Không gian thiên nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong văn xuôi võ quảng (Trang 72 - 78)

8. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Không gian thiên nhiên

Con người sống trong bất cứ thời đại nào, ở bất kỳ nơi đâu, đời sống văn hoá vẫn không tách rời thiên nhiên. Trước hết, đời sống lệ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp đã tạo nên một sự gắn bó mật thiết giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ. Thiên nhiên vừa huyền bí, vừa gần gũi với con người và thiên nhiên luôn chiếm một vị trí quan trọng trong các tác phẩm, góp phần chiếm trọn trái tim bao độc giả.

Không gian thiên nhiên gồm những hiện tượng thiên nhiên bao quanh con người: trời, đất, núi, sông… làm khung cảnh rộng lớn đa dạng. Thiên nhiên có thể gắn liền với nhân vật, hoạt động của nhân vật, tâm trạng của nhân vật.

Trong văn học thời kỳ trung đại, không gian thiên nhiên trong các bài thơ thường là một không gian vũ trụ khoáng đạt, rộng lớn, bộc lộ chí hướng của con người mà trong đó còn có sự cố gắng vươn lên ngang tầm và có khát vọng làm chủ trời đất, vũ trụ, chinh phục thiên nhiên:

“Hoành sóc giang san cáp kỷ thu, Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”

(Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão)

Với văn học cận hiện đại, không gian thiên nhiên đã gần hơn với đời sống cá nhân của con người và không gian ấy mang tầm khái quát cao, phản ánh phạm vi rộng lớn của xã hội, con người.

Không gian thiên nhiên trong sáng tác của Võ Quảng không phải cái gì quá cao siêu, bao la vũ trụ khoáng đạt, mà thiên nhiên là những gì bình dị gần gũi thân thiết nhất với con người. Không gian thiên nhiên tác giả thường

nói tới là không gian của sông núi, của cây đa, bến nước, cỏ cây hoa lá, những hình ảnh rất gần gũi với cuộc sống thường nhật cũng hiện lên mới lạ, sinh động đầy màu sắc hơi thở của cuộc sống.

Tập truyện Quê nộiTảng sáng nói về cảnh sắc và cuộc sống sinh hoạt của vùng quê Hòa Phước: “nằm trên bờ sông Thu Bồn, hình thế giống như một con rùa nằm cạnh bờ bể. Bế đó là một rừng dâu xanh.” [44, tr.57]. Vùng quê Hòa Phước ấy là một vùng quê trù phú, có thôn xóm, có bến nước thuyền chài trên sông, có những con đường nối liền với những vùng quê khác, có những sản vật nông nghiệp phong phú như ngô khoai, mía, nổi tiếng với nghề tằm tơ, mía đường mật ngọt, có chòm đa Lí với gốc đa xù xì đầy hang hốc… tất cả thiên nhiên tô đẹp cho cảnh sắc quê hương và cũng là sự gắn bó với cuộc sống nghề nghiệp của nhân dân.

Trong sáng tác của nhà văn Võ Quảng, có thể bắt gặp không gian thiên nhiên xuyên suốt trong tác phẩm với nhiều khía cạnh khác nhau, không gian thiên nhiên xuất hiện khi miêu tả tâm lí, miêu tả hành động và thể hiện tình cảm gắn bó với quê hương của nhân vật: “Khi chú Hai Quân ra đời rồi lớn lên, chú thấy đã có miếu Bà Tằm dựng lên từ thuở nào không biết. Cũng đã có sông Thu Bồn, có chòm Đa Lí. Trời đất bốn mùa vẫn thay đổi. Mùa xuân dâu non xanh mướt. Cũng là mùa tằm tơ rộn rịp. Mùa hè bãi dâu chuyển màu xanh đậm. Nắng to. Đất nứt. Đỗ nẻ. Vừng nổ. Cho đến tháng chín trời bỗng âm u, rồi những cơn mưa tối đất. Con sông Thu Bồn duyên dáng bỗng phềnh to gào thét, giống như con bạch tuộc giương những vòi dài vào các làng xóm, dìm tất cả xuống nước. Giữa dòng nước cuồn cuộn đục ngầu, những cây to bị vặt, kết bè trôi xuôi vun vút…” [44, tr.62]. Với một đoạn văn ngắn, tác giả đã miêu tả khung cảnh thiên nhiên bốn mùa của vùng quê Hòa Phước. Thiên nhiên ấy có khi thanh bình, tạo nên mùa màng, cuộc sống con người thuận lợi, cũng có khi thiên nhiên dữ dội gào thét khiến cho mùa màng cũng như cuộc sống con

