8. TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU TRƯỚC
1.2.3 Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử của ngân hàng
hàng thương mại
1.2.3.1 Nhóm nhân tố bên ngoài
– Môi trường pháp lý nhà nước
Công nghệ thông tin làm đa dạng hóa các loại hình sản phẩm dịch vụ nhưng cũng làm cho vấn đề về an ninh, bảo mật thông tin và bảo vệ người tiêu dùng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Tội phạm thông tin và các hành vi bất chính không chỉ dừng lại ở mức độ thông thường mà trở nên tinh vi và rất khó kiểm soát. Điều này đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Ngân hàng điện tử với việc sử dụng công nghệ mới đòi hỏi khuôn khổ pháp lý mới. Các dịch vụ của ngân hàng điện tử chỉ có thể triển khai hiệu quả và an toàn khi chúng được công nhận về mặt pháp lý. Các quy định khung có ảnh hưởng tới các thành viên tham gia dịch vụ từ đó quyết định sự phát triển nhanh và đúng hướng của dịch vụ này. Nhà nước cần phải bảo vệ pháp lý đối với các thanh toán điện tử, mạng thông tin thể hiện trong các chính sách, đạo luật cụ thể phản ánh trong toàn bộ chỉnh thể của hệ thống chính sách pháp luật.
– Yếu tố kinh tế, xã hội
Điều kiện phát triển kinh tế là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Đặc điểm kinh tế thường đề cập tới xu hướng tiêu dùng của xã hội, thu nhập của người lao động tăng, lệ phí sử dụng dịch vụ ngân hàng truyền thống cao hơn so với chi phí sử dụng dịch vụ giao dịch điện tử. Tăng trưởng kinh tế cũng là yếu tố ảnh
hưởng tới nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nền kinh tế tăng trưởng tốt sẽ làm cho người tiêu dùng lạc quan trong việc tiêu dùng, từ đó xu hướng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử sẽ nhiều hơn.
– Sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin
Hạ tầng CNTT là cơ sở nền tảng thiết yếu ban đầu cho sự ra đời của dịch vụ ngân hàng điện tử bao gồm các công nghệ tính toán và các công nghệ truyền thông. Để đáp ứng được nhu cầu đó thì bản thân ngân hàng ngoài việc có nguồn tài chính mạnh để đầu tư cho công nghệ thì còn phải bị phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của CNTT trong nước cũng như các nước trên thế giới.
Xu hướng hiện đại hóa các dịch vụ ngân hàng đã phát triển rất lâu đời tại các nước phát triển, Các nuớc trên thế giới luôn áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm đem lại những dịch vụ tiện ích cho người tiêu dùng. Do đó, sự phát triển của ngân hàng trên thế giới, sự hội nhập kinh tế quốc tế kích thích người tiêu dung tăng sự lựa chọn của mình đối với các dịch vụ ngân hàng điện tử.
– Đặc điểm khách hàng
Khách hàng sử dụng dịch vụ “Ngân hàng điện tử” chủ yếu là khách hàng cá nhân. Theo những khảo sát về đặc điểm điển hình của khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến thường là những người có trình độ học vấn cao, hiểu biết rộng, trẻ trung, và có thu nhập tương đối cao. Với kiến thức tin học tốt, khả năng tiếp thu nhanh những vấn đề tiến bộ, họ là những người tham gia sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử đầu tiên. Đa phần trong số họ thuộc thành phần trí thức tự do, những người thành đạt trong sự nghiệp, những doanh nhân, tầng lớp trung lưu trong xã hội.
Giá trị giao dịch ngân hàng điện tử của nhóm này thường có giá trị tương đối cao, rủi ro thấp vì họ có học thức cao và thu nhập tốt. Tiếp nữa, cơ hội cung cấp dịch vụ cho nhóm khách hàng này sẽ được lâu dài vì họ là những người trẻ tuổi. Đây cũng là những khách hàng năng động, giao dịch nhiều, cơ hội đi công tác qua lại qua các quốc gia nhiều nên nhu cầu sử dụng thanh toán quốc tế thông qua sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử của họ cũng sẽ rất nhiều.
1.2.3.2 Nhóm nhân tố bên trong
– Nhân lực
Con người luôn là yếu tố quyết định cho sự thành công của bất cứ hoạt động nào. Đặc biệt đối với thị trường dịch vụ ngân hàng, đa phần các sản phẩm đều tồn tại dưới dạng sản phẩm dịch vụ vô hình, cơ sở hạ tầng nhân lực trở thành yếu tổ tiên quyết hàng đầu cho việc cung ứng, phân phối sản phẩm đồng thời tác động đến toàn bộ hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung. Nhân lực phát triển dịch vụ ứng dụng ngân hàng điện tử tại ngân hàng gồm hai nhóm nhân lực:
Nhân lực về nghiệp vụ: đó là bộ phận sẽ khai thác, thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng điện tử. Nhóm nhân lực này cần hiểu rõ về kiến thức ngân hàng, kiến thức thương mại, ngoại thương và có trình độ ngoại ngữ để giao dịch với cả khách hàng nước ngoài nếu cần thiết. Họ cũng cần hiểu rõ các kiến thức về kỹ thuật điện tử hỗ trợ trong các nghiệp vụ ngân hàng.
