8. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật
Khi miêu tả hành động nhân vật, nhà văn thường kết hợp với những biểu hiện nội tâm tương ứng, vì đằng sau mỗi hành động, bao giờ cũng có một tâm trạng hoặc một động cơ nào đó. Dùng nội tâm để lí giải hành động, sử dụng hành động để làm sáng tỏ nội tâm là một hiện tượng phổ biến trong việc miêu tả nhân vật giúp người đọc có thể hình dung được rõ nét hơn về con người của nhân vật mà nhà văn đã xây dựng.
Truyện Quê nội và Tảng sáng được nhà văn kể theo ngôi thứ nhất qua lời của nhân vật tôi - là nhân vật Cục, qua đó ta có thể dễ dàng thấy nội tâm của nhân vật này đằng sau mỗi hành động được diễn ra. Cục và Cù Lao vinh dự được là chiến sĩ tham gia cuộc chiến chống giặc dốt, cả hai đều thấy rất hãnh diện về điều đó. Chúng thấy tự hào, hãnh diện là thế nhưng không ai biết được rằng ngày đầu tiên đến vận động bà Kiến học chữ Cục đã thấy khó khăn như thế nào, điều đó được thể hiện rất rõ qua những dòng nội tâm của nhân vật: “Tôi khệ nệ bước vào. Tôi nhớ chị Ba đã dặn đi đứng phải nghiêm trang, trước tiên phải tuyên truyền giải thích. Tôi định lặp lại lời chị Ba: Bà phải học cho biết chữ, vì “một chữ đáng nghìn vàng, dù không chức phận cũng nhàn tấm thân”. Nhưng chợt tôi thấy cách nói như vậy nghe đột ngột và thấy nó lôi thôi thế nào. Tôi nghĩ cần phải tìm một câu nói hay hơn. Tôi nhớ đến câu của thầy Lê Tảo: Học hành cũng như cái ống thiên lý xa soi nghìn lối. Nhưng câu đó chợt thấy khó hiểu. Tôi lại cố tìm một câu khác, nhưng loay hoay không tìm ra. Năm phút rồi mười phút trôi qua. Tôi nhìn bà Kiến. Trước mặt tôi là một người học trò già, da bà đã bắt đầu nhăn nheo. Tôi hơi ngượng. Lạ thật! Khi đến chơi nhà bà Kiến để tán phét thì tôi nói năng lưu loát, nói mấy cũng được. Đến khi có ý đồ, tôi lại ngượng ngập, nói không ra hơi. Mới hay đi làm cán bộ như anh
Bốn Linh cũng không phải dễ!” [44, tr.240], qua đoạn miêu tả nội tâm nhân vật Cục như vậy ta có thể thấy rõ được tâm lý lúng túng trong lần đầu tiên đi vận động một người lớn tuổi của chú. Cục lúng túng từ dáng đi đến việc lựa chọn cách ăn nói sao cho thuyết phục, vì lúng túng không biết làm sao cho đúng đâm ra lại thành ngượng ngập trong lời nói và hành động như “nói vu vơ” “cứ ngồi im, đưa mắt nhìn lên trên giàn” “trả lời gọn lỏn”… Tuy nhiên, qua nội tâm và hành động của nhân vật Cục như vậy khiến ta không chỉ nhìn thấy được sự ngượng ngập của nhân vật, mà ta còn thấy được sự cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao thông qua suy nghĩ nội tâm của nhân vật. Cục đã cố đi đứng sao cho mình là người đáng tin cậy, cố tìm câu từ để thuyết phục, nhưng vì chú còn là trẻ con nên thấy rất khó khăn, dù rất cố gắng nhưng việc thực hiện lại không được suôn sẻ như mong muốn. Đó chính là điểm đáng yêu của trẻ con mà tác giả đã thể hiện rất thành công trong sáng tác dành cho thiếu nhi của mình.
Bên cạnh việc miêu tả tâm lí của trẻ thơ thì việc miêu tả tâm lí của một con người trưởng thành như chú Hai Quân cũng đã được nhà văn đề cập tới. Dòng tâm lí đó có sự trầm hơn, sâu sắc hơn khác hẳn với vẻ ngây ngô như khi miêu tả nhân vật Cục: “Mọi vật đâu đó vẫn y nguyên. Nhưng trong lòng chú Hai đã có cái gì rạn vỡ. Chú không còn cái vui làm lụng để nuôi vợ con. Chú dửng dưng với nụ cười của bé gái. Thím Hai nói động gì là chú nổi lên quát mắng. Cuộc sống chung quanh trở nên bức bối. Những cảnh áp bức bị xóa mờ nay lại hiện lên… Chú Hai không hiểu vì sao một khi con người sinh ra phải chịu bao nhiêu tai họa… Khi nhớ lại mình bị cột sở sân đình dưới cặp mắt chê cười của thiên hạ, chú nghe hoảng hốt. Một tiếng gà gáy. Chú Hai giật mình biết suốt đêm chưa ngủ. Chợt một ý nghĩ bật sáng:
- Phải bỏ làng ra đi!
