8. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Khái niệm thế giới nhân vật
Các tác phẩm văn học đều hướng tới đối tượng chung là con người, đặt con người ở vị trí trung tâm. Trong tác phẩm văn học có thể diễn ra nhiều sự kiện, nhiều vấn đề xung quanh cuộc sống, tất cả đều hiện lên phong phú đa dạng nhưng tập trung nhất vẫn là để làm nổi bật nhân vật văn học trong tác phẩm. Và cái đọng lại sâu sắc trong mỗi bạn đọc cũng chính là những gì diễn ra đối với nhân vật được nói đến trong tác phẩm.
Theo Từ điển tiếng Việt nhân vật được hiểu: “là đối tượng (thường là con người) được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm văn học” [34, tr.881].
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra những định nghĩa rõ nét hơn về nhân vật. Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi có đưa ra khái niệm về nhân vật văn
học: “Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng (Tấm Cám, Chị Dậu, Anh Pha) cũng có thể không có tên riêng. Khái niệm văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào cả, mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm (…). Nhân vật văn học là một đơn vị đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người trong cuốc sống.” [13, tr.235].
Nhân vật được nhắc đến trong tác phẩm văn học có thể là lấy hình tượng từ con người có thật, có tên tuổi, địa chỉ, số phận,…Nhân vật cũng có thể là sự hư cấu tưởng tượng của nhà văn như thần linh, ma quỷ,… hoặc nhân vật là những sự vật, hiện tượng như con đường, trái tim, bờ, biển, sóng, trăng,… Nhân vật văn học được xuất hiện đa dạng và phong phú qua sự sáng tạo của nhà văn.
Cuốn “Lí luận văn học do” Trần Đình Sử chủ biên có một nhận định khái quát về nhân vật văn học: “Nhân vật văn học là khái niệm dùng đê chỉ hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học - cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ.” [42, tr.73]. Nhân vật văn học chính là sản phẩm tư duy sáng tạo của nhà văn, về hình tượng nghệ thuật của con người, thông qua đó để thể hiện một tư tưởng cụ thể mà nhà văn muốn truyền tải thông qua nghệ thuật ngôn từ.
Có thể thấy nhân vật văn học là một khái niệm rất rộng, khái niệm ấy bao gồm nhiều yếu tố, nhiều cấp độ của cuộc sống nên nhân vật văn học không chỉ có duy nhất một kiểu mà ở trong tác phẩm văn học có chứa đựng cả một thế giới nhân vật rộng lớn phong phú, đa dạng biến hóa theo từng sự sáng tạo của mỗi nhà văn.
Trong thế giới nhân vật có thể chứa đựng nhiều yếu tố sáng tạo nghệ thuật, nó tồn tại trong chỉnh thể nghệ thuật với những sự liên quan ràng buộc
chặt chẽ lẫn nhau. Thông qua thế giới nhân vật, ta có thể thấy được phong cách sáng tạo nghệ thuật của tác giả.
Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một thế giới nghệ thuật do nhà văn sáng tạo ra, trong đó, thế giới nhân vật được coi là quan trọng và giữ vị trí trung tâm của tác phẩm “Có bao nhiêu nhà văn sẽ có bấy nhiêu thế giới nhân vật riêng biệt”
[29, tr.700].
Thế giới nhân vật trong tác phẩm văn học được xây dựng bởi hệ thống nhân vật được khắc họa ở nhiều góc độ và có chức năng khác nhau, qua đó ta có thể nắm bắt được những vấn đề mà nhà văn đặt ra.
Luận văn “Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Qúy Ly và Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh” của Lê Thị Thúy Hậu đã định nghĩa về thế giới nhân vật: “Thế giới nhân vật là hệ thống các nhân vật được tổ chức tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật, trong đó mỗi nhân vật là một yếu tố của chỉnh thể. Mỗi thế giới nhân vật được quy định bởi cách tổ chức, sắp xếp theo ý đồ nghệ thuật, sự sáng tạo của nhà văn làm sao cho các nhân vật trong tác phẩm liên kết, tác động lẫn nhau, soi sáng nhau để cùng phản ánh đời sống, thể hiện tư tưởng tác giả và những điều nhà văn muốn nói cùng bạn đọc.” [19, tr.25]. Định nghĩa trên đã cho thấy: thế giới nhân vật là một tổ chức nghệ thuật thống nhất, được tạo nên bởi các nhân vật có mối liên quan chặt chẽ với nhau nhằm làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Thế giới nhân vật đem đến cho độc giả một cái nhìn từ hình tượng các nhân vật và rút ra được ý nghĩa của tác phẩm theo cách cảm nhận riêng của từng thế hệ độc giả.
Thế giới nhân vật trong các sáng tác của nhà văn Nguyễn Công Hoan được tổ chức thành hai tuyến nhân vật rõ rệt: thứ nhất là những kiếp người nghèo khổ bị ức hiếp, thứ hai là lớp nhân vật quan lại, địa chủ, cường hào, ác bá, tư sản mới lên. Ông xây dựng tuyến nhân vật như vậy để lên án chế độ xã hội lúc bấy giờ, lên án bọn giàu có ức hiếp những con người nghèo khổ.
Thế giới nhân vật trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp chứa đựng những mâu thuẫn và nghịch lý, nhân vật đa dạng và sinh động như chính cuộc sống phức tạp, không bó hẹp theo khuôn mẫu nào.
Thế giới nhân vật được thể hiện phong phú, đa dạng, độc đáo theo sự sáng tạo, phong cách riêng của mỗi nhà văn. Cách thức tổ chức thế giới nhân vật cũng có tác động mạnh mẽ trong việc thể hiện ý đồ sáng tạo của tác giả. Có thể tìm hiểu thế giới nhân vật ở hai phương diện hình thức và nội dung để có cái nhìn khách quan nhất về vấn đề được đưa ra. Việc nghiên cứu phương thức xây dựng thế giới nhân vật của từng nhà văn nhằm phát hiện giá trị nội dung và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Đó là tư tưởng có tính tổng hợp cao rút ra từ toàn bộ tác phẩm của nhà văn, là một tư tưởng bao trùm cả sự nghiệp sáng tác của nhà văn, chi phối về căn bản toàn bộ thế giới nghệ thuật của nhà văn đó. Nó tạo ra sự nghiệp ấy, cho thế giới nghệ thuật thống nhất, tính hệ thống, tính chỉnh thể.
Trong sáng tạo nghệ thuật, mỗi nhà văn xây dựng một thế giới nhân vật riêng theo phong cách viết của bản thân. Với sự sáng tạo của mình, nhà văn Võ Quảng cùng những cảm hứng viết về đề tài thiếu nhi cũng đã xây dựng thế giới nhân vật trong sáng tác rất phong phú và đặc sắc phù hợp với nội dung và ý nghĩa mà ông muốn truyền tải tới bạn đọc, khơi gợi niềm say mê hứng thú trên từng trang viết cuốn theo vào cuộc sống sinh động của các nhân vật được ông xây dựng nên.