Thời gian sinh hoạt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong văn xuôi võ quảng (Trang 91 - 95)

8. Cấu trúc của luận văn

3.2.2 Thời gian sinh hoạt

Sinh hoạt là những hoạt động thuộc về đời sống hàng ngày của một người hay một cộng đồng người. Vậy, thời gian sinh hoạt là thời gian con người thực hiện các hoạt động thuộc về đời sống hàng ngày, qua đó có thể hiểu được trạng thái sống và tồn tại của con người.

Trong truyện Quê nội của Võ Quảng, ngay mở đầu vào chương 1, thời gian sinh hoạt của nhân vật Cục đã được nói tới:“Sau ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, tôi thường thức dậy sớm. Khi thức giấc, tôi cứ tưởng mình như vừa chợp mắt, tai tôi còn nghe tiếng hô tập tự vệ của chú Năm Mùi: - Tất cả quay bên phải! Bên phải là bên tay ta cầm đũa, nghe chưa?…” [44, tr.39]. Qua một vài chi tiết nói trên, ta có thể hình dung được mỗi buổi sớm khi thức giấc của nhân vật Cục như thế nào, buổi bình minh ấy được diễn ra thường xuyên kể từ “Sau ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám”. Buổi bình minh đó dường như cũng chính là buổi bình minh của những người dân Việt Nam, sau những tháng ngày đen tối bị thực dân bóc lột đô hộ, cuộc sống như chuyển sang một trang mới sau đêm đen, nhường chỗ cho một cuộc sống mới

nằm nhớ lại từng động tác luyện tập của đội tự vệ, rồi lại suy nghĩ đến con gà nhà anh Bốn Linh, gà nhà ông Kiểm Lài, gà nhà dượng Hương Thư,… Từ hình ảnh những con vật bình dị thân thuộc đó, cuộc sống con người cũng dần dần mở ra, câu chuyện được mở đầu rất nhẹ nhàng thân quen như thế. Truyện kể về tình bạn thật đẹp của Cục và Cù Lao, hai đứa trẻ cùng ăn, cùng chơi, cùng trưởng thành, nhà văn đã khéo léo miêu tả cuốc sống sinh hoạt của những đứa trẻ nơi làng quê: “Tôi rướn người nhỏm dậy bước ra chuồng trâu, mở dây mũi đưa con Bĩnh đi gặm cỏ ngoài bờ sông.

Ra khỏi xóm, sao Mai trên trời đã bạc thếch. Bóng tối bắt đầu rời khỏi cây sung đầu làng. Một con chèo bẻo đứng trên nóc miếu bà Tằm đập cánh kêu mấy tiếng choẹt choẹt!” [44, tr.42];“Cặp mắt thàng Cù Lao thật tinh. Buổi chiều thả trâu ăn ngoài bãi, nó chỉ cho tôi thấy những đốm sáng thật xa:

- Kìa, có ai nổi lửa bên kia sông kìa!

Tôi nhìn mãi mới thấy. Chúng tôi nằm ngửa nhìn lên trời. Nhiều chòm sao thưa hiện ra, nó chỉ cho tôi thấy trước. Nó chỉ hết chòm sao này đến chòm khác, đến một lúc tôi thấy trời đã đầy sao. Con trâu bĩnh bước gập ghềnh trong sao đưa chúng tôi về nhà.” [44, tr.114]. Cuộc sống sinh hoạt của Cục và Cù Lao thật đơn sơ bình dị, hàng sáng chúng đưa trâu ra đồng và trở về khi buổi chiều kéo đến, tuy là những đứa trẻ nhưng cũng đã giúp ích được cho gia đình với công việc chăn trâu hàng ngày như vậy.

Nhà văn cũng chú ý đến thời gian sinh hoạt khi vụ mùa dâu tằm chín rộ:

“Thằng Cù Lao về quê đúng vào lúc anh chị Bốn Linh nuôi lứa tằm cuối mùa. Trong làng nhà có tằm cũng đã bắt kén. Sáng tháng chín âm lịch, ngoài đồng chỉ còn dâu lông chim, lơ thơ từng chùm lá nhỏ. Nếu trời không đãi có lụt sớm, sẽ gặp gay go.”[44, tr.146]. Vùng quê Hòa Phước là làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Là người con sinh ra từ làng quê ấy nên nhà văn đã miêu tả rất chi tiết tỉ mỉ sinh động về công việc trồng dâu nuôi tằm:“Chú Năm thức dậy

lúc trời chưa sáng, đốt ngọn đèn dầu. Chú định rưới cho tằm một nước dâu. Nhưng nhìn lại, chú rất ngạc nhiên! Tằm con nào cũng vàng óng cả. Không lẽ tằm đã chín hết, vì sáng nay mới là ngày tằm chộ, chín lác đác một vài con. Ngày mai mới đúng là ngày tằm chín hết. Chú Năm dụi mắt nhìn kĩ. Đúng là tằm đã chín rộ…” [44, tr.168]. Ở đây, thời gian sinh hoạt mà nhà văn đề cập tới gắn bó với nghề nghiệp của con người làng quê Hòa Phước một cách rõ nét:

“Ánh sáng bên ngoài tràn vào. Trời đã sáng trắng. Khi hôm thức vầy tằm, mãi đến gà gáy mới ngủ. Chú Năm chuẩn bị việc bắt kén. Chú mở hết cửa, khiêng xếp các bủa kén lại một chỗ, trải hai chiếc nong giữa nhà, khiêng một bủa kén đặt lên. Mọi người bước đến mở gút lạt, giở nẹp, giở những cây dâu khô dính đầy kén như những hoa vàng.” [44, tr.180]. Thời gian thu hoạch tằm được thực hiện từ đêm cho đến sáng, với thời gian đó thấy được việc thu hoạch tằm rất kì công, tỉ mỉ dưới bàn tay của những con người rất lành nghề. Việc miêu tả thời gian sinh hoạt của việc thu hoạch tằm đã thể hiện niềm tự hào về nghề nghiệp truyền thống của làng quê một công việc đòi hỏi sự khéo léo tỉ mỉ của những người thợ lành nghề và đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống.

