Độc tính trên tiêu hóa

Một phần của tài liệu Nghiên cứu biến chứng và biểu hiện độc tính của một số phác đồ hóa chất điều trị bệnh nhân lơxêmi cấp dòng tủy (Trang 30 - 34)

1.2.2.1. Buồn nôn và nôn

- Chán ăn, buồn nôn và nôn là những độc tính thường gặp và gây lo ngại nhiều nhất cho bệnh nhân khi điều trị hóa chất chống ung thư. Trong điều trị lơxêmi cấp dòng tủy, buồn nôn và nôn chủ yếu gây ra do anthracycline và cytarabine liều cao, mitoxantrone, etoposide và 6 - Thioguanine ít gặp hơn [31]. Buồn nôn và nôn thường gặp 1 - 2 giờ sau khi các hóa chất được tiêm truyền [47], gây ra nhiều hậu quả như sụt cân, mệt mỏi, rối loạn nước và điện giải, cảm giác lo lắng và sợ ăn uống gây ảnh hưởng tới tình trạng dinh dưỡng

của BN. Theo tác giả Trương Thị Như Ý (2004) gặp 78% BN có biểu hiện buồn nôn và nôn trong đó nôn thật sự là 26% [21]. Trong những năm gần đây việc dự phòng buồn nôn và nôn trong hóa trị liệu được cải thiện nhiều nhờ những hiểu biết về cơ chế của hiện tượng này cùng với sự ra đời của nhiều thuốc chống nôn mới.

- Phản xạ nôn được kiểm soát bởi trung tâm nôn ở hành não và vùng cảm nhận kích thích hóa học ở sừng não thất 4, vùng hầu họng, ống tiêu hóa và vỏ não. Các hóa chất chống ung thư tương tác với các receptor ở vùng cảm nhận kích thích hóa học, gây ra cảm giác buồn nôn, khi ngưỡng nôn bị vượt quá, trung tâm nôn ở hành não sẽ khởi động phản xạ nôn [46].

- Buồn nôn và nôn được dự phòng bằng cách sử dụng đồng loạt thuốc chống nôn 24 giờ trước khi điều trị hóa chất hơn là điều trị khi chúng đã xuất hiện [46]. Các thuốc chống nôn phân thành nhiều nhóm dựa vào cấu trúc và hiệu quả của thuốc chống nôn gồm các loại sau:

+ Kháng histamin (Dyphenhydramine) và benzodiazepines (Diazepam): tác dụng chống nôn yếu thường phải dùng phối hợp.

+ Phenothiazines (Prochloperazine) và butyrophenones (Haloperidol): chống nôn nhờ tác dụng kháng dopamin và kháng serotonin, hiệu quả chống nôn mức độ trung bình phụ thuộc vào liều và nhiều tác dụng phụ.

+ Dẫn xuất benzamides (Metoclopropamide): là loại thuốc chống nôn mạnh nhờ tác dụng kháng dopamin và serotonin. Ở liều chuẩn hiệu quả chống nôn của Metoclopropamide tương đối yếu, ở liều cao (1 - 2 mg/kg mỗi 2 - 4 giờ) có tác dụng chống nôn mạnh, nhưng khá nhiều tác dụng phụ như biểu hiện ngoại tháp, lo lắng…

+ Thuốc kháng serotonin (Ondansetron, Granisetron…) mới ra đời gần đây, chống nôn do tác dụng cạnh tranh receptor với serotonin, có tác dụng chống nôn mạnh nhất, ít tác dụng phụ tuy nhiên giá thành lại cao hơn so với thuốc cũ [46].

+ Corticosteroid (Dexamethason, Methylprednisolon): cơ chế chống nôn còn chưa rõ ràng nhưng sự phối hợp corticosteroid với các nhóm thuốc chống nôn làm tăng hiệu quả chống nôn rõ rệt của những thuốc này [46]. Phối hợp corticosteroid với các thuốc kháng serotonin có hiệu quả chống nôn tốt nhất hiện nay đặc biệt ở trẻ em.

1.2.2.2. Ỉa chảy

- Ỉa chảy do tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa khi hóa trị liệu trong điều trị BN lơxêmi cấp dòng tủy thường nhẹ và tự khỏi, những trường hợp nặng và kéo dài thường có nhiễm khuẩn thứ phát do trực khuẩn, do nấm candida, do virut…

- Điều trị dự phòng trước bằng sucrafate thường có hiệu quả trong nhiều trường hợp [31].

- Những trường hợp nhẹ không cần điều trị, chỉ cần người bệnh chú ý giữ vệ sinh ăn uống và chỉ định kháng sinh dự phòng. Trường hợp nặng cần điều chỉnh rối loạn nước và điện giải, nếu ỉa chảy kéo dài có thể chỉ định thuốc cầm đi ngoài như loperramide.

1.2.2.3. Viêm loét miệng

- Cytarabine, anthracycline, mitoxantrone và etoposite là những nguyên nhân chủ yếu gây viêm trong điều trị lơxêmi cấp dòng tủy, đặc biệt khi dùng liều cao [31]. Riêng với cytarabin, thời gian tiếp xúc với thuốc là yếu tố nguy

cơ gây viêm loét miệng lớn hơn so với nồng độ thuốc [31]. Trẻ em có nguy cơ loét miệng nhiều hơn người lớn, đặc biệt khi dùng hóa chất liều cao nhưng khả năng liền sẹo lại tốt hơn.

- Các hóa chất chống ung thư ức chế sự tổng hợp DNA và quá trình tăng sinh tế bào biểu mô niêm mạc miệng, làm giảm khả năng tái tạo biểu mô màng đáy dẫn tới hậu quả làm teo lớp niêm mạc, đứt gẫy các sợi collagen và hình thành ổ loét. Giảm BCHTT sau điều trị hóa trị liệu cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ viêm loét miệng.

- Dấu hiệu sớm của viêm loét miệng là những đám phù nề và viêm đỏ sau đó tiến triển thành những ổ loét thực sự gây đau và rối loạn vị giác, hậu quả gây suy dinh dưỡng và mất nước. Các triệu chứng thường xuất hiện sớm ngay sau khi điều trị, nặng nhất sau 7 - 10 ngày và kéo dài một vài tuần.

- Giảm BCHTT và giảm khả năng miễn dịch trong điều trị lơxêmi cấp dòng tủy làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát của các ổ viêm loét miệng với nấm candida và herpes virus.

- Dự phòng: vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng với bàn chải mềm, xúc miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn giúp hạn chế hoạt động của các vi khuẩn gây bệnh và giảm bớt nguy cơ gây nhiễm trùng. pilocarpin uống với mục đích tăng tiết nước bọt và sucrafate với tác dụng bao bọc niêm mạc miệng đã chứng minh được hiệu quả phòng ngừa viêm loét miệng trong một vài nghiên cứu [49].

- Điều trị: khi ổ loét đã xuất hiện, điều trị kháng sinh chống nấm và thuốc kháng virus (Acyclovir) làm giảm rõ rệt các nhiễm trùng thứ phát do nấm candida và herpes virus [28]. Giảm đau tại chỗ bằng lidocain và

diphenhydramine giúp bệnh nhân ăn uống dễ dàng hơn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu biến chứng và biểu hiện độc tính của một số phác đồ hóa chất điều trị bệnh nhân lơxêmi cấp dòng tủy (Trang 30 - 34)