Các biến số kinh tế vĩ mô

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của chính sách tiền tệ đến thị trường chứng khoán việt nam (Trang 67 - 69)

Sự tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế tác động trực tiếp tới các chủ thể tham gia trên TTCK. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao doanh thu, tích lũy lợi nhuận. Từ đó, các doanh nghiệp tích cực tái đầu tư thông qua hoạt động thu hút vốn từ xã hội. Điều này,

làm cho luồng vốn tiết kiệm xã hội dịch chuyển liên tục và tạo ra giá trị thặng dư. Có thể thấy, trong nền kinh tế thị trường hiện đại, mối liên hệ nhân quả giữa các chủ thể là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của TTCK.

Biến số đại diện cho tăng trưởng kinh tế được sử dụng trong mô hình nghiên cứu là chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI). Đây cũng là biến số được nhiều nghiên cứu trên thế giới sử dụng như (Ioannidis và Kontonikas, 2008; Raghavan và Dungey, 2015; Thorbecke, 1997; Ben Naceur và ctg, 2007). Ngoài ra, khi kiểm tra mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP và tăng trường giá trị sản lượng công nghiệp có tương quan cùng chiều. Vì vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp được sử dụng để đánh giá tác động của tổng sản lượng trong nền kinh tế đến thay đổi giá cổ phiếu trên TTCK.

Lạm phát là một trong các tiêu chí đo lường ổn định kinh tế vĩ mô của một quốc gia đồng thời cũng có tác động đáng kể đến TTCK. Về lý thuyết, lạm phát có thể tác động trực tiếp và gián tiếp đến TTCK. Tác động trực tiếp của lạm phát là ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và giá trị của các khoản đầu tư trên TTCK. Nếu lạm phát cao, đồng tiền bị mất giá nhanh, nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang tích trữ các tài sản thực, làm cho giá chứng khoán và giá trị giao dịch giảm.

Ngoài ra, lạm phát còn tác động gián tiếp đến TTCK thông qua kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Lạm phát làm tăng chi phí đầu vào (hiệu ứng Fisher) nên doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận. Nếu tăng giá quá cao thì người dân sẽ chuyển sang dùng sản phẩm thay thế khác hoặc giảm tiêu dùng, dẫn đến sản lượng tiêu thụ giảm, làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp không đạt được kế hoạch. Do đó cũng tác động làm giảm giá cổ phiếu niêm yết. Vì vậy, biến số đại diện cho lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam được sử dụng là chỉ số giá hàng tiêu dùng (CPI). Đây cũng là cách đo lường lạm phát phổ biến trên thế giới và được nhiều nghiên cứu sử dụng. Theo tổng hợp của Camino Torrecillas (2013), nghiên cứu của Fama and Schwert (1977)trên TTCK Mỹ giai đoạn từ 1953 – 1971 cho thấy lạm phát (đại diện là CPI) và tỷ suất sinh lời của cổ phiếu có tương quan ngược chiều.

Fama (1981), Geske và Roll (1983) lại cho rằng CPI và tỷ suất sinh lời cổ phiếu có tương quan cùng chiều. Jaffe and Mandelker (1976) nghiên cứu TTCK Mỹ từ năm 1875 – 1970 đưa ra kết luận: lạm phát và tỷ suất sinh lời của cổ phiếu có tương quan ngược chiều trong ngắn hạn nhưng lại tương quan cùng chiều trong dài hạn. Boudoukh and Richardson (1993) khi nghiên cứu TTCK Mỹ và Anh từ 1802 – 1990 cũng đưa ra kết luận này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của chính sách tiền tệ đến thị trường chứng khoán việt nam (Trang 67 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)