người gặp khó khăn. Khung cảnh thiên nhiên đó như mở ra cuộc sống của con người nơi đây, lúc yên bình, khi sóng gió sẽ được diễn ra sau đó. Cuộc đời của chú Hai Quân đã xảy ra với nhiều biến cố, chú sinh ra và lớn lên cho đến lúc lấy vợ thì cuộc đời chú vẫn như “mùa xuân dâu non xanh mướt”. Nhưng, cuộc sống của chú không chỉ cứ bình lặng như thế, cuộc sống của chú đã phải chịu âm u như “cơn mưa tối đất”, đó là khi chú bị thằng lý trưởng bắt bớ đánh đập. Chú Hai mải mê xem hát bội quên mất việc của mình, khiến cho chú bị đánh đập thậm tệ và dẫn đến quyết định phải bỏ cả gia đình, cả làng xóm ra đi khi “Bên ngoài trời tối như mực. Trên trời không một vì sao. Vài con đom đóm kéo những vệt sáng nhì nhằng. Cơn mưa đã tạnh,…” [44. Tr.69]. Không gian thiên nhiên được miêu tả khi chú ra đi là không gian tối tăm, ảm đạm, như dự báo chuyến đi mịt mù không phương hướng, không hi vọng và chứa những hiểm nguy phía trước.

Không gian thiên nhiên vẫn luôn xuất hiện sau đó: “Tiết trời đã chuyển. Những trận gió nam từ lâu ngớt thổi. Khắp trời mù mịt. Ngàn dâu không xanh như mấy tháng trước. Khắp bãi dâu ngả màu trắng đục. Dâu trên cành chỉ còn những chùm lá li ti như tụm lông chim.” [44, tr.131]. Không gian ấy như cái nền cho sự xuất hiện của nhân vật Cục, đang có tâm trạng không vui, hậm hực chuyện chị Ba cho rằng Cục nói láo, không tin vào lời nói của Cục. Không gian thiên nhiên mà Cục xuất hiện ở đó không còn xanh, không còn đẹp mà ngả màu trắng đục như sự ấm ức của Cục, vẫn lăn tăn chưa được giải tỏa.

Võ Quảng còn ca ngợi thiên nhiên hùng vĩ với những nét đẹp rất riêng: “Chỉ một chốc sau, chúng tôi đã đến ngã ba sông, chung quanh là những bãi dâu trải ra bạt ngàn đến tận những làng xa tít.” [44, tr.194]; “Càng về ngược, vườn tược càng um tùm. Dọc sông, những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước. Núi cao như đột ngột hiện ra chắn ngang trước mặt. Đã đến Phường Ranh. Thuyền chuẩn bị vượt nhiều thác nước.” [44,

