dựa trên biên giới trên bộ, trên biển của quốc gia và được kéo dài đến một độ cao nhất định tạo thành vùng trời của quốc gia do các quốc gia xác định. Đường biên giới trên không bao gồm hai phần: biên giới suờn và biên giới trên cao. Biên giới sườn được xác định dựa trên biên giới trên bộ và biên giới trên biển, kéo dài vuông góc với mặt đất và mặt biển lên không trung đến độ cao nhất định
do pháp luật của chính quốc gia đó quy định. Biên giới trên cao là ranh giới giữa vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia và khoảng không vũ trụ phía trên. Trong trường hợp này về mặt thực tiễn rất khó xác định được chính xác bởi bản thân luật quốc tế cũng chưa có quy định thống nhất về chiều cao của vùng trời của quốc gia.
3. Phương pháp xác định biên giới quốc gia
Luật quốc tế hiện hành không có quy định về phương pháp xác định biên giới quốc gia. Do đó, các quốc gia hữu quan xác định trên cơ sở tập quán và sự thỏa thuận giữa các bên. Một thực tế cho thấy rằng, trước khi tiến hành ký kết văn kiện pháp lý cũng như bước vào giai đoạn hoạch định biên giới quốc gia trên thực tế, các bên hữu quan thường hải dựa vào vị trí tồn tại thực tế của địa hình để có thể xây dựng phương pháp xác định biên giới một cách khách quan cho các bên. Thông thường, các bên xác định theo cách sau :
- Đối với địa hình là sông biên giới : Nếu sông đó không dùng làm đường giao thông thì đường biên giới sẽ được vạch theo đường trung tuyến của sông. Nếu sông đó sử dụng làm giao thông thì đường biên giới thường được xác định là đường trung tuyến của luồng giao thông hoặc luồng sâu nhất của lòng sông. Đối với sông có nhiều nhánh thì đường biên giới chỉ được xác định dựa vào nhánh chính của sông mà thôi.
- Đối với địa hình là hồ biên giới thì đường biên giới được xác định là đường trung tuyến của hồ hoặc là đường thẳng nối hai điểm mút của đường biên giới trên đất liền. Đối ới hồ có từ ba quốc gia kế cận trở lên thì có thể xác định biên giới theo hình dẻ quạt bằng cách nối các điểm mút của biên giới trên đất liền của quốc gia ven bờ với tâm của hồ.
- Đối với địa hình là các dãy đồi, núi thì cách xác định đường biên giới quốc gia thường dựa vào kinh tuyến và vĩ tuyến của địa hình thiên văn.
- Đối với địa hình của quốc gia ven biển thì sẽ áp dụng phương pháp đường cách đều nếu hai quốc gia tiếp giáp nhau hoặc đường trung tuyến nếu hai quốc gia đối diện nhau.
Ngoài ra, đối với các quốc gia có biển, các phần biển không tiếp giáp hay liền kề với quốc gia khác thì biên giới trên biển làđường rìa ngoài của lãnh hải (Xem phụ lục).
- Đối với biên giới lòng đất thì theo tập quán quốc tế sẽ được kéo dài tới tận tâm trái đất.
- Đối với biên giới trên không thì sẽ dựa tuyên bố của quốc gia.
Thông thường việc xác định biên giới quốc gia được tiến hành bằng sự thỏa thuận giữa các quốc gia hữu quan thông qua Hiệp định về biên giới do chính họ ký kết. Trên thực tế, quá trình xác định biên giới quốc gia thường diễn ra theo ba giai đoạn: hoạch định biên giới, phân giới thực địa và cắm móc.