8. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Thời gian sự kiện
Thời gian sự kiện là thời gian diễn ra những biến đổi, sự cố trong cuộc sống của đối tượng được nói đến, là chuỗi liên tục các sự kiện trong quan hệ trước sau, nhân quả. Thời gian sự kiện có thể được tính theo độ dài thời gian mà nó diễn ra. Sự vận động thời gian trong văn học phản ánh nhịp độ vận động của cuộc sống luôn diễn ra không ngừng, tái hiện quan niệm của con người về sự tồn tại của các biến cố, sự kiện.
Trong hai tập truyện Quê nội và Tảng sáng, câu chuyện được bắt đầu từ những buổi đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, kéo dài cho đến khi lễ khai tử lô cốt của giặc vào năm 1947. Với khoảng thời gian sự kiện đó, nhà văn đã tạo nên một chuỗi các sự kiện độc đáo, gửi gắm được những ý nghĩa nghệ thuật mà nhà văn muốn truyền tải.
Quê nội ra đời năm 1974, có sức ảnh hưởng không nhỏ tới bạn đọc Việt Nam và bạn đọc thế giới. Trong Quê nội các sự kiện nhỏ đặt liền nhau, khăng khít với nhau tạo nên cốt truyện. Câu chuyện bắt đầu sau Cách mạng tháng Tám, sau ngày Tuyên ngôn độc lập đất nước năm 1945, một thời kì mà mãi đến nay vẫn để lại nhiều dấu tích trong nền văn học Việt Nam. Trong tác phẩm, Võ Quảng đã sử dụng thời gian đa chiều: qúa khứ, hiện tại, tương lai đan xen lẫn nhau, soi chiếu cho nhau. Mở đầu câu chuyện là thời gian hiện tại của nhân vật Cục sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, một hiện thực cuộc sống của làng quê Hòa Phước giành được độc lập của những buổi đầu cướp chính quyền từ tay phong kiến và quân xâm lược. Ở thời gian hiện thực đó Cục đã gặp Cù Lao khi có sự kiện Chú Hai Quân trở về, được gia đình làng xóm vui mừng chào đón, đó cũng là lúc Cục có thêm một người bạn thân thiết là Cù Lao: “Trưa hôm đó, đưa trâu về nhà, tôi thuật lại với chị Ba tôi vừa gặp một thằng mọi biển. Tên nó là Cù Lao, ở ngoài Cù Lao Chàm mới về. Thấy chị Ba nghe có vẻ
chăm chú, tôi càng nhấn thêm một vài chi tiết có vẻ giật gân…Chị Ba nghe xong xì một tiếng:
- Làm gì có mọi biển mọi núi! Họ cũng là người như ta cả. Thằng Cù Lao đó là con của chú Hai Quân. Chú Hai Quân ở Cù Lao Chàm mới về đây hôm qua. Trước kia bị lý trưởng đánh, chú bỏ làng đi mất. Chú cùng họ với nhà mình, chú của anh Bốn Linh đó. Chú có đứa con trai, chắc là thằng mày gặp…” [44, tr.51]. Vậy là kể từ buổi trưa đó Cục đã gặp Cù Lao - là hai nhân vật chính trong tiểu thuyết Quê nội của Võ Quảng, khi đó Cục cũng hùa theo chúng bạn gọi Cù Lao là thằng “mọi biển”. Và tiếp nối với các sự kiện sau đó Cục sẽ không còn nghĩ Cù Lao là thằng “mọi biển” nữa, mà ngược lại sẽ thán phục với những gì mà Cù Lao biết và làm được. Bạn đọc sẽ được theo chân hai em bé Cục và Cù Lao cùng chạy nhảy trên những cánh đồng quê, cùng bơi lội chơi đùa nghịch ngợm, cùng lớn lên đi theo lý tưởng cách mạng. Câu chuyện trong tiểu thuyết Quê nội lại được tiếp tục trong Tảng sáng, một tiểu thuyết khác của Võ Quảng, cũng vẫn với những nhân vật ấy nhưng là khi hai người đã trưởng thành hơn, đã có nhiều thay đổi trong suy nghĩ hơn và cùng nhau chiến đấu vì quê hương đất nước.