tr.194]; “Dòng sông cứ chảy quanh co dọc những núi cao sừng sững. Dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước. Qua nhiều lớp núi, đồng ruộng lại mở ra. Đã đến Trung Phước.” [44, tr.195]; “Từ Dùi Chiêng đi Bình Kiều, nói non hai bên bờ lúc khép lại, lúc mở ra. Càng lên cao, sông càng hẹp lại, chảy xiết giữa những bậc đá chất chồng. Núi Thạch Bích trước mặt hiện ra sừng sững. Dòng sông phóng từ trên cao xuống giữa hai vách đá đồ sộ, thẳng tắp giống như một cổng trời cao vút. Vách đá láng bóng không một vết lồi lõm. Tục truyền xưa kia, vị thượng ngàn đã dùng gươm thần chặt núi Thạch Bích ra làm đôi. Nếu vậy thì núi lúc đó phải mềm như đất nhão và kỹ thuật chém núi phải thật cao cường. Có vậy mới tạo ra được một chiều đứng ngay thẳng kì lạ như vậy. Nước lao vun vút như đàn ngựa phi nước đại. Tiếng nước chảy vang lên như có hàng trăm chiếc cồng cùng đánh một lúc.” [44, tr.205-206]; “Ông Kí đưa chúng tôi vào nhà. Nhà ông cách bến nước một cây số, dựng giữa một cái dốc cheo leo như cắm vào lưng sườn núi. Đứng trong nhà nhìn ra thấy mây bay dưới chân lớp lớp. Những chóp núi nhấp nhô trong mây nom giống một đàn trâu lạc ngụp lặn.” [44, tr.206]; “Qua khỏi ghềnh Ngô, sông Thu Bồn bỗng như tỉnh táo hẳn lại. Đôi bờ rộng ra, mặt sông trở nên êm ả.” [44, tr.211]. Không gian thiên nhiên thật hùng vĩ được hiện lên qua một loạt từ ngữ: “vườn tược um tùm”, “chòm cổ thụ dáng mãnh liệt”, “dòng sông quanh co”, “núi cao sừng sững”, “nước lao vun vút”,…những từ ngữ đó đã góp phần thể hiện một sức sống mãnh liệt qua một loạt miêu tả giàu hình ảnh mà tác giả đem tới cho bạn đọc, một không gian thật sống động như hiện ra trước mắt. Không gian thiên nhiên dữ dội như vậy khiến cho công việc đi lấy gỗ để xây trường học gian nan gấp nhiều lần, qua đó càng thấy được ý nghĩa lớn lao của việc quyết tâm diệt giặc dốt, quyết đi theo chính sách đúng đắn của cách mạng mãnh liệt biết nhường nào. Không gian thiên nhiên hùng vĩ khắc nghiệt ấy được bắt đầu từ khi

rời khỏi bến sông Hòa Phước. Khi trở về, hình ảnh con sông Thu Bồn thân thuộc mở ra, như vòng tay mẹ hiền đón lấy những đứa con đi xa vất vả. Sau bao nhiêu khó khăn, họ trở về với dòng sông êm ả, tạo một cảm giác an toàn, dễ chịu, như trút được hết bao mệt nhọc đã xảy ra. Nhà văn đã rất khéo léo khi miêu tả sự hùng vĩ, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đặt trong không gian đó là hình ảnh con người nhỏ bé hiền hòa, một sự đối lập rõ nét làm nổi bật được ý chí quyết tâm, không chịu khuất phục trước mọi khó khăn.

Trong tập truyện Tảng sáng, không gian thiên nhiên cũng được nhà văn sử dụng rất tinh tế, làm nổi bật rõ hơn hoạt động của nhân vật: “Trời không một đốm sao. Mây bỗng kéo đen kịt. Sắp có mưa. Con đò lướt khe khẽ như đang dè dặt phải đi vào một thế giới đông đặc bóng tối. Gió thổi càng mạnh, mưa bắt đầu đổ.” [44, tr.382]. Không gian tối tăm đang hiện ra trước mắt nhân vật Cục và Cù Lao khi được giao nhiệm vụ đi làm tiếp tế. Trong không gian tối đen như mực ấy, hai chú bé như đang dần chìm vào nguy hiểm và hiển nhiên vì trời quá tối nên đã bị lạc đường. Tác giả còn sử dụng không gian thiên nhiên như để diễn tả niềm xót thương, đau đớn trong trái tim con người: “Mùa mưa lại đến. Gió mà mưa! Lại mưa với gió! Gió đập ầm ầm vào cây sung đầu làng tơi tả. Mưa xối từng trận ào ào như có ai cầm chỉnh trút nước. Trời Hòa Phước tối lại. Lô cốt Hòa Phước xóa mất trong mưa.Mưa tầm tã rồi vẫn lai rai, như không bao giờ dứt. Xóm gần, thôn xa, bãi Tôm! Mưa gõ nhịp đều đều nghe buồn đến chảy nước mắt. Cảnh chùa Hòa Phước hiu quạnh.” [44, tr.418]. Không gian thiên nhiên ấy được tác giả miêu tả sau khi những người dân Hòa Phước đi theo cách mạng bị giặc bắt và giết man rợ. Cảnh tượng xót xa như gào thét, rên xiết trong trái tim mỗi người dân Hòa Phước khi phải chứng kiến cảnh người làng mình bị lũ giặc giết. Nỗi đau như thấu tận trời xanh, nước mắt hòa tan cùng những giọt mưa lớn, xối xả, như muốn xóa đi lũ giặc tàn ác, xóa đi nỗi đau đớn xót xa của làng Hòa Phước, để những con người còn sống có thể tiếp

