Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của cộng đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu vai trò của cộng đồng trong quản lý tài nguyên rừng tại huyện nam đông, tỉnh thừa thiên huế​ (Trang 71 - 76)

3. Về quá trình thực hiện đề tài và kết quả của luận văn:

4.4.2. Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của cộng đồng

khi tham gia quản lý rừng

4.4.2.1. Các điểm mạnh

Trên địa bàn huyện Nam Đông có hai dân tộc chính là Kinh và Ka Tu, trong đó người Ka Tu cư trú trên địa bàn từ lâu đời với nền tảng văn hóa cộng đồng vững chắc và đặc sắc. Cộng đồng dân tộc Ka Tu nói riêng và người dân địa phương nói chung trên địa bàn có kiến thức bản địa rất tốt. Người dân, đặc biệt là nam giới nắm khá rõ phân bố và mức độ phong phú của các loại tài nguyên, địa hình cũng như các địa danh trong khu vực. Những kiến thức này vốn rất hữu ích khi vận dụng vào công tác quản lý tài nguyên. Thông qua đó người dân có thể giám sát tốt những thay đổi nếu xảy ra trong khu vực quản lý, nắm được những khu vực rừng giàu, nhiều cây gỗ quý hoặc những khu vực điểm nóng để có thể tăng cường bảo vệ từ đó phát huy được hiệu quả của quản lý rừng cộng đồng. Kết quả thảo luận nhóm cho thấy hầu hết các thành viên tổ tuần tra khi được hỏi đều khẳng định nắm được ranh giới, diện tích và vị trí rừng được giao, các khu vực có nhiều cây gỗ quý như Kiền kiền, Lim,

Gõ tái sinh... Điều này giúp góp phần khẳng định nhận định về kiến thức bản địa tốt của người dân địa phương.

Văn hóa cộng đồng với tính cố kết cao và các luật tục cũng là điểm nội bật của cộng đồng dân tộc Ka Tu. Theo tục lệ của người Ka Tu, việc xâm phạm tài sản của người khác là điều cấm kỵ và nếu xảy ra có thể dẫn đến những mâu thuẫn rất lớn. Tính cố kết cộng đồng cao và các luật tục giúp tạo ra sức mạnh tập thể cũng như sự tôn trọng và chấp hành các luật lệ này trong cộng đồng. Các luật tục nếu được lồng ghép, vận dụng một cách khéo léo vào hương ước, quy ước bảo vệ rừng sẽ giúp thực hiện thành công các kế hoạch quản lý rừng ngắn hạn cũng như dài hạn, tạo ra hiệu quả của mô hình quản lý rừng cộng đồng.

Một trong các thế mạnh của cộng đồng là mạng lưới thông tin. Các thành viên trong cùng cộng đồng biết nhau rất rõ. Điều đó một mặt giúp cộng đồng dễ dàng phát hiện nếu có thành viên trong đồng vi phạm các quy định, mặt khác các đối tượng có ý định vi phạm cũng có tâm lý e ngại sợ bị phát hiện. Cả hai yếu tố đó đều góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Rừng là một phần của văn hóa và đời sống của người dân tộc Ka Tu. Chính vì vậy các thành viên của cộng đồng ít nhiều đều có ý thức bảo vệ đặc biệt đối với những khu rừng tâm linh hay rừng ma. Việc vận dụng lồng ghép đặc điểm văn hóa này của người Ka Tu vào công tác giao đất, giao rừng sẽ giúp tạo ra hiệu quả của mô hình quản lý rừng cộng đồng.

4.4.2.2. Các mặt hạn chế

Mặc dù kết quả quản lý bảo vệ rừng được cộng đồng và cơ quan chức năng đánh giá cao, một số cộng đồng vẫn để xảy ra tình trạng chặt trộm gỗ ở những khu vực giáp ranh hoặc những địa điểm mà các tổ tuần tra ít hoặc không tiếp cận đến. Đối tượng thực hiện việc này có cả người trong và ngoài cộng đồng. Nguyên nhân là số đợt tuần tra do các cộng đồng tổ chức vẫn còn

ít (thông thường là 2 đợt/tháng) trong khi đó một số người dù phát hiện vụ việc đã không trình báo kịp thời với BQLRCĐ và cơ quan chức năng. Bên cạnh đó tính răn đe của hoạt động tuần tra rừng của cộng đồng chưa cao cũng là một yếu tố góp phần thúc đẩy các hoạt động vi phạm. Lý do là không phải tất cả các đợt tuần tra đều có đại diện cơ quan chức năng đi cùng, khi phát hiện vi phạm nếu không có đại diện cơ quan chức năng, cộng đồng không thể làm gì ngoài việc mời người vi phạm ra khỏi rừng và trình báo cơ quan chức năng khi trở về. Nếu người vi phạm ngoài cộng đồng thì việc này không có tác dụng do không có gì làm bằng chứng và không xác minh được đối tượng vi phạm.

Kết quả khảo sát cho thấy năng lực cộng đồng nói chung, năng lực quản lý bảo vệ rừng, năng lực phát triển rừng nói riêng còn hạn chế. Kết quả đánh giá các khía cạnh năng lực của cộng đồng đều chỉ đạt ở mức trung bình. Các ban quản lý rừng cộng đồng cũng thiếu chủ động trong công tác quản lý điều hành mà chủ yếu thực hiện các hoạt động theo kế hoạch do các chương trình dự án hỗ trợ xây dựng nên. Nguyên nhân của hạn chế này là do các cộng đồng phụ thuộc vào nguồn kinh phí đầu tư của các dự án do đó thiếu tính chủ động trong việc phát triển năng lực của các Ban. Bên cạnh đó, đa số các Trưởng Ban QLRCĐ do các Trưởng thôn kiêm nhiệm và sẽ bị thay đổi theo nhiệm kỳ nên năng lực được tập huấn, tích lũy sẽ mất đi khi nhân sự thay đổi.