Nếu như thực tại là cuộc sống thanh bình, tự chủ của những người nông dân, họ có thể tự do đi lại, cùng nhau xây dựng chính quyền, cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống thì quá khứ của thời kì chú Hai Quân sống lại hoàn toàn trái ngược. Nhà văn sau khi đưa ra thời gian của thực tại lại đưa người đọc đến với thời gian của quá khứ của chú Hai Quân, tạo nên sự đan xen giữa các thời gian sự kiện.
Truyện có nhiều sự kiện nhưng có thể nhắc đến thời gian sự kiện mà chú Hai Quân bị cường hào ức hiếp nên bỏ làng ra đi, đây cũng là sự kiện mở đầu cho các chuỗi sự kiện được diễn ra tiếp theo: “Một hôm chú cặm cụi lột lá mía đem giọt lại chỗ dột trên mái nhà, che lại tấm phên để gió khỏi lọt, sửa lại cái
vành nôi của con bé. Chiều đó chú bỏ thêm gạo vào nồi…Tối, chú đi nằm sớm. Một chốc sau quanh làng đã im lặng. Chú Hai khe khẽ ngồi dậy, chú cột mo cơm trên cây đòn xóc, đẩy cửa bước ra. Bên ngoài, trời tối như mực. Trên trời không một vì sao. Vài con đom đóm kéo những vệt sáng nhì nhằng. Cơn mưa đã tạnh, những tiếng động cứ vang lại từ xa. Chú Hai ra khỏi làng.” [41, tr.69]. Vậy là “một hôm” đó, chú Hai - người đàn ông của gia đình đã quyết định chuẩn bị cho việc bỏ nhà đi. Trước khi đi, nhân vật chú Hai đã làm những gì mình có thể làm được cho gia đình như một chút gì đó để an tâm khi dứt áo ra đi. Chú ra đi, trốn chạy khỏi sự áp bức của cường hào mong muốn có một cuộc sống khác, cuộc sống không bị kìm kẹp giống nơi chú Hai đang sống và từ hôm đó “chú Hai ra khỏi làng” bắt đầu cho cuộc trốn chạy của mình. Khi chú trốn chạy cũng đã gặp không ít sự kiện xảy ra: “Nửa tháng sau, chú Hai biết mình đã ở bên kia núi Chúa…Buổi sớm sương xuống dày đặc, đọng mãi đến nửa buổi chưa tan. Chú Hai nhớ mình đã đi lâu nhưng bụi bờ gai góc cứ trải ra như không bao giờ hết…Chợt chú có cảm giác như mình vừa bị rơi vào một chỗ nào đó, sâu lắm, sau đó không còn biết gì nữa!”[44, tr.70-71]. Sau nửa tháng trốn chạy khỏi làng, chú Hai đã kiệt sức và từ lúc này chú tạm thời có chỗ dừng chân khi được gặp gỡ và nhận sự giúp đỡ của bác Tùng Sơn. Nhưng bác Tùng Sơn đến một ngày cũng đi biệt tăm: “Một chuyến bác Tùng Sơn về thăm làng, mãi không thấy quay lại. Một tháng, hai tháng,…Bác Tùng Sơn đi biệt. Quê bác ở đâu, chú Hai không rõ.
