Khái niệm không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong văn xuôi võ quảng (Trang 28 - 31)

8. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Khái niệm không gian nghệ thuật

Khi ta nói đến không gian thì thường nghĩ ngay đến không gian địa lý nói chung, trong Từ điển tiếng Việt có nói rằng không gian là “khoảng không bao trùm mọi vật xung quanh con người” [34, tr.147] có thể hiểu những gì tồn tại cơ bản của vật chất trong một giới hạn nào đó xung quanh con người là không gian. Tuy nhiên, không gian nghệ thuật lại là một phạm trù khác hẳn, nó thuộc về

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử chỉ rõ: “Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nhà nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống, do đó không thể quy nó về không gian địa lý hay không gian vật lý, vật chất” [41, tr.87]. Không gian nghệ thuật trong một văn bản văn học không đơn giản là xác định nơi chốn hay tái hiện những khung cảnh hiện thực mà nó được xây dựng như một kí hiệu đặc biệt để thể hiện tâm trạng của nhân vật hay bộc lộ quan điểm của thi sĩ về thế giới. Trong Dẫn luận thi pháp học có nhận định: “Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Cũng như mọi vật trong thế giới tồn tại trong không gian ba chiều: cao, rộng, xa và chiều thời gian, không có hình tượng nghệ thuật nào là không có không gian, không có nhân vật nào không có nền cảnh nào đó” [41, tr.86], có thể thấy không gian nghệ thuật rất cần thiết trong thế giới nghệ thuật và không thể đồng nhất không gian nghệ thuật với không gian địa lí bởi đó là một “mô hình”, là sản phẩm từ sự sáng tạo của người nghệ sĩ thông qua đó để thể hiện quan niệm về con người, về cuộc sống.

Không gian trong tác phẩm văn học có sự phân biệt hẳn so với không gian khách quan. Không gian này chứa đựng một giá trị tình cảm, do thế nó được tổ chức theo quan niệm riêng của tác giả, hoàn toàn không giống với trật tự của không gian bên ngoài.

Các tác giả của cuốn Từ điển thuật ngữ văn học khẳng định: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong một trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, thấp, xa, gần, rộng, dài, tạo thành viễn cảnh nghệ thuật.” [13, tr.162]. Một yếu tố tồn tại trong sự vật khách quan thì chưa thể hiểu đó là không gian nghệ thuật mà các yếu tố sự vật tồn tại đó cần có sự liên kết chặt chẽ trong một chỉnh thể với các yếu tố

nghệ thuật khác mang yếu tố thẩm mỹ đáp ứng được yêu cầu thể hiện ý tưởng của tác giả , bởi không gian nghệ thuật không chỉ là sự phản ánh lại thế giới mà còn thể hiện tình cảm của con người, tư tưởng chủ đề tac phẩm. Bởi vậy, không gian nghệ thuật đóng vai trò rất quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật.

Trong Vài nét về thi pháp học hiện đại của Đào Thái Sơn có nêu nhận định: “Không gian nghệ thuật không phải là không gian vật chất mà chủ yếu là không gian của tinh thần, không gian của tâm tưởng, cảm xúc, ước vọng, hồi tưởng... và nó cũng có nhiều lớp như không gian vũ trụ, không gian xã hội, không gian địa lý, không gian con người (không gian cư ngụ và không gian tâm tưởng ).” [38]. Nhận định này nhấn mạnh không gian nghệ thuật chủ yếu xuất phát từ cảm nhận của người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm, không gian đó có chứa đựng đầy đủ những yếu tố không gian khác và ta các thể loại văn học đều sử dụng đến không gian nghệ thuật để thể hiện ý đồ nghệ thuật, đem lại sự phong phú đa dạng và cá tính sáng tạo của từng tác giả trong từng không gian nghệ thuật được tạo nên.

Các nhà nghiên cứu còn đưa ra sự phân loại đối với không gian nghệ thuật thông qua các tiêu chí:

Trong Dẫn luận thi pháp học, Trần Đình Sử đã phân loại như sau: Dựa vào vị trí, giới hạn của sự vật, không gian được chia thành: không gian điểm, không gian tuyến, không gian mặt phẳng (không gian khối); Dựa vào sự biến đổi của sự vật hiện tượng không gian được chia thành: không gian bên trong (phi thời gian, không biến đổi, trừ khi thảm họa làm nó hủy diệt), không gian bên ngoài (đổi thay, vô thường, ngẫu nhiên). Ngoài ra còn có không gian hành động và phi hành động. Sự phân chia này cho thấy không gian nghệ thuật như được cấu tạo bởi một mô hình nghệ thuật chứa đựng nhiều yếu tố không gian kết hợp nên và được thể hiện qua nghệ thuật ngôn từ trong tác phẩm.

Trong Lý luận văn học vấn đề và suy nghĩ, PGS. Huỳnh Như Phương có sự phân chia không gian nghệ thuật thành các loại: không gian thiên nhiên hay không gian sinh hoạt; không gian nghệ thuật có thể là không gian mở hay không gian kép; không gian nghệ thuật có thể là không gian linh hoạt, cũng có thể là không gian tĩnh bất động.

Trong Những vấn đề thi pháp của truyện, Nguyễn Thái Hòa đã chia thành các loại không gian: không gian bối cảnh, không gian sự kiện, không gian tâm lý, không gian kể chuyện, không gian đối thoại. Trong đó, không gian bối cảnh là không gian rộng lớn nhất của câu chuyện được diễn ra.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra các tiêu chí phân loại không gian nghệ thuật một cách khái quát nhất, qua sự phân loại đó ta có thể thấy được rõ hướng đi và đi sâu hơn trong nghiên cứu không gian nghệ thuật trong sáng tác văn học.

Như vậy, không gian nghệ thuật là không gian tồn tại trong thế giới nghệ thuật, là một phạm trù quan trọng của thi pháp học, là phương tiện chiếm lĩnh đời sống, là mô hình nghệ thuật về cuộc sống. Không gian nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc thể hiện tính cách nhân vật, tư tưởng chủ đề của tác phẩm, góp phần thể hiện quan điểm nghệ thuật của mỗi nhà văn.

Từ những khái niệm lý luận và sự phân loại không gian nghệ thuật của các nhà nghiên cứu, ta có thể đi sâu tìm hiểu không gian nghệ thuật trong sáng tác của nhà văn Võ Quảng, một trong những yếu tố góp phần đem lại sự thành công trong sáng tạo nghệ thuật của ông.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong văn xuôi võ quảng (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)