Đây là những dòng tâm lí của nhân vật chú Hai Quân sau khi bị tên Xã Cống bắt bớ, đánh đập. Trước đó, chú Hai Quân được biết đến là một người có cuộc sống bình dị, chú biết trồng dâu nuôi tằm, thích nghe hát bội, chú cứ lớn lên rồi lập gia đình có con. Cuộc sống của chú tưởng như rất yên bình, thuận lợi nhưng từ khi bị tên Xã Cống đánh đập, tâm lí của chú đã trở nên thay đổi
“đã có cái gì rạn vỡ”. Qua những dòng suy nghĩ của chú Hai Quân có thể thấy tâm lí của chú Hai Quân đã thay đổi như thế nào, từ một người vui vẻ, yêu thương gia đình, yêu lao động vậy mà giờ đây chú không còn muốn làm lụng, không gần gũi vợ con. Sau khi bị đánh đập, chú đã suy nghĩ lại những việc bất công mà chú và dân làng phải chịu. Tâm lí của chú Hai Quân thay đổi và thay đổi theo hướng tiêu cực, bế tắc, tất cả dòng suy nghĩ miên man từ hiện tại đến quá khứ, lại từ quá khứ trở về với thực tại đã thôi thúc chú đến một quyết định táo bạo “- Phải bỏ làng ra đi!”. Tâm lí thay đổi đã ảnh hưởng rất lớn đến hành động của con người, từ một con người yêu lao động, yêu gia đình nhưng sau khi bị đánh đập đến thừa sống thiếu chết đã khiến chú trở thành con người khác. Chú trở nên lầm lì, không còn những ý nghĩ vui vẻ, mà thay vào đó là những cảnh bị đè nén, áp bức dẫn đến suy nghĩ muốn bỏ gia đình, làng xóm ra đi, dù chưa biết đi đâu, chưa biết ngày mai ra sao nhưng chú muốn chạy trốn khỏi nơi tối tăm ấy. Nhà văn miêu tả dòng tâm trạng của chú Hai Quân, như miêu tả sự thức tỉnh của nhân dân ta sau bao nhiêu năm chịu sự áp bức bóc lột của bọn quan lại phong kiến với quân xâm lược. Suy nghĩ bỏ làng ra đi tuy là tiêu cực, bế tắc khi phải bỏ gia đình sống tha hương, nhưng cũng có thể hiểu đó là suy nghĩ không cam chịu sự áp bức, đè nén, muốn vùng chạy thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Võ Quảng miêu tả tâm lí của một nhân vật nhưng dường như nói lên được tâm lí của cả một dân tộc, muốn vùng kên khỏi sự kìm kẹp bấy lâu để giành độc lập, đó cũng là sự
thức tỉnh mạnh mẽ thôi thúc dân tộc hướng đến với con đường cách mạng và giành thắng lợi ở cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 sau này.
Miêu tả nhân vật qua biểu hiện nội tâm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện thuộc cuộc sống bên trong của nhân vật. Ðó là những tâm trạng, những suy nghĩ, những phản ứng tâm lí...của nhân vật trước những cảnh ngộ, những tình huống mà nó gặp phải trong cuộc đời. Thể hiện nhân vật qua nội tâm ngày càng có vai trò quan trọng, thể hiện khả năng nắm bắt một cách tài tình ý nghĩ, tình cảm sâu kín của nhân vật và diễn tả nó một cách sinh động. Sự biểu hiện hợp lí và sâu sắc nội tâm góp phần rất lớn tạo nên sức sống của nhân vật. Nhà văn Võ Quảng đã nắm bắt vận dụng rất hiệu quả tâm lí của nhân vật thông qua tình huống, nội dung câu chuyện một cách hợp lí, mở ra một câu chuyện thiếu nhi đầy hồn nhiên mà sâu sắc.
Nhà văn Võ Quảng đã sử dụng mặt mạnh của văn xuôi là khả năng miêu tả vô cùng lớn, với khả năng bao quát cuộc sống rộng lớn, từ chân dung ngoại hình, hành động, đến suy tư thầm kín bên trong và quá trình phát triển, từ quan hệ này đến quan hệ khác. Nhân vật được nhìn nhận từ cái nhìn nhiều chiều khác nhau với sự lựa chọn những chi tiết tiêu biểu, giúp người đọc có cái nhìn bao quát hơn, rõ nét hơn, toàn diện hơn.