tục đứng lên cứu nước, trả thù nợ nhà. Cơn mưa đó có thể che dấu những con người cách mạng kiên cường khỏi tầm mắt của lũ giặc cướp nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cách mạng đang dang dở.

Kết thúc tác phẩm, nhà văn Võ Quảng cũng sử dụng không gian thiên nhiên để khép lại câu chuyện: “Tôi nhìn ra xa. Mưa tạnh! Sông Thu Bồn vẫn long lanh. Núi Phước Tường, dãy Cu Đê, hòn Cà Tang, Hòn Đền hiện ra thành một dãy dài như dắt tay nhau về một phía. Sông với núi với bãi dâu, cồn cát hiện ra rõ nét như xít gần nhau lại.” [44, tr.436]. Tác giả đã khép lại một câu chuyện dài bằng những khung cảnh đẹp nhất của làng Hòa Phước. Con sông Thu Bồn, sau khi cùng chung sống, cùng vượt qua mọi khó khăn gian khổ với người dân Hòa Phước, vẫn luôn giữ được nét đẹp vốn có của nó. Dòng sông ấy giống như những người dân nơi đây, dù nguy hiểm, dù gian khổ, dù mất mát, vẫn luôn chung sức, chung lòng, giống như những dãy núi Phước Tường, Cu Đê, Cà Tang, Hòn Đền luôn sát cánh bên nhau đồng lòng hướng về một phía. Từ mở đầu đến kết thúc tác phẩm, tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương trong lòng tác giả vẫn luôn được thể hiện một cách trọn vẹn và đầy ý nghĩa. Tình yêu ấy thể hiện tình đoàn kết, một lòng sống để giữ gìn và bảo vệ quê hương, mãi không thay đổi giống như không gian thiên nhiên, dù có trải qua bao mùa thì chúng vẫn tồn tại mãi mãi, bất diệt.

Nhà văn Võ Quảng đã sử dụng không gian thiên nhiên để miêu tả tình huống, dự cảm những điều xảy ra ở tương lai, làm phông nền khi nhân vật xuất hiện, hay thể hiện các trạng thái tâm lý tình cảm của nhân vật. Với những dụng ý như vậy, nhà văn đã khéo léo dẫn dắt người đọc đi từ không gian này qua không gian khác với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, thúc đẩy diễn biến câu chuyện, gây hứng thú cho bạn đọc. Không gian thiên nhiên góp phần tạo sự hấp dẫn, gợi sự tò mò, là trợ thủ đắc lực giúp nhân vật tôi kể truyện và bộc lộ được cảm xúc một cách gián tiếp trước hiện thực. Sử dụng

không gian thiên nhiên trong tác phẩm, tác giả đã tạo hiệu ứng nghệ thuật đặc sắc cho tác phẩm và diễn đạt được các dụng ý nghệ thuật mà tác giả muốn đề cập tới. Bên cạnh đó, không gian thiên nhiên cũng phần nào là phương tiện nghệ thuật, bộc lộ được cảm xúc của tác giả gửi đến bạn đọc những tình cảm yêu thương, trân trọng tha thiết mà tác giả dành cho những nhân vật của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong văn xuôi võ quảng (Trang 72 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)