Khánh Hòa có nhiều loại khoáng sản như than bùn, môlípđen, cao lanh, sét, vàng sa khoáng, nước khoáng, sét chịu lửa, cát, san hô, đá granít v.v... Tuy nhiên, các loại khoáng sản này chưa được khai thác và chế biến theo quy mô công nghiệp, mà còn ở dạng thủ công quy mô nhỏ.
Khoáng sản giành cho vật liệu xây dựng, bao gồm nhiều chủng loại. Đến nay đã thống kê được 14 mỏ đá vật liệu xây dựng các loại đang được khai thác, chưa kể hàng chục điểm có khai thác đá chẻ khác. Tổng trữ lượng dự báo 6.121.409 triệu m3.
Đá ốp lát với trữ lượng dự báo khoảng 170 triệu m3.
Cát xây dựng với 3 điểm, tập trung ở hạ nguồn sông Cái. Tổng trữ lượng 3 mỏ này là 3.253.500 triệu m3.
Sét gạch ngói: Phân bố chủ yếu trong khu vực Ninh Hoà (4 điểm), Nha Trang (2 điểm); Vạn Giã (2 điểm). Tất cả đều đã thăm dò từ quy mô mỏ nhỏ đến trung bình. Các mỏ chính là Bình Trung, Tân Lạc, Đại Cát, Xuân Ngọc, Phước Lương, Lạc Lợi, Diên An và Suối Dầu. Trong tất cả các điểm trên chỉ có điểm sét gạch ngói Suối Dầu đạt quy mô mỏ vừa, các điểm còn lại chỉ mỏ nhỏ.
Đá vôi san hô xi măng: Dọc theo bờ biển của tỉnh có nhiều dải san hô (8 điểm) là nguyên liệu đá vôi cho sản xuất xi măng. Đó là các điểm: Xuân Vinh, Xuân Tự, Ninh Phước, Hòn Khói, Hòn Hèo, Suối Vinh, Cam Ranh và Đường Đò. Tuy có tiềm năng đá vôi san hô lớn (6 mỏ đạt 17.614.500 tấn), song việc khai thác chúng rất ảnh hưởng đến môi trường.
Cát thuỷ tinh: Dọc ven biển tỉnh Khánh Hòa có 3 mỏ cát là Hòn Gốm, Đầm Môn, Thuỷ Triều, Cam Hải. Trong đó mỏ Thuỷ Triều là mỏ cát trắng có chất lượng tốt nhất. Tổng trữ lượng 64,3 triệu tấn; Cát thuỷ tinh Cam Hải (Cam Ranh) có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất thuỷ tinh quang học, pha lê ... trữ lượng 52,2 triệu m3; cát ở bán đảo Hòn Gốm (Vạn Ninh) khoảng 555 triệu m3.
Quặng Ilmênit: Quặng Ilmênit của Khánh Hòa nằm trong cát dạng sa khoáng đạt giá trị công nghiệp. Tổng trữ lượng khoảng 26 vạn tấn.
Than bùn trữ lượng khoảng 1 triệu tấn nhưng nhìn chung là loại than ít có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn nhiên liệu, chỉ có khả năng sản xuất phân vi sinh phục vụ cải tạo đất nông nghiệp.
Nước khoáng với tổng lưu lượng khoảng 40 l/s, khả năng khai thác 3.400- 3.500 m3/ngày. Đến nay đã đăng ký được 10 điểm nước khoáng nóng là: Tu Bông, Đảnh Thạnh, Cà Giang, Phước Trung, Suối Dầu, Ba Ngòi, Buôn Ma Dung (Trường Xuân), Vạn Lương. Ma Pích, Khánh Bình. Một số nơi đã đưa vàokhai thác công nghiệp như nước khoáng Đảnh Thạnh (57 triệu lít/năm), Tu Bông (25 triệu lít/năm), Trường Xuân (30 triệu lít/năm).