1.2.4.1 Nhân tố chủ quan
Đây là những nhân tố xuất phát từ chính trong bản thân mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể khắc phục được những nhân tố này để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động. Có nhiều các nhân tố chủ quan ảnh hưởng tới quá trình quản trị vốn lưu động có thể kể đến như:
● Chiến lược và định hướng kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là các mục tiêu tổng thể trong ngắn, trung và dài hạn của doanh nghiệp. Nó quyết định tới quy mô sử dụng vốn lưu động, tỷ trọng từng yếu tố cấu thành nên vốn lưu động… ● Ngành nghề kinh doanh: Mỗi ngành nghề kinh doanh lại có một đặc trưng về kinh tế - kĩ thuật riêng biệt đòi hỏi việc quản trị vốn lưu động phải có sự phù hợp. Mỗi doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kĩ đặc thù ngành nghề của mình để đưa ra các giải pháp quản trị phù hợp nhất.
● Xác định nhu cầu vốn lưu động: Việc xác định không chính xác nhu cầu vốn lưu động dẫn tới việc doanh nghiệp hoàn toàn bị động trong việc huy động nguồn vốn để tài trợ cho nhu cầu vốn lưu động cần thiết, gây ra tình trạng ứ đọng dư thừa quá nhiều vốn hoặc thiếu vốn
Nguyễn Thị Hà Vy CQ54/11.13
● Trình độ tổ chức bộ máy quản lý, năng lực chuyên môn của nhà quản trị tài chính. Điều này được thể hiện từ việc xác định nhu cầu vốn lưu động chính xác, đảm bảo nguồn vốn lưu động vừa đủ cho quá trình sản xuất, xây dựng được cơ cấu vốn lưu động hợp lý, quản trị chặt chẽ các khoản vốn bằng tiền, nợ phải thu, hàng tồn kho… Nhờ đó mà hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra một cách liên tục, nhịp nhàng và hiệu quả cao.
● Trình độ khoa học công nghệ, cơ sở vật chất: Các điều kiện nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị càng hiện đại càng giúp rút ngắn thời gian các quy trình kĩ thuật, hiệu suất sử dụng cao, giảm lượng sản phẩm lỗi, hỏng cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới việc quản trị vốn lưu động.
● Trình độ lao động và trình độ khoa học kĩ thuật áp dụng. Họ là những người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, trực tiếp tham gia vào từng công đoạn trong quá trình quản trị vốn lưu động của doanh nghiệp. Một đội ngũ nguồn lao động tay nghề cao, giỏi, nhiệt huyết cộng thêm việc sử dụng khoa học công nghệ hiện đại vào khâu sản xuất sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhờ đó mà việc quản trị vốn lưu động cũng sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều.
1.2.4.2 Nhân tố khách quan
Đây là các nhân tố ở bên ngoài doanh nghiệp, doanh nghiệp không thể kiểm soát cũng như điều chỉnh các nhân tố này được. Có thể kể đến một số nhân tố khách quan như sau:
● Nền kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là tổng thể các yếu tố thuộc về nền kinh tế như tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập của người tiêu dùng, các văn bản pháp luật, nghị định, thông tư, chính sách, hành lang pháp lý và định hướng phát triển kinh tế của nhà nước… Tất cả các yếu tố nêu trên đều có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình quản trị vốn lưu động của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần phải nắm bắt thật kỹ các yếu tố này để gắn nó vào việc quản trị vốn lưu động của mình sao cho đem lại được hiệu quả cao nhất.
● Rủi ro trong kinh doanh: Đây là yếu tố không thể tránh khỏi trong bất kì ngành nghề kinh doanh nào. Có những rủi ro có thể dự báo được nhưng có những
Nguyễn Thị Hà Vy CQ54/11.13
rủi ro mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được. Có thể kể tới các loại rủi ro như rủi ro thanh khoản, rủi ro lạm phát, rủi ro tỷ giá… sẽ gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản trị vốn lưu động của doanh nghiệp.
● Các nhân tố khác: Đó có thể là các nhân tố như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh… Đó hoàn toàn là các nhân tố mà doanh nghiệp không thể nào lường trước được và đôi khi nó lại có một sự ảnh hưởng rất lớn tới công tác quản trị vốn lưu động đối với doanh nghiệp.
Nguyễn Thị Hà Vy CQ54/11.13