Chất lượng các khu rừng được giao hầu như không được cải thiện do cộng đồng chưa chú tâm đầu tư tiền bạc và công sức vào các hoạt động phát triển rừng. Nguyên nhân ở chỗ các hoạt động phát triển rừng thường đòi hỏi nguồn ngân sách lớn, thời gian đầu tư dài hạn trong khi phần lớn các cộng đồng được giao rừng không có tiền để đầu tư. Bên cạnh đó một số nguyên nhân khác cũng tồn tại như rừng được giao phần lớn là rừng nghèo, xa khu dân cư, trong số đó nhiều khu vực không không phải là các khu rừng truyền

thống của cộng đồng, dẫn đến cộng đồng không thiết tha trong việc đầu tư phát triển.

Cộng đồng địa phương vẫn giữ thói quen tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm từ rừng như ăn thịt động vật hoang dã, sử dụng gỗ để xây dựng nhà và làm đồ gia dụng… Trong bối cảnh các khu rừng được giao có trữ lượng thấp, tính đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng, những thói quen tiêu dùng này gây ảnh hưởng tiêu cực lên tài nguyên rừng và hạn chế đi hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng của các cộng đồng.

4.4.2.3. Cơ hội

Lĩnh vực lâm nghiệp nói chung và quản lý rừng cộng đồng nói riêng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư của các chương trình dự án của quốc gia và quốc tế.

Luật đất đai, Luật lâm nghiệp cùng với các thông tư nghị định đã/chuẩn bị ban hành tạo ra khung pháp lý ngày càng đầy đủ và hoàn thiện giúp tạo điều kiện để các cộng đồng dần cải thiện các quyền và lợi ích được hưởng từ việc quản lý các khu rừng được giao giúp tạo động lực cho cộng đồng tham gia quản lý rừng tốt hơn.

Ngành lâm nghiệp nói chung có cơ hội thu hút thêm ngân sách quốc gia đầu tư để phát triển khi lần đầu tiên các hoạt động chế biến gỗ được tính cho ngành sản xuất Lâm nghiệp thay vì Công thương như trước đây.

Bộ Nông nghiệp nói riêng và Nhà nước nói chung chủ trương tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng các sân chơi quốc tế (VD VPA-FLEGT, REDD+…) tạo cơ hội thu hút ngày càng nhiều các đầu tư cho lĩnh vực lâm nghiệp nói chung và quản lý rừng cộng đồng nói riêng.

4.4.2.4. Thách thức

Luật lâm nghiệp và các thông tư, nghị định hướng dẫn chưa chỉ rõ được tư cách pháp nhân của cộng đồng dân cư. Cụ thể các quyền của cộng đồng

liên quan đến các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, hưởng lợi từ rừng tự nhiên rất hạn chế. Điều này tạo ra cho cộng đồng nhiều thách thức đặc biệt trong xử lý các tình huống vi phạm lâm luật trong rừng cộng đồng, cũng như hưởng lợi thành quả quản lý bảo vệ rừng đối với lâm sản là gỗ.

Việc có nhiều chương trình dự án quan tâm hỗ trợ cộng đồng quản lý rừng một mặt giúp cộng đồng có thêm nguồn lực đầu tư cho các hoạt động, mặt khác, mỗi chương trình dự án đều có những quy định và cách thức hỗ trợ riêng đã tạo ra rất nhiều các quy trình thủ tục buộc các cộng đồng phải tuân thủ, trong khi năng lực của các Ban quản lý rừng cộng đồng vốn vẫn còn nhiều hạn chế.

Tương tự là chủ trương tham gia các sân chơi quốc tế của nhà nước một mặt giúp thu hút thêm nguồn vốn đầu tư. Mặt trái của chủ trương này chính là việc dẫn tới khung pháp lý thường xuyên thay đổi để đáp ứng các yêu cầu quốc tế, cũng như đặt ra ngày càng nhiều yêu cầu cho các cộng đồng thực hiện.

Sự phối hợp giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với cộng đồng nhiều khi chưa kịp thời do lực lượng Kiểm lâm mỏng trong khi diện tích được giao quản lý rất lớn.

Tài nguyên rừng tự nhiên ngày càng khan hiếm ở các địa bàn các tỉnh khác khiến cho lực lượng lâm tặc ở các tỉnh này đổ xô đến các khu vực còn nhiều rừng tự nhiên như Thừa Thiên Huế cũng là một thách thức không nhỏ, đặc biệt đối với các BQL rừng cộng đồng với quyền ngăn chặn và tư cách pháp nhân chưa rõ ràng.

Việc đặt ra mục tiêu dài hạn cho hoạt động quản lý rừng là quan trọng và cần thiết đối với mô hình quản lý rừng cộng đồng nhằm định hướng cho các hoạt động lâm sinh tác động vào rừng. Nghị định 38/2007/NĐ-CP trước đây quy đinh rõ hồ sơ giao rừng cần bao gồm đề án quản lý rừng cộng đồng hay kế hoạch quản lý rừng cộng đồng 5 năm. Tuy nhiên tại nghị định

156/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của luật lâm nghiệp 2017 đã không còn đề cập đến yêu cầu này. Thay vào đó, tại điểm b, khoản 1 điều 27 của luật Lâm nghiệp 2017 khuyến khích chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Việc xây dựng mới phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của thông tư 28 cần sự tham gia của tư vấn và phát sinh chi phí trong khi cộng đồng khó có kinh phí để thực hiện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu vai trò của cộng đồng trong quản lý tài nguyên rừng tại huyện nam đông, tỉnh thừa thiên huế​ (Trang 71 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)