Ths. Ngô Kim Hoàng Nguyên90
Nghiên cứu pháp luật nước ngoài có đối tượng nghiên cứu là các hiện tượng nhà nước và pháp luật ở các hệ thống pháp luật khác với hệ thống pháp luật mà người nghiên cứu được học tập hoặc đào tạo; trong khi mục đích quan trọng nhất của luật so sánh là hướng tới tìm kiếm các giải pháp pháp lý nhằm hoàn thiện cho các hệ thống pháp luật, bao gồm hệ thống pháp luật của người nghiên cứu cũng như hệ thống pháp luật nước ngoài. Hoạt động nghiên cứu pháp luật nước ngoài cung cấp nguồn thông tin không thể thiếu về các hệ thống pháp luật khác nhau, là cơ sở nền tảng để thực hiện các công trình nghiên cứu, so sánh luật. Mặt khác, ở chiều ngược lại, luật so sánh cung cấp những nguyên tắc tiếp cận cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu pháp luật nước ngoài được thực hiện một cách dễ dàng, khoa học và khách quan. Đối với phương pháp so sánh, đây là tên gọi chung cho một nhóm các phương pháp đặc thù của luật so sánh bao gồm hai phương pháp chính là phương pháp so sánh chức năng và phương pháp so sánh quy phạm. Nhóm phương pháp so sánh đều sử dụng nền tảng là các dữ liệu, thông tin từ các hệ thống pháp luật nước ngoài làm cơ sở cho quá trình thực hiện so sánh. Quá trình này đòi hỏi phải sử dụng thông tin một cách có chọn lọc; hiểu biết và sử dụng đúng các thông tin từ quá trình nghiên cứu pháp luật nước ngoài.
Về cơ bản, quá trình tiếp cận, đánh giá và sử dụng tư liệu thông tin từ pháp luật nước ngoài đặt ra rất nhiều các thách thức. Đòi hỏi người nghiên cứu phải có những kiến thức nền tảng, kỹ năng cần thiết để có thể sử dụng một cách có hiệu quả thông qua các công trình nghien cứu chuyên sâu về phương pháp so sánh luận và quá trình tích lũy kinh nghiệm của bản thân. Bài viết này sẽ giới thiệu khái quát về việc ứng dụng nghiên cứu pháp luật nước ngoài vào trong quy trình thực hiện phương pháp so sánh.