Khi sử dụng hệ thống thông tin mới luôn gắn với việc “làm mới” ngân hàng, phải cải tổ toàn bộ hoạt động từ tổ chức, đào tạo người, quy trình làm việc, và đó thực sự là quá trình khó khăn, mệt mỏi. Để phát huy hết tính năng và công hiệu của công nghệ thì trong mỗi ngân hàng từ giám đốc, phòng ban, nhân viên phải thay đổi lề thói, quy trình làm việc, tầm nhìn chiến lược và sản phẩm dịch vụ. Người lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược, ủng hộ và quyết đoán trong việc triển khai dịch vụ NHĐT.
Nhân lực kỹ thuật: đây là bộ phận kỹ thuật đảm bảo cho hệ thống kỹ thuật hoạt động ổn định, có khả năng khắc phục các sự cố và phát triển các tiện ích, công cụ kỹ thuật mới đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của hoạt động giao dịch thông qua phương tiện điện tử.
Một NHTM chỉ có thể phát triển bền vững nếu có một nền tảng nguồn lực bền vững. Máy móc, công nghệ, thiết bị không thể làm thay con người trong lĩnh vực này. Chính vì thế, nhận thức đúng tầm quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đối với phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử rất quan trọng.
– Chi phí đầu tư
Việc triển khai Core banking phụ thuộc rất lớn vào vốn và kinh nghiệm và đội ngũ nhân lực của mỗi ngân hàng. Nhìn sang các ngân hàng nước ngoài có thể thấy họ được
trang bị hệ thống core banking cực kì hiện đại do họ mang từ ngân hàng mẹ sang, điển hình như ANZ, DeutscheBank, HSBC, Citibank.
Một core banking hiện đại phải đáp ứng việc quản lý chặt chẽ, đầy đủ, vận hành nhanh và đáp ứng tính “mở” khi Ngân hàng muốn triển khai thêm một số dịch vụ khác nữa (Mobile Banking, Internet Banking, ATM). Việc ứng dụng giải pháp ngân hàng lõi tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay gặp rất nhiều khó khăn và quản lý không đồng đều, bởi việc ứng dụng này phụ thuộc vào vốn và kinh nghiệm ở mỗi ngân hàng. Có ngân hàng ứng dụng công nghệ thông tin ở mức thấp – chi phí khoảng 200 ngàn đến dưới 500 ngàn USD – chủ yếu để giải quyết các nghiệp vụ và giao dịch bình thường. Có ngân hàng ứng dụng công nghệ ở mức độ cao – chi phí trên 5 triệu USD – nhưng chưa sử dụng hết các tính năng.
– Cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ của ngân hàng
Hạ tầng CNTT và viễn thông của ngân hàng cần đảm bảo được hai vấn đề. Thứ nhất, công nghệ phải hiện đại, đảm bảo các yêu cầu quản lý nội bộ, đáp ứng các giao dịch kinh doanh, quản trị rủi ro, quản trị thanh khoản, có khả năng kết nối thông suốt với các ngân hàng. Thứ hai, phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại trên cơ sở phải quản lý, phòng chống được rủi ro, bảo mật và an toàn trong hoạt động.
Giao dịch có sử dụng đến các phương tiện điện tử là một yếu tố cơ bản trong cung cấp dịch vụ ngân hàng qua các kênh hiện đại. Giao dịch trên các kênh này yêu cầu đặt ra nghiêm ngặt về tính bảo mật, an toàn, tránh mất tiền, lừa gạt, thay đổi thông tin, xâm nhập dữ liệu là các rủi ro ngày một lớn, không chỉ với người buôn bán, mà cả với người quản lý, với từng quốc gia vì các hệ thống điện tử có thể bị kẻ xấu xâm nhập đòi hỏi phải có các hệ thống bảo mật, an toàn được thiết kế trên cơ sở kỹ thuật mã hóa hiện đại và một cơ chế an ninh hữu hiệu. Nhiều công nghệ hiện đại như cookies, phần mềm gián điệp, định vị toàn cầu và các cơ sở dữ liệu số hóa cũng cho phép các doanh nghiệp chuyên kinh doanh trên Internet có thể dễ dàng thu thập và xử lý thông tin cá nhân phục vụ cho nhiều mục tiêu khác nhau. Do đó, các yêu cầu về bảo mật và an toàn giao dịch đòi hỏi ngân hàng phải sử dụng cả phần cứng và phần mềm bảo mật tốt.
– Mạng lưới kênh phân phối
Việc xây dựng mạng lưới kênh phân phối có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử. Ở đây, việc phát triển mạng lưới nâng cao nâng lực canh tranh cũng như thương hiệu của các ngân hàng thương mại. Tâm lý người tiêu dùng cũng được củng cố khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của ngân hàng đó. Tuy nhiên khi xây dựng mạng lưới cần chú ý đến yếu tố hợp lý, phân bổ đồng đều và tập trung tại các vùng mà ngân hàng cho rằng đó là vùng kinh tế chủ lực trọng lực trong chiến lược kinh doanh của ngân hàng.