Vắng bác Tùng Sơn, chú Hai quay ra quay vào cũng chỉ một thân một bóng. Rừng núi càng hóa quạnh hiu. Suốt đêm vượn hú. Chú Hai trằn trọc nhớ nhà. Một tiếng động rất khẽ. Chú Hai nhìn ra ngoài thấy một vành trăng như gần lắm. Chợt chú thấy thím Hai bước vào. Thím mặc chiếc áo mới…”[44, tr.75]. Vậy là sau nhiều tháng bác Tùng Sơn về quê, chú Hai lại trở lại với cảnh sống hiu quạnh một mình. Cảnh đêm khuya vắng vẻ tĩnh mịch, chỉ có tiếng
vượn hú khiến chú nhớ lại quê hương, gia đình, khiến lòng đau nhói rối bời. Rồi chú cũng rời khỏi nơi đó, ra giấu tung tích ở Cù Lao Chàm, chú lấy vợ và:
“Hơn một năm sau, thằng Cù Lao ra đời…Nó lớn lên giữa bao la trời biển…Đã mười hai tuổi nhưng người nó bé tí tẹo như đứa lên chín lên mười.”[44, tr.80]. Thời gian trôi qua rất nhiều năm theo quá trình lớn lên của đứa con của chú Hai và điều đó cũng nhắc nhở rằng chú Hai đã rời khỏi làng từ rất lâu rồi, nhưng chú vẫn luôn nhung nhớ quê hương của mình, những tưởng không có ngày trở về nhưng: “Cho đến Tổng khởi nghĩa! Ở ngoài Cù Lao Chàm, cờ đỏ sao vàng phấp phới. Các ủy ban được thành lập. Chú Hai nhận ra một điều kì diệu: biển cả không còn là nơi cách biệt. Con đường về làng từ lâu bị cắt đứt đã được nối lại.” [44, tr.80]. Sau những chuỗi ngày tháng xa quê lưu lạc nơi đất khách quê người, với biết bao nhiêu khó khăn đã trải qua, cuối cùng cũng có ngày chú Hai Quân được trở về. Đó là, sau ngày “Tổng khởi nghĩa”. Sau ngày “Tổng khởi nghĩa” là ngày chú Hai Quân có thể trở về quê hương mà chú hàng mong nhớ, chấm dứt những tháng ngày đau khổ lưu lạc đã qua của chú Hai Quân.
Võ Quảng đã khéo léo trong việc dẫn dắt câu chuyện với cách xây dựng thời gian sự kiện. Nhà văn đã khéo léo đưa người đọc tới lần lượt các sự kiện xảy ra trong cuộc đời của chú Hai Quân khi chú bỏ làng ra đi. Thời gian sự kiện mà nhà văn đưa ra, khiến người đọc cảm nhận được sự kéo dài đằng đẵng của sự cô đơn, của nỗi đau trong quá khứ và nỗi nhớ thương quê hương, gia đình da diết của chú Hai Quân. Người đọc cũng thấu hiểu và cảm thương cho số phận phải li biệt quê hương nơi đất khách quê người, gặp biết bao khó khăn, chỉ biết dấu nỗi nhớ trong từng suy nghĩ và những câu chuyện kể cho đứa con trai của mình.
Văn học có khả năng miêu tả mối liên hệ thời gian đa dạng, nhiều chiều, nhiều lớp. Tác giả có thể miêu tả thời gian thuận chiều, đồng dạng, đồng nhịp với thời gian tự nhiên nhưng nhiều khi nhà văn lại miêu tả thời gian ngược
chiều từ hiện tại trở về quá khứ rồi từ quá khứ đi tới tương lai. Qua dòng thời gian sự kiện đó, tác giả đã phản ánh chân thực cuộc sống về những biến cố làm thay đổi cuộc đời nhân vật.
Việc đảo lộn thời gian như vậy khiến cho người đọc có thể nhận biết lí do của việc hai cha con chú Hai Quân trở về làng, giúp người đọc hiểu rõ hơn về nội dung của câu chuyện. Qua đó thể hiện được sự đối lập của cuộc sống giữa hiện tại và quá khứ, dẫn đến những hành động đấu tranh vì quê hương đất nước trong các sự kiện tiếp đó. Mỗi chiều thời gian đều là chủ ý của nhà văn, muốn người đọc cảm nhận được sự tương phản, sự khác biệt giữa những khoảng thời gian, bên cạnh đó còn là sự thay đổi của số phận nhân vật.