lớn là phát hành trái phiếu đại chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ chiếm khoảng 12% ở Mỹ, 10% ở Đức, 0,4-15% ở Hàn Quốc [81]. Còn theo số liệu của Bộ tài chính, tính đến cuối năm 2017, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tương đương 6,19% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 20%-50% GDP của các nước trong khu vực và chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng còn nhỏ so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng (tương đương 130% GDP) [41].
Việc quản lý giao dịch trái phiếu doanh nghiệp hiện nay dưới hai hình thức: giao dịch tập trung tại các sở giao dịch chứng khoán và giao dịch mua bán trao tay OTC. Cụ thể như hình 3.12:
130
Hình 3.12: Hai hình thức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam
Nguồn: Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (2016), Đề án hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt nam, Bộ tài chính, tháng 2. Ghi chú: HNX: Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội; HOSE: Sở giao dịch chứng khoán HCM; VSD: Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Quan điểm của chính phủ Việt Nam khi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường trái phiếu là thu hút các nhà đầu tư dài hạn, nhưng phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt nam (VAFI), thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển rất nhanh, dư nợ thị trường trái phiếu năm 2006 khoảng 14% GDP, năm 2017 đã đạt gần 36% GDP, trong đó trái phiếu chính phủ đạt 30% GDP và trái phiếu doanh nghiệp đạt 6% GDP. Trái phiếu doanh nghiệp là kênh phát hành có tiềm năng rất lớn có khả năng sẽ tăng 30 - 40%/năm trong thời gian tới [86].
131