Sau ngày giành được chính quyền, cuộc sống làng Hòa Phước có nhiều thay đổi, nhiều công tác dân vận được thực hiện để cải cách chính quyền, cải cách cuộc sống và diệt giặc dốt chính là một trong những cải cách ấy: “Tôi và thằng Cù Lao tắm xong cho trâu Bĩnh, trời xẩm tối. Trên bãi dâu, mọi người đã nghỉ việc, gọi nhau về nhà. Phải về sớm một tí. Còn phải nấu cơm ăn để kịp đi học. Ở các xóm, tiếng gàu chạm vào thành giếng nghe lanh canh. Tiếng nồi niêu bát đĩa bị lật nghe xủng xoảng. Tiếng phèng la vang động. Giờ tựu lớp đã đến. Chị Ba, chị Bốn ăn xong, chưa kịp rửa bát, xách chiếc rổ đậy lên mâm, thắp cây đèn chai, gọi nhau đi học. Tôi và thằng Cù Lao sẽ đến dự lễ khai giảng đặc biệt.” [44, tr.273]. Sau khi được tuyên truyền vận động, mọi người từ già đến trẻ đều hưởng ứng đi học để xóa nạn mù chữ, “trời xẩm tối” là lúc

công việc lao động, mưu sinh hàng ngày được tạm thời gác lại, thay vào đó là hoạt động đi học chữ của bà con trong xóm. Thời gian trời tối nhưng không làm cho cuộc sống của người dân nơi đây tối tăm, mà ngược lại họ đang cùng hòa mình vào bóng tối đi tìm con đường đến cái chữ, tìm đến con đường ánh sáng của tương lai.

Ở truyện Quê nội, Cục và Cù Lao là những chú bé ngây ngô, nghịch ngợm. Qua đến tập truyện Tảng sáng vẫn là những nhân vật ấy, nhưng Cục và Cù Lao đã có những bước trưởng thành hơn hẳn, thời gian của cuộc sống hàng ngày không chỉ là những trò vật lộn, u đầu mẻ trán nữa: “Mỗi lúc chiều xuống, khi bóng tối từ chòm sung bò ra, khi bọn gà mái ở đầu hè cõng con đi ngủ, trước khi đến lớp bình dân, tôi và thằng Cù Lao tranh thủ đi “tuần tra” một vòng vào miếu. Sau khi những ngọn đèn từ các lớp học tỏa ra, chúng tôi lại “tuần tra” một vòng vào miếu.” [44, tr.299]; “Ban ngày, thỉnh thoảng thằng Cù Lao cũng đi tuần tra chỗ cây sung. Đó là một chòm đa cao, to, mọc từ đời nào tôi không biết. Ở đó,chim chóc từ sớm đến tối vui đùa. Chúng thổi đủ loại sáo và gảy đủ loại đàn. Cây sung lớn nhất vượt thẳng lên cao tỏa những cành to rất lớn.” [44, tr.300]. Có thể thấy, thời gian sinh hoạt của Cục và Cù Lao đã khác trước, thời gian buổi sáng và buổi chiều của hai cậu bé là giành cho việc đi tuần tra, việc lặp đi lặp lại công việc đó vào mỗi ngày như vậy thể hiện được tinh thần trách nhiệm của Cục và Cù Lao rất rõ nét. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng hai cậu bé đã có thể góp sức mình vào cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc một cách đầy tự hào.

Nhà văn Võ Quảng miêu tả khá chi tiết, chân thực sinh hoạt của con người trong cuộc sống, giúp người đọc có thể hiểu được rõ nét hơn về cuộc sống của miền quê Hòa Phước vào thời điểm những ngày sau Cách mạng tháng Tám, một nơi phát triển nhiều ngành nghề nông nghiệp, đặc biệt là nghề trồng dâu nuôi tằm. Bên cạnh đó, con người Hòa Phước là những người yêu quê

hương đất nước, yêu làng xóm, yêu gia đình, họ sẵn sàng chiến đấu vì sự nghiệp chung, hi sinh của cải và tính mạng của mình vì độc lập dân tộc.

Thời gian sinh hoạt trong sáng tác của Võ Quảng được thể hiện theo một phong cách riêng, thời gian không chỉ tập trung vào một thời điểm nào nhất định mà được trải dài theo các buổi trong ngày: có thể là buổi sáng, có thể là buổi chiều, cũng có khi buổi tối. Mọi hoạt động sinh hoạt của như luôn được diễn ra, điều đó cũng thể hiện rất rõ tinh thần cách mạng của người dân Hòa Phước, ban ngày thì tăng gia sản xuất, buổi tối thì thực hiện các chương trình hoạt động cách mạng. Thời gian sinh hoạt trong văn xuôi Võ Quảng được đề cập tới một cách linh hoạt, từ đó người đọc có thể hình dung được cuộc sống của những người dân Hòa Phước trong những ngày kháng chiến như thế nào.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong văn xuôi võ quảng (Trang 91 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)