Theo Cecchetti và ctg (2006), Mishkin (2013), NHTW có thể sử dụng các công cụ để tác động làm thay đổi cung tiền, từ đó ảnh hưởng đến lãi suất và các biến số khác trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, NHTW cũng có thể sử dụng các lãi suất chính sách để điều hành CSTT. Các nghiên cứu về tác động của CSTT đến TTCK ở Mỹ như (Bernanke và Blinder, 1992; Hayford và Malliaris, 2004; Ioannidis và Kontonikas, 2008) thường lựa chọn lãi suất vốn liên bang (Fed fund rate) là đại diện cho CSTT của Mỹ vì Fed chủ yếu sử dụng lãi suất này để điều hành CSTT.
Các nghiên cứu ở châu Âu như (Corallo, 2006) tại Đức và Anh lại lựa chọn lãi suất ngắn hạn làm đại diện cho CSTT; Hofmann và Mizen (2004) sử dụng lãi suất cơ bản khi nghiên cứu tại Anh. Vì vậy, việc lựa chọn lãi suất nào đại diện cho CSTT tùy thuộc vào tầm quan trọng của từng loại trong điều hành thực tế tại từng quốc gia. Biến cung tiền M2 đại diện cho mục tiêu trung gian của CSTT. Trong các nghiên cứu trên thị trường Mỹ ở giai đoạn trước năm 1990, khi FED chọn cung tiền là mục tiêu trung gian, biến này cũng được sử dụng trong các mô hình ước lượng như nghiên cứu của Homa và Jaffee (1971).
Tuy nhiên, từ sau khi FED chọn lãi suất vốn liên bang làm mục tiêu điều hành, hầu hết các nghiên cứu trên thị trường Mỹ lại chọn lãi suất này làm biến đại diện cho CSTT. Chẳng hạn như nghiên cứu của (Bernanke và Kuttner, 2005; Rigobon và Sack, 2004; Li và ctg, 2010; Hayford và Malliaris, 2004; Bagliano và Favero, 1997). Còn đối với các nghiên cứu được thực hiện tại nhiều quốc gia có mức độ phát triển kinh tế không đồng đều như nghiên cứu của Lastrapes (1998), Aziza (2010) biến đại diện cho mục tiêu trung gian của CSTT thường được lựa chọn là cung tiền.
Ở Việt Nam, từ thực tế điều hành CSTT của NHNN cho thấy mục tiêu cơ bản được xác định là ổn định lãi suất và tăng trưởng cung tiền, tín dụng theo kế hoạch. Vì vậy, kế thừa từ các nghiên cứu trước và thực tiễn điều hành CSTT, lãi suất liên ngân hàng và cung tiền được lựa chọn là các biến số đại diện cho CSTT của NHNN Việt Nam.