Cơ sở lý luận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy hoạch sử dụng đất lâm nông nghiệp xã mường giàng quỳnh nhai sơn la (Trang 25 - 30)

- Giải pháp về khoa học công nghệ Giải pháp về thị trường

3.1.1. Cơ sở lý luận

3.1.1.1. Quy hoạch sử dụng đất lâm - nông nghiệp cấp xã trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất lâm, nông nghiêp

Hệ thống quy hoạch sử dụng đất cả nước bao gồm: cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện ( gọi là cấp vĩ mô). Cấp thôn bản, cấp hộ gia đình ( gọi là cấp vi mô). Cấp xã là cấp phối hợp giữa cấp vĩ mô và vi mô. Bởi vì cấp xã vừa là cấp cơ sở (vi mô) có chức năng hành pháp về quản lý nhà nước vừa là cấp quản lý kế hoạch sử dụng đất tại địa phương theo định hướng phát triển chung (vĩ mô). Quy hoạch sử dụng đất cấp xã luôn chịu sự chi phối của pháp quy nhà nước về quản lý đất đai. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy cấp xã là cấp có tác động trực tiếp đến các đơn vị sản xuất như thôn bản, HGĐ nên ngoài chức năng quản lý nhà nước về đất đai, cấp xã còn có vai trò như là một đơn vị quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất và quản lý kế hoạch. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất cấp xã phải kết hợp hài hoà quy hoạch vĩ mô và vi mô, nghĩa là vừa quy hoạch định hướng và quy hoạch quản lý sản xuất.

Quy hoạch sử dụng đất cấp xã có tác động với cấp quy hoạch cao hơn thể hiện qua việc chấp hành, thể hiện, thực thi quy hoạch của huyện, tỉnh, vùng và trung ương. Đề xuất với cấp trên về kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Quy hoạch sử dụng đất cấp xã tác động với cấp dưới như thôn bản, HGĐ thông qua nhiệm vụ hướng dẫn cấp thôn về lập kế hoạch sử dụng đất, điều phối kế hoạch cấp thôn. Đặc điểm nhân văn của xã là các dân tộc sống theo các cộng đồng thôn bản với đa dạng về văn hoá dẫn đến đa dạng về các phương thức sử dụng đất, đòi hỏi công tác quy hoạch sử dụng đất phải được hướng dẫn và hỗ trợ để các cộng

đồng tự xay dựng kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo kết hợp hài hoà giữa nhu cầu của người dân và ưu tiên của chính phủ trong sử dụng đất đai.

* Đối tượng và nội dung của quy hoạch sử dụng đất cấp vĩ mô

Cấp vĩ mô là cấp có tầm lớn bao quát có tính chất liên ngành. Trong quy hoạch sử dụng đất nó là cấp định hướng thống nhất cho các cấp quy hoạch sử dụng đất cấp thấp hơn (cấp vi mô). Về đối tượng quy hoạch sử dụng đất cấp vĩ mô bao gồm: Cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện .

* Đối tượng và nội dung của quy hoạch sử dụng đất cấp xã (cấp phối hợp giữa cấp vĩ mô và vi mô)

Căn cứ vào dự án phát triển KTXH của xã, vào quy hoạch sử dụng đất của huyện và điều kiện cơ bản liên quan đến phát triển lâm - nông nghiệp xã, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển lâm - nông nghiệp xã, và tiến hành quy hoạch sử dụng đất đai trong xã, đồng thời xác định rõ mối quan hệ giữa các ngành sử dụng đất đai trên địa bàn xã.

* Đối tượng và nội dung của quy hoạch sử dụng đất cấp vi mô

Ngược lại với cấp vĩ mô, cấp vi mô là cấp thấp hơn, cấp cơ sở gồm cấp thôn bản, hộ gia đình

3.1.1.2. Vai trò tham gia của người dân trong quy hoạch sử dụng đất lâm - nông nghiệp cấp xã

Trong lâm nghiệp xã hội, người dân giữ vai trò trung tâm, họ vừa là đối tượng, vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố hành động.

+ Xét về phạm vi thì lâm nghiệp xã hội hoạt động trong phạm vi không gian xã hội nhỏ như hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, hay cộng đồng làng bản. Chính vì vậy trong quy hoạch phát triển sản xuất lâm - nông nghiêp là một vấn đề hết sức cần thiết trong phát triển lâm nghiệp xã hội.

+ Xét về mục tiêu, lâm nghiêp xã hội là một chương trình hay một chiến lược phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi, trong đó mọi hoạt động nhằm huy động người dân vào các lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp. Họ cùng gánh vác trách nhiệm và được nhận lợi ích trực tiếp từ chính sự cố gắng của họ.

+ Xét về nội dung hoạt động, lâm nghiệp xã hội không chỉ có hoạt động lâm nghiệp mà còn có liên quan đến các hoạt động của các ngành kinh tế, các hoạt động văn hoá, giáo dục y tế,...nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân cả về vật chất, văn hoá, tinh thần. Ngay trong lĩnh vực hoạt động lâm nghiệp xã hội, cũng không chỉ có bảo vệ, trồng cây gây rừng, khai thác tài nguyên rừng mà còn sơ chế hoặc chế biến nông lâm sản ở quy mô hộ gia đình, làng bản, để tạo ra sản phẩm hàng hoá.

Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất và phát triển sản xuất trong lâm nghiệp xã hội phải do chính người dân trực tiếp tham gia thì mới có tính khả thi cao và mang lại hiệu quả thiết thực, cán bộ chỉ đóng vai trò cố vấn, hướng dẫn thực hiện.

- Quá trình quy hoạch sử dụng đất cấp xã theo phương pháp cùng tham gia được tiến hành qua 3 bước với 14 hoạt động và được mô tả theo trình tự như trong bảng 3.1:

Bảng 3.1. Quá trình quy hoạch sử dụng đất cấp xã

Bước Hoạt động

Bước1: Chuẩn bị Hoạt động1:Chuẩn bị về tổ chức

Hoạt động 2:Thu thập, phân tích tài liệu có sẵn, các loại bản đồ và bổ sung số liệu cấp thôn bản và xã

Hoạt động 3: Rà soát và phân tích kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh, huyện, quy hoạch sử dụng đất của huyện

Hoạt động 4: Họp dân lần 1( Họp thôn)

Hoạt động 5:Chuẩn bị vật tư, phương tiện, kỹ thuật

Hoạt động 6: Chuẩn bị tài chính

Hoạt động 7:Lập kế hoạch tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất

Bước 2: Đánh giá hiện trạng và xác định nhu cầu về sử dụng đất

Hoạt động 8: Phương pháp PRA(Đánh giá nông thôn có sự tham gia

của người dân)và họp dân lần 2(Họp thôn)

Bước 3: Quy hoạch sử dụng đất, sử dụng rừng

Hoạt động 10: Dự thảo quy hoạch 3 loại đất

Hoạt động 11:Dự thảo quy hoạch 3 loại rừng và phân cấp phòng hộ

Hoạt động 12:Họp dân lần 3( Đại diện các thôn và các tổ chức đoàn thể) Thảo luận và đề xuất bản quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng rừng

Hoạt động 13: Tổng hợp phương án quy hoạch sử dụng đất

Hoạt động 14:Trình duyệt phương án quy hoạch sử dụng đất

3.1.1.3. Quy hoach sử dụng đất cấp xã theo quan điểm hệ thống

Lý thuyết hệ thống của L. Von bertallanfy (năm 1923) được ứng dụng rộng rãi, giúp cho việc hiểu biết và giải thích các sự vật hiện tượng trong mối quan hệ qua lại, có thể coi là cơ sở để giải quyết các vấn đề phức tạp và tổng hợp.

Hệ thống được định nghĩa như là một “Tổng thể có trật tự của các yếu tố khác nhau có quan hệ và tác động qua lại”. Như vậy hệ thống có thể được xác định như là “Một tập hợp các đối tượng hoặc các thuộc tính, được liên kết bằng nhiều mối tương tác” [42]. Một cách diễn giải khác, hệ thống được hiểu như là “Một cơ cấu hoàn chỉnh gồm nhiều bộ phận chức năng tạo nên một cách có tổ chức và trật tự, tồn tại và hoạt động theo những quy luật thống nhất, tạo nên một chất lượng mới không giống tính chất của từng yếu tố hợp thành, và cũng không phải con số cộng của những bộ phận đó” [14].

Hệ thống gồm nhiều bộ phận, nhưng nhiều bộ phận chưa chắc đã phải là một hệ thống khi chúng chỉ là một tập hợp mất trật tự, không có mối tương tác lẫn nhau.

Quan điểm hệ thống được nhiều nhà khoa học tiếp cận trong nghiên cứu tự nhiên, KTXH nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người. Trong nghiên cứu về lĩnh vực nông lâm nghiệp, đề xuất khái niệm hệ thống nông trại, hay hệ thống canh tác, trên cơ sở coi đầu vào và đầu ra của nông trại là một tổng thể nghiên cứu độ màu mỡ của đất. Grigg (1977) đã sử dụng khái niệm hệ thống nông nghiệp để phân kiểu nông nghiệp và nghiên cứu sự tiến hoá của chúng.

Để thực hiện sự tiếp cận hệ thống có thể sử dụng 4 khâu sau đây : - Các hoạt động chuẩn đoán ngoài thực địa dựa trên tiếp cận hệ thống;

- Sự tham gia tích cực của các thành viên tại địa phương;

- Khai thác các dữ liệu tại các cơ quan có liên quan: Các ban của xã như địa chính, kỹ thuật, kế hoạch vv..

- Kết hợp các xu hướng thông qua thảo luận.

3.1.1.4. Quy hoạch sử dụng đất cấp xã theo quan điểm bền vững

Các hệ thống sử dụng đất ở nước ta về sản xuất lâm - nông nghiệp từ xưa đến nay vẫn theo phương thức cổ truyền lạc hậu, năng suất không cao. Người dân chủ yếu dựa vào nguyên tắc kiếm sống và khai thác tận dụng tài nguyên là chính nên đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu. Các hệ thống này đã tồn tại trong thời gian rất dài không có những thay đổi lớn, dẫn đến rừng và đất rừng biến thành đồi núi trọc, độ che phủ của rừng trên toàn quốc từ 43% năm 1943, giảm xuống còn 33.2%( năm 1999).

Trong những năm gần đây khi đã triển khai chính sách giao đất giao rừng cùng với việc quy hoạch sử dụng đất, nhiều nơi đã sử dụng phương pháp mới như: Nông - lâm kết hợp, VAC, SALT. Trên cơ sở chính sách giao đất giao rừng để phát triển kinh tế hộ gia đình hoặc kinh tế hộ ở các vùng nông thôn, nhất là vùng trung du, miền núi. Bước đầu đã mở ra những triển vọng to lớn trong việc áp dụng các hệ thống kỹ thuật sử dụng đất trong tương lai. Những hệ thống này đã góp phần đảm bảo tính bền vững và có hiệu quả thiết thực đối với người dân trung du, miền núi. Việc phát triển phải bảo đảm lợi ích lâu dài cho người dân, tài nguyên và môi trường cần phải được giữ gìn cho các thế hệ mai sau, thể hiện trên các mặt:

- Thích hợp về mặt môi trường. - Có lợi về mặt xã hội.

- Có thể đạt được về mặt kinh tế.

Quản lý sử dụng tài nguyên rừng bền vững là quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh lợi dụng rừng một cách tổng hợp nhằm khai thác triệt để tiềm năng tài nguyên khí hậu, tài nguyên đất, tài nguyên sinh vật một cách tối đa hợp lý. Đồng thời duy trì tiềm năng của các nguồn tài nguyên đó một cách ổn định, lâu dài và phát huy những lợi ích trước mắt, làm cơ sở vững chắc tạo ra những lợi ích lớn hơn trong tương lai.

3.1.1.5. Quy hoạch sử dụng đất cấp xã trong nền kinh tế thị trường

Kinh tế thị trường là kinh tế hàng hoá phát triển ở trình độ cao, khi tất cả quan hệ kinh tế trong quá trình tái sản xuất xã hội đều được tiền tệ hoá, các yếu tố của sản xuất như vốn, tài sản, sức lao động, chất xám, các sản phẩm và dịch vụ làm ra đều có giá mà giá cả hình thành bởi tác động của quy luật cung cầu trên thị trường [38].

Trong kinh tế thị trường, mỗi chủ thể kinh tế trong hoạt động kinh doanh theo đuổi lợi ích của mình và lợi nhuận. Do đó nói đến kinh tế thị trường cần phải bảo đảm những điều kiện cơ bản sau:

+ Tính tự chủ cao của các chủ thể kinh tế thể hiện ở tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh của mình trong việc sản xuất cái gì? sản xuất như thế nào? cho ai?. . . người bán và người mua tự do giao dịch.

+ Mua bán theo giá cả thị trường.

+ Đảm bảo có đủ thông tin về thị trường.

Hiện nay, quá trình kinh doanh nông - lâm - ngư nghiệp nói chung đang vận động theo cơ chế thị trường, mà đặc trưng của nó là sản xuất hàng hoá và dịch vụ theo yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Do đó, việc xác định phương hướng, quy mô kinh doanh và mục tiêu kinh doanh hợp lý có ý nghĩa quan trọng và là điều kiện kiên quyết trong kinh doanh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy hoạch sử dụng đất lâm nông nghiệp xã mường giàng quỳnh nhai sơn la (Trang